Giữa dải đất miền Trung đầy nắng gió có những vùng xanh lặng lẽ gìn giữ hơi thở của sự sống, trở thành “báu vật” thiên nhiên, là ký ức của bao thế hệ.
Tại tỉnh Quảng Trị mới, 2 khu rừng nguyên sinh là rừng trằm Trà Lộc và rừng trâm bầu làng Thanh Bình đang lặng thầm gánh trên mình sứ mệnh gìn giữ sinh kế, văn hóa và cả tương lai của làng quê.
VIÊN NGỌC XANH GIỮA LÒNG CÁT TRẮNG
Không ồn ào, phô trương, trằm Trà Lộc, khu rừng rộng gần 100 ha, lặng lẽ che chở, dưỡng nuôi bao lớp người, từ đời này sang đời khác. Trằm là cách gọi tên bàu nước lớn giữa vùng cát, có rừng. Khu rừng ấy thuộc địa phận xã Vĩnh Định, tỉnh Quảng Trị mới (trước đây thuộc xã Hải Hưng, H.Hải Lăng, Quảng Trị cũ), được người dân địa phương ví như một viên ngọc xanh ẩn mình giữa miền cát cháy.


Một góc trằm Trà Lộc nhìn từ trên cao
Ảnh: Thanh Lộc
Theo các bậc cao niên ở thôn Trà Lộc, khu rừng đã tồn tại hàng trăm năm, gắn bó như máu thịt với cư dân bản địa. Đây là một khu rừng nguyên sinh thực thụ với những cây cổ thụ như trâm bầu, bời lời, cây tra, cây trai, lộc vừng… Nhiều thân cây to sừng sững với đường kính hơn 1 m, như những “cột chống trời” của thiên nhiên, được người dân tự giác bảo vệ một cách bền bỉ.

Ở trằm Trà Lộc có nhiều cây cổ thụ lớn
Ảnh: Nguyễn Phúc
Trong hệ sinh thái rừng, mặt nước cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trằm là nơi cư ngụ của nhiều loài thủy hải sản, chim muông, là nguồn nước tưới tiêu cho gần 50 ha lúa, trở thành “kho báu” được dự trữ để chống hạn mỗi khi nắng nóng kéo dài. Nhưng giá trị của trằm Trà Lộc còn vượt xa những con số thống kê.
Nằm giữa vòng cung sông Vĩnh Định, trằm Trà Lộc không chỉ là cánh rừng sinh thái mà còn lưu giữ dấu ấn văn hóa Chăm cổ xưa, dấu tích của một thời huy hoàng nơi vùng đất linh thiêng. Với cảnh quan nguyên sơ, khí hậu trong lành và hệ động thực vật phong phú, nơi đây được kỳ vọng trở thành điểm đến sinh thái hấp dẫn của Quảng Trị trong tương lai gần.
Ông Lê Đình Niềm, Hội chủ làng Trà Lộc, cho hay ngày xưa dân làng có hương ước, quy ước giữ rừng còn hiện làng và thôn cũng có văn bản về bảo vệ rừng được bà con nghiêm túc chấp hành vì biết rừng nguyên sinh này đem lại lợi ích cho toàn bộ cộng đồng trong thôn, làng.

Lễ hội Phá trằm diễn ra ở trằm Trà Lộc hằng năm
Ảnh: Thanh Lộc
Tình yêu và trách nhiệm với rừng đã trở thành nếp nghĩ, nếp sống. Từ việc tuần tra, canh gác, đến tổ chức lễ hội truyền thống, tất cả đều góp phần gìn giữ và tôn vinh khu rừng. Mỗi năm, lễ hội “Phá trằm” lại được tổ chức như một dịp để tri ân thiên nhiên, với các hoạt động bắt cá, làm sạch môi trường, mừng vụ mùa, tất cả quyện hòa vào một nhịp sống dân dã đầy ý nghĩa.
Không chỉ người dân địa phương, trằm Trà Lộc còn thu hút du khách từ khắp nơi. Mỗi ngày hè, khu vực này đón từ 1.000 – 1.500 lượt khách, thậm chí lên đến 2.000 – 3.000 lượt vào các dịp lễ. Chị Lê Thị Vân Anh (P.Đông Hà, Quảng Trị) lần đầu ghé thăm trằm tỏ ra rất hào hứng: