Thầy giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ và hành trình đặc biệt tìm mộ liệt sĩ

Thầy giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ, người tình nguyện đi tìm mộ liệt sĩ, chụp hơn 800.000 ảnh bia mộ, giúp hàng chục ngàn gia đình tìm được mộ liệt sĩ, đã kể lại những câu chuyện ‘éo le’ trong hành trình đặc biệt của mình.

Giữa tháng 7 này, chúng tôi đến khu phố Cổng Xanh, phường Vĩnh Tân, TP.HCM gặp ông Nguyễn Sỹ Hồ. Đây được coi là thời điểm bận rộn nhất trong năm của ông. Nhiều hồ sơ liệt sĩ cần tra cứu để tìm mộ. Những mộ liệt sĩ mới tìm được mà người thân có nguyện vọng an táng tại quê nhà thì phải lên kế hoạch bốc hài cốt, đưa về trong tháng 7 thiêng liêng… 

“Tháng 7, thường thở không ra hơi”, ông Sỹ Hồ trải lòng. Dù vậy, ông giáo già vẫn dành thời gian chia sẻ những điều mà chỉ có người trong cuộc mới rõ.

“Lòi con mắt mới tìm ra tên liệt sĩ chính xác”

Đó là nguyên văn ông Sỹ Hồ chia sẻ với chúng tôi. Ông nói ghi sai tên liệt sĩ trên bia mộ là chuyện “xảy ra như cơm bữa”. Ông đơn cử một số trường hợp như liệt sĩ tên Hợi mà khắc trên bia là… Hại.

Theo đó, ngay sau khi quy tập hài cốt liệt sĩ, đội công tác bàn giao hài cốt liệt sĩ cho một nghĩa trang và cơ quan chức năng đã báo cho gia đình hài cốt liệt sĩ Bùi Văn Hợi đã được đưa vào nghĩa trang, cải táng tại lô O, hàng 31, số mộ 5.

Thầy giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ và hành trình đặc biệt tìm mộ liệt sĩ- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Sỹ Hồ đang tra cứu thông tin liệt sĩ

ẢNH: QUANG VIÊN

Vậy mà, người lập danh sách ghi thành Bùi Văn Hai, rồi sau đó bia mộ khắc thành Bùi Văn Hại. “Như thế này thì cán bộ trẻ sau này tiếp nhận hồ sơ sẽ trả lời ngay là không có mộ liệt sĩ Bùi Văn Hợi, nguyên quán huyện Can Lộc, tỉnh Nghệ Tĩnh (nay là tỉnh Hà Tĩnh) trong các nghĩa trang liệt sĩ thuộc tỉnh này”, ông Sỹ Hồ bày tỏ.

Còn trên bia mộ liệt sĩ Nông Văn Chẻn, quê Bắc Kạn, được an táng ban đầu tại một nghĩa trang thuộc tỉnh Quảng Trị, thì không chỉ thiếu nhiều thông tin mà cái tên Chẻn cũng đổi thành Chải. Ông Sỹ Hồ cũng đã “lòi con mắt” tra cứu, ghép các hồ sơ liên quan… mới có thể “trả lại tên” và bổ sung nhiều thông tin còn thiếu trên bia mộ cho anh Chẻn.

Thầy giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ và hành trình đặc biệt tìm mộ liệt sĩ- Ảnh 2.

Từ trái sang, tấm bia trước đây khắc tên liệt sĩ là Chải và thiếu thông tin. Sau đó đủ căn cứ để xác định lại tên đúng của liệt sĩ là Chẻn

ẢNH: SỸ HỒ

Đầu tháng 7.2025, ông Sỹ Hồ cũng mệt nhoài vì phải tìm cách thực chứng mộ liệt sĩ Hành. Liệt sĩ Nguyễn Đình Hành nhưng bia mộ tại một nghĩa trang thuộc tỉnh Bình Dương cũ (nay là TP.HCM) ghi tên Nguyễn Đình Thành. “Sai họ, sai tên, thiếu thông tin liệt sĩ là chuyện hay gặp”, ông Sỹ Hồ cho biết.

