Lập nghiệp ở TP.HCM: Đạo diễn đất võ tay trắng làm nên sự nghiệp

‘Cuộc đời tôi ly kỳ lắm’, đó là câu nói của anh Võ Ngọc Duy (nghệ danh Duy Võ) khi mở đầu câu chuyện về cuộc đời và hành trình lập nghiệp của mình.

Gặp chúng tôi trong một quán cà phê, với vẻ ngoài phong trần, bụi bặm, Duy Võ trầm tư kể lại cuộc đời mình với nhiều cung bậc cảm xúc.

Tuổi thơ chìm nổi

Anh Duy sinh tại một vùng quê ở tỉnh Gia Lai (Bình Định cũ), trong một gia đình rất nghèo. “Người ta bảo nghèo rớt mồng tơi. Nhưng ngày trước nhà tôi không có cả mồng tơi để rớt”, người đàn ông 45 tuổi tâm sự.

 - Ảnh 1.

Anh Võ Hồng Duy trong vai trò đạo diễn một gameshow

ẢNH: QUANG VIÊN

Ba Duy là trụ cột gia đình với nghề thợ mộc, nhưng tai nạn lao động khiến ông mất một mắt. Sau này, ông còn mắc bệnh tim, bệnh phổi nặng. Nhà đông con, thiếu ăn, nên khi mới học lớp 2, Duy đã phải khăn gói về sống với người cô họ để có cơm ăn và tiếp tục được đi học.

Ở với người cô chỉ được 1 năm, Duy thưa chuyện và cảm ơn cô, rồi lại dọn hết áo quần về nhà ba má. “Tôi thà ăn rau, ăn cháo cũng về với ba má, anh chị, dù được cô họ đùm bọc, thương yêu”, anh hồi tưởng.

Bên ngoài quán cà phê, trời không ngớt mưa, bất giác mắt anh Duy rơm rớm. “Mỗi khi mưa là tôi rất nhớ má. Ngày tôi còn nhỏ và má còn sống, mùa đông lạnh cóng, có tấm vải băng rôn mỏng tanh ai đó đem cho, má dành đắp cho tôi”, anh bùi ngùi tâm sự.

Có một ký ức buồn đến chạnh lòng mà anh không bao giờ quên. Đó là năm học lớp 5, lúc cận tết, một người chú họ đến khiêng chiếc tủ thờ trong gia đình. “Ba bán tủ thờ, kỷ vật thiêng liêng và có giá trị lớn nhất trong gia đình lúc đó để lo tết cho con, trả một số nợ. Thay vào đó là chiếc tủ mục nát”, anh thổ lộ mà lệ cứ ầng ậng. “Chắc là ba cũng đau lòng lắm chứ ai lại đi bán cái tủ đang thờ, nhưng có lẽ ba đã hết cách”, anh nghẹn ngào nói thêm.

Anh chị đã lập gia đình gần hết, lên lớp 7, Duy tính đi học nghề. Nhưng cô giáo chủ nhiệm ra sức thuyết phục, còn anh chị hai cũng ki cóp từng đồng phụ đỡ nên Duy ráng học đến tốt nghiệp THPT.

 - Ảnh 2.

Anh Duy trầm tư khi kể lại câu chuyện về cuộc đời mình

ẢNH: QUANG VIÊN

Ngay sau đó, Duy xin làm công nhân trong một công ty thủy sản gần nhà. Anh làm việc bất kể ngày đêm, miễn có tiền phụ ba má. “Làm trong kho lạnh, ngủ trên khu chuồng heo cũ của xí nghiệp mổ heo ngày xưa để lại nhưng mình vượt qua tất cả”, anh nói.

Khát vọng rời khỏi lũy tre làng

Từ cái kho lạnh, Duy khát khao vượt khỏi lũy tre làng. Nhờ đọc ké những tờ báo cũ, đặc biệt là Báo Thanh NiênTuổi Trẻ, anh dần nhận ra những cơ hội làm việc ở phía nam. Và rồi, anh quyết định Nam tiến với hành trang là 2 bộ đồ, 200 ngàn đồng và cuốn Thép đã tôi thế đấy làm kim chỉ nam.

Trên đường vào TP.HCM, anh được người bạn học cũ lúc đó đang ở Đồng Nai tặng 1 triệu đồng, số tiền tương đương 2 tháng lương công nhân. Người em họ ở TP.HCM thì đón về, cho ăn ở suốt 2 tháng để anh đi tìm việc. “Có những ân tình cả đời này tôi không biết trả sao cho đủ, tôi chỉ biết khắc cốt ghi tâm”, anh trải lòng.

 - Ảnh 3.

