Bộ Quốc phòng trả lời về việc cố ý xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự

Bộ Quốc phòng cho rằng, một số công dân cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển nghĩa vụ quân sự để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là tự từ bỏ quyền, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc; các cơ quan chức năng cần vào cuộc xem xét xử lý nghiêm túc để đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội đã chuyển Bộ Quốc phòng kiến nghị của cử tri về điều chỉnh quy định để tránh lợi dụng hình xăm, chữ xăm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Bộ Quốc phòng trả lời về việc cố ý xăm hình để trốn nghĩa vụ quân sự- Ảnh 1.

Công dân có hình xăm, chữ xăm có thể tẩy xóa thì vẫn được xem xét tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội

ẢNH: NHẬT THỊNH

Theo đó, cử tri cho rằng, quy định về hình xăm, chữ xăm khi xét duyệt tiêu chuẩn tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ vào phục vụ trong quân đội chưa phù hợp vì thực tế hiện nay, một số công dân đã lợi dụng quy định này cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự, gây dư luận bất bình trong nhân dân. Vì vậy, kiến nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp.

Trả lời ý kiến cử tri, Bộ Quốc phòng cho biết, nội dung liên quan đến hình xăm, chữ xăm của công dân nhập ngũ được quy định cụ thể tại khoản 9 điều 5 Thông tư liên tịch số 50/2016 ngày 15.4.2016 của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

Cụ thể, quy định hiện hành về hình xăm, chữ xăm của công dân nhập ngũ vào phục vụ trong quân đội chỉ điều chỉnh đối với các hình xăm, chữ xăm dưới da (làm thay đổi sắc tố da, không thể tẩy xóa) biểu hiện tư tưởng chính trị, đạo đức như hình xăm, chữ xăm có nội dung chống đối chế độ, chia rẽ dân tộc, mang tính kinh dị, kỳ quái, kích động tình dục, bạo lực; hình xăm, chữ xăm gây phản cảm ở vị trí lộ diện, hình xăm, chữ xăm chiếm diện tích lớn trên cơ thể và các hình xăm, chữ xăm không phù hợp với môi trường văn hóa trong quân đội, việc thực hiện nhiệm vụ và hình ảnh lễ tiết tác phong của người quân nhân cách mạng.

“Công dân có hình xăm, chữ xăm không thuộc các trường hợp trên hoặc có thể tẩy xóa thì vẫn được xem xét tuyển chọn vào phục vụ trong quân đội”, Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Bộ Quốc phòng cho rằng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ thiêng liêng của mọi công dân với Tổ quốc. Việc một số công dân cố tình xăm hình, xăm chữ lên cơ thể trước thời điểm khám tuyển để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự là tự từ bỏ quyền, nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, thể hiện sự suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức.

Những trường hợp này không đủ tiêu chuẩn để phục vụ trong quân đội; đồng thời, cần được cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương vào cuộc xem xét xử lý nghiêm túc để đảm bảo sự nghiêm minh, công bằng của pháp luật.

“Để kịp thời ngăn chặn hành vi lợi dụng, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự hằng năm, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo rút kinh nghiệm và có hướng dẫn chi tiết, cụ thể về hình xăm, chữ xăm khi tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ, góp phần hạn chế hành vi công dân lợi dụng để trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự”, Bộ Quốc phòng thông tin.

Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các chính sách và tác động liên quan; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ quân sự bảo đảm khoa học, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn.

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.