Có vài trường hợp mà ông Sỹ Hồ nói còn “vi diệu” hơn. Đó là bia mộ liệt sĩ bị khắc nhầm tên cha. Ông đơn cử trường hợp kiến trúc sư Phí Hữu Thức nhờ tìm mộ người bác ruột Phí Hữu Hưởng, nguyên quán xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Sơn Bình (nay là TP.Hà Nội), hy sinh năm 1973 tại chiến trường miền Nam.

Sau khi tra cứu toàn bộ các dữ liệu đã thu thập, ông Sỹ Hồ chỉ phát hiện 1 bia mộ đã chụp có tên Phí Hữu Tường, các thông tin quê quán, năm hy sinh cũng trùng khớp với liệt sĩ Phí Hữu Hưởng mà anh Thức đang nhờ ông tìm. Điều bất ngờ, người có tên Phí Hữu Tường khắc trên bia mộ là ông nội của anh Thức.

Sau đó, ông Sỹ Hồ yêu cầu anh Thức chụp giấy báo tử, bằng Tổ quốc ghi công, huân chương của liệt sĩ Phí Hữu Hưởng để đối chiếu. 

Anh Thức cũng khẳng định với phóng viên Báo Thanh Niên: “Ở địa phương xã không có liệt sĩ nào tên là Phí Hữu Tường, và trong họ hàng chỉ có mình bác Hưởng là liệt sĩ”. Trường hợp này, ông Nguyễn Sỹ Hồ đã hướng dẫn thân nhân làm các thủ tục để đính chính lại tên ghi trên bia mộ.

Thầy giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ và hành trình đặc biệt tìm mộ liệt sĩ- Ảnh 3.

Con liệt sĩ tên là Phí Hữu Hưởng, nhưng tên cha Phí Hữu Tường được khắc trên bia

ẢNH: SỸ HỒ

Trong việc hỗ trợ các gia đình liệt sĩ tìm mộ, có người coi bản trích lục thông tin liệt sĩ (nay là giấy xác nhận thông tin về nơi hy sinh của liệt sĩ) là chính xác tuyệt đối. 

Nhưng theo ông Sỹ Hồ, nếu nghĩ như vậy là “hết sức sai lầm”. Ông dẫn chứng, có trường hợp bản trích lục ghi nơi hy sinh của liệt sĩ là Tây Ninh nhưng gia đình đã tìm được mộ tại tỉnh Quảng Nam cũ (nay là TP.Đà Nẵng) bằng giám định AND. 

Hay như trường hợp liệt sĩ Đỗ Văn Hồng có đến 3 tài liệu ghi nơi hy sinh khác nhau, và cuối cùng thì gia đình tìm được mộ tại một nghĩa trang thuộc tỉnh Quảng Bình (Quảng Trị mới). 

“Có trường hợp còn đặc biệt hơn. Đó là một liệt sĩ có thông tin trên bia mộ gần như giống nhau hoàn toàn, nhưng được chôn cất ở 4 nghĩa trang khác nhau ở nhiều tỉnh thành”, ông Sỹ Hồ kể. 

Những liệt sĩ… còn sống

Thậm chí, có người đã được công nhận là liệt sĩ, nhưng hiện nay vẫn còn sống. Ông giáo già, người từng nhận mình là “lão khùng” với hành trình tình nguyện tìm mộ liệt sĩ hơn 15 năm, chia sẻ một trường hợp như thế. 

“Thật diệu kỳ đến mức khó tin. Chỉ sau 5 tiếng đồng hồ kể từ khi cháu của liệt sĩ Lê Đình Phương đăng tin tìm mộ người ông liệt sĩ này lên group Người đưa đò, gia đình đã tìm được ông còn sống. Hiện cụ Lê Đình Phương đang sinh sống ở An Giang, có 3 người con và đã có cháu”, ông Sỹ Hồ tiết lộ.

