Một ngày trước đất nước thống nhất, sĩ quan an ninh Nông Văn Hưởng đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ ở Trại David, một cứ điểm đặc biệt nằm ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, Ban Liên hợp quân sự Trung ương bốn bên hình thành với nhiệm vụ phối hợp hành động bảo đảm thi hành những điều khoản của Hiệp định Paris. Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam đóng trụ sở tại Trại Davis. Thượng úy Nông Văn Hưởng là một sĩ quan an ninh được điều động làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho hai phái đoàn tại đây.
Giữa bình minh rực lửa, người sĩ quan an ninh đã anh dũng hy sinh
Thượng úy an ninh Nông Văn Hưởng (còn gọi là Nông Văn Kiên), sinh năm 1932 tại tỉnh Bắc Kạn (nay là tỉnh Thái Nguyên). Vốn là người con của vùng đất cách mạng, anh Hưởng sớm giác ngộ lý tưởng.
Anh còn có tố chất thông minh, gan dạ nên được lựa chọn vào lực lượng an ninh với những nhiệm vụ đặc biệt. Trong sự nghiệp, anh từng có mặt tại Hội nghị Paris để bảo vệ an toàn cho phái đoàn đàm phán của ta, một vinh dự không phải ai cũng có được.

Thượng úy Nông Văn Hưởng (thứ 2 từ phải qua) thời kỳ ở Trại Davis
ẢNH: TƯ LIỆU
Sau khi Hiệp định Paris, thượng úy Hưởng tiếp tục được phân công nhiệm vụ tại Ban bảo vệ an ninh Trại Davis, do ông Vũ Nam Bình làm trưởng ban. Đây là đơn vị nòng cốt của ta tại Trại Davis, chịu trách nhiệm ngăn chặn mọi hoạt động do thám, phá hoại… của địch.
Sáng 19.4.2025, Ban Liên lạc cựu chiến binh thuộc Ban Liên hợp quân sự Trại Davis đã chủ trì, phối hợp Trung tâm Lưu trữ quốc gia III tổ chức gặp mặt chào mừng lễ kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước (30.41975 – 30.4.2025).

Các cựu chiến binh từng tham gia Trại Davis trong một buổi giao lưu
ẢNH: TRUNG TÂM LƯU TRỮ QUỐC GIA III
Tại buổi gặp mặt, các cựu chiến binh, trong đó có ông Phạm Văn Hồng, đã ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân Việt Nam, đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược và chiến tranh phá hoại với quy mô lớn nhất, kéo dài nhất, ác liệt nhất của địch. Họ không quên nói về đồng đội của mình đã hy sinh ở Trại Davis trước ngày toàn thắng.
Mới đây, chúng tôi liên lạc được với ông Phạm Văn Hồng. Ký ức về người cán bộ an ninh Nông Văn Hưởng vẫn vẹn nguyên trong lòng người trung sĩ từng công tác tại Ban hậu cần Trại Davis.
“Anh Hưởng rất khéo tay nên thường cắt tóc cho anh em chúng tôi. Là sĩ quan an ninh, nhưng tính tình của anh Hưởng rất vui vẻ, hòa đồng nên các anh em chiến sĩ như tôi cũng thường được anh mời uống trà, trò chuyện…”, ông Hồng tâm sự. Nhưng chỉ trước 30.4.1975 một ngày, thượng úy Hưởng đã mãi mãi ra đi.