Chương trình Biệt đội phấn trắng mang giá trị nhân văn do Big Vision thực hiện

ẢNH: QUANG VIÊN

Tôi sẽ ghi lại tất cả và giới thiệu những nụ cười của người Việt trên mọi miền. Đó có thể là nụ cười khi đối diện nghịch cảnh, khổ đau; nụ cười khi tìm thấy niềm vui, hạnh phúc… Tôi muốn truyền thông điệp rằng mọi người hãy lạc quan yêu đời dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào. Nếu khóc không thay đổi được gì thì cười sẽ tốt hơn. Tôi sẵn sàng hợp tác với tất cả những cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức… để lan tỏa điều tích cực này.

Đạo diễn Võ Hồng Duy nói về dự án Triệu nụ cười Việt

Những ngày đầu ở TP.HCM, có một “bí kíp kiếm cơm” mà đến bây giờ anh mới thổ lộ. Anh xin vào rất nhiều công ty bán hàng đa cấp để họ huấn luyện. “Sáng nhịn đói tới lớp huấn luyện để trưa được ăn cơm miễn phí. Chiều thì có cơm ở nhà đứa em họ”, Duy bật mí.

Bước ngoặt của Duy Võ là xin vào một công ty truyền thông để đi tìm khách hàng. Không bằng cấp, không kỹ năng, chưa từng học truyền thông, anh bị liệt vào danh sách “sắp đuổi việc” sau 2 tháng không ký nổi 1 hợp đồng. Rất may, ông chủ thương tình nên gia hạn thêm thời gian cho anh “tự thay đổi”.

Thế là Duy lao vào tự học thêm bằng cách “ngồi đồng” đọc sách miễn phí trong nhà sách, nghiền ngẫm những chồng báo cũ mua theo ký, và học hỏi kinh nghiệm thành bại “xương máu” từ rất nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp mà anh đến xin ký hợp đồng. Duy quan sát, học hỏi, ghi chép tất cả. “Không có gì là không học được nếu mình đủ quyết tâm”, anh nói chắc nịch. Anh bảo mình rất cảm ơn Báo Thanh Niên, Báo Tuổi Trẻ vì những kiến thức trong báo đã góp phần định hướng nghề nghiệp cho mình. Đến giờ, anh vẫn giữ thói quen sáng nào cũng mua 2 tờ báo này để đọc.

Nhờ nỗ lực không mệt mỏi, từ một nhân viên sắp bị đuổi việc, anh Duy trở thành “ngôi sao” của công ty. “Tôi trở thành trùm ký hợp đồng sau lời cảnh báo đuổi việc chỉ sau 6 tháng”, anh hào hứng kể lại.

Không an phận, anh Duy bắt đầu tham gia các khóa học quản trị, truyền thông, đạo diễn… để chuẩn bị hành trang tự lập nghiệp. “Tôi muốn làm chủ, trở thành nhà sản xuất nội dung truyền thông, tổ chức sự kiện chuyên nghiệp, đạo diễn gameshow có thực lực và uy tín”, anh tâm sự.

Năm 2014, Công ty Big Vision ra đời, đánh dấu bước chuyển mình của anh Duy từ một nhân viên thành giám đốc sản xuất truyền thông. Năm 2019, anh tiếp tục thành lập Công ty Thiên Phú chuyên tổ chức các sự kiện cộng đồng.

“Thành nhân, thành công trước khi thành… tro”, đó là là câu nói của anh Duy Võ. Ý chí sắt thép của người đàn ông đất võ này giúp 2 công ty do anh làm chủ định vị vững chắc vị thế trong lòng nhiều khách hàng lớn.

Những dự án, chương trình do Duy Võ thực hiện để lại dấu ấn lớn như Tôi yêu chợ Việt; Biệt đội phấn trắng; Nếu được ước; Chuyển động thị trường; Một lượng vàng mười… Anh chia sẻ không hiếm những chương trình thực hiện với kinh phí từ hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng.

Thành công này theo anh là nhờ biết chọn lối đi riêng, không lặp lại các nội dung truyền thống. “Hầu hết các chương trình, dự án chúng tôi thực hiện đều mang giá trị nhân văn, tử tế, truyền cảm hứng tích cực và đem lợi ích thiết thực cho các đơn vị tài trợ, hợp tác”, anh bày tỏ. Anh cũng luôn nhắc rằng nếu không có ba má, anh chị thì mình không có ngày hôm nay và khiêm tốn nói mình chỉ vừa đủ “thoát nghèo”.

Những ý tưởng mới cũng chưa bao giờ cạn trong đầu của giám đốc, đạo diễn Duy Võ. Anh chia sẻ sắp tới đây, anh sẽ ra mắt chương trình Triệu nụ cười Việt và đây là dự án tâm huyết nhất của anh. (còn tiếp)


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.