Thầy giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ và hành trình đặc biệt tìm mộ liệt sĩ- Ảnh 4.

Ông Lê Đình Phương vẫn còn sống

ẢNH: ÔNG SỸ HỒ CUNG CẤP

Ông Sỹ Hồ còn kể rằng mình đã từng “nói chuyện với liệt sĩ” khác. Người “liệt sĩ” đó là ông Lương Văn Thiện, quê tỉnh Vĩnh Phúc (tỉnh Phú Thọ mới). Cớ sự là khi ông Sỹ Hồ đăng ảnh chụp bia mộ liệt sĩ Lương Văn Thiện trên group Người đưa đò, thì con trai ông Thiện đã gọi điện cho ông thông báo rằng: “Bố cháu hiện khỏe mạnh và đang làm nông tại Vĩnh Phúc. Vậy mà có tin mộ bố cháu đang nằm tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Đồng Nai”. 

Ngay sau đó, ông Sỹ Hồ liên lạc qua điện thoại gặp ông Thiện. “Ông ấy nói chuyện giọng oang oang, chứng tỏ đang là lão nông khỏe mạnh. Vậy mà bia mộ lại có tên, tuổi và các thông tin khác trùng khớp, thế mới lạ”, ông Sỹ Hồ thắc mắc.

Ông tìm hiểu kỹ hơn thì được biết trong trận chiến đêm 28.3.1973 tại chiến trường miền Nam, ông Thiện bị địch bắt và đem giam ở khám Chí Hòa. Sau đó, địch bí mật chuyển ông về nhà tù Cần Thơ. Sau 30.4.1975, ông tiếp tục phục vụ trong quân ngũ 1 năm nữa rồi phục viên.

Thầy giáo về hưu Nguyễn Sỹ Hồ và hành trình đặc biệt tìm mộ liệt sĩ- Ảnh 5.

Ông Lê Đình Phương từng được coi là liệt sĩ với tấm bằng Tổ quốc ghi công

ẢNH: ÔNG SỸ HỒ CUNG CẤP

Còn những câu chuyện khó tin, nhưng đó là sự thật. Ông Sỹ Hồ cho biết, có gia đình đã đinh ninh đưa liệt sĩ về quê, song mộ thật vẫn còn nằm trong nghĩa trang liệt sĩ an táng ban đầu. 

Chẳng hạn, mộ liệt sĩ Nguyễn Công Thùy, quê tỉnh Phú Thọ, an táng tại 1 nghĩa trang liệt sĩ thuộc TP.HCM và mộ liệt sĩ Bùi Đức Tỉnh, quê Nam Định (nay là tỉnh Ninh Bình) tại 1 nghĩa trang liệt sĩ thuộc tỉnh Bình Dương (nay là TP.HCM). 

“Trước đây tôi kiểm chứng với đơn vị quản lý mộ hai liệt sĩ này thì được biết chưa có ai đến làm thủ tục di dời gì cả. Nhưng ngay sau đó tôi báo tin cho gia đình, thì nhận phản hồi là họ đã đón hài cốt liệt sĩ về quê rồi”, ông Sỹ Hồ kể.

Nên tổng rà soát thông tin liệt sĩ

Trong hành trình tìm mộ liệt sĩ có những chuyện mà ông Sỹ Hồ ví đó là “quýt làm, cam chịu”. Phổ biến nhất là bia liệt sĩ hoặc giấy báo thông tin về mộ liệt sĩ ghi sai thông tin như họ tên, quê quán, nơi an táng… 

Điều này khiến ông Sỹ Hồ và những người tình nguyện đi tìm mộ liệt sĩ mất rất nhiều thời gian để rà soát, kiểm tra, đối chứng… mới có thể có đầy đủ hồ sơ hợp pháp, nhằm cất bốc hài cốt liệt sĩ đưa về quê theo nguyện vọng gia đình liệt sĩ.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.