Qua điện thoại trên Zalo, cựu chiến binh Phạm Văn Hồng kể lại với phóng viên về sự hy sinh anh dũng của thượng úy Nông Văn Hưởng
ẢNH: QUANG VIÊN
Theo lời kể của ông Hồng, vào buổi chiều muộn 28.4.1975, một tốp máy bay A-37 của địch bất ngờ lao tới trút bom xuống Trại Davis. Khoảng gần 4 giờ sáng 29.4, pháo hạng nặng của quân giải phóng cũng bắt đầu dội xuống sân bay Tân Sơn Nhất, một căn cứ quan trọng của địch. Mặt đất rung chuyển, cả khu vực chìm trong khói lửa.
“Thời điểm bom rơi, đạn lạc dày đặc như thế, nhưng vì nhiệm vụ nên đồng chí Nông Văn Hưởng vẫn trụ ngoài công sự để trinh sát, chụp ảnh”, ông Hồng kể.
Ngay trong loạt pháo pháo đầu tiên ấy, thượng úy Nông Văn Hưởng trúng mảnh pháo vào cổ. Máu của anh trào ra ướt đẫm áo, thấm xuống mặt đất chưa kịp khô của buổi bình minh. “Đồng đội lập tức đưa đồng chí Hưởng về hầm dã chiến để cứu thương, nhưng vết thương trúng động mạch ở cổ quá nặng nên anh Hưởng không qua khỏi”, cựu chiến binh Phạm Văn Hồng, một trong những người khâm liệm liệt sĩ Nông Văn Hưởng, bùi ngùi kể.
Cùng lúc ấy, trung sĩ Nguyễn Quang Hòa, quê ở Thanh Hóa, đang làm nhiệm vụ cảnh giới cũng hy sinh. Hai người đồng đội ngã xuống ngay trước ngày thống nhất, khiến ông Phạm Văn Hồng và những cựu chiến binh từng công tác ở Trại Davis ray rứt suốt quãng đời còn lại.
Nghẹn ngào buổi tiễn đưa
Sau khi hai đồng đội hy sinh, trong đó có thượng úy Nông Văn Hưởng, ông Hồng và một số chiến sĩ cảnh vệ được giao nhiệm vụ khâm liệm, chôn cất tạm thời họ trong điều kiện hết sức ngặt nghèo.
Ông Hồng được phân công vào kho quân nhu gần đó, chọn 2 bộ quần áo sạch, ướm chừng vừa người anh Hưởng và anh Hòa. Ông còn cẩn thận lấy tất tay, tất chân mặc cho các anh để sau này có điều kiện bốc mộ thì hài cốt không mất các đốt ngón tay, ngón chân.
“Thi thể hai liệt sĩ được bọc bằng túi ni lông lớn, rồi tôi cùng những chiến sĩ khác đào 1 hố sâu trong 1 căn hầm ở khu trại để làm nơi an táng tạm thời”, ông Hồng nhớ lại.

Trại Davis thời điểm trước 1975
ẢNH: TƯ LIỆU
Trưa 30.4.1975, khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn và cắm cờ lên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu chiến thắng hoàn toàn của Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trại Davis cũng im tiếng súng. Ngay khi tình hình ổn định, ông Phạm Văn Hồng cùng đồng đội bắt tay ngay vào việc làm quan tài cho đồng đội bằng các tấm ván thông gỡ ra từ căn nhà bỏ trống trong trại.
Hai cỗ quan tài thô sơ được chuyển ra cuối khu trại, sát bên sân bóng rổ để chôn cất lại. Phải đến nhiều năm sau, hài cốt thượng úy an ninh Nông Văn Hưởng mới được gia đình đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà ở tỉnh Bắc Kạn (nay là tỉnh Thái Nguyên).
Thời gian trôi đi, Trại Davis dần mờ nhòa trong ký ức của những người lính già. Nhưng cái tên Nông Văn Hưởng, Nguyễn Quang Hòa mãi khắc sâu trong tâm trí họ.

Hình ảnh thượng úy Nông Văn Hưởng mãi mãi khắc ghi trong tâm trí của những đồng đội là cựu chiến binh ở Trại Davis
ẢNH: TƯ LIỆU
“Suốt thời gian ở Trại Davis, anh Hưởng đã kiên cường bám trụ giữa lòng địch. Anh đối diện với vô vàn thử thách đầy cam go để góp phần quan trọng giữ vững an ninh cho các phái đoàn. Anh ngã xuống khi thực hiện một sứ mệnh thầm lặng, giữa lúc hòa bình chỉ còn trong gang tấc”, cựu chiến binh Phạm Văn Hồng bày tỏ.
Trại Davis, nơi đặt “tổng hành dinh” của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và phái đoàn Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã được công nhận là 1 trong 4 di tích lịch sử tiêu biểu, đặc biệt quan trọng của Chiến dịch Hồ Chí Minh theo Thông tư liên bộ số 1083/TTVH-BQP ngày 20.12.1986 và được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia theo Quyết định số 827/QĐ-BVHTTDL ngày 9.3.2017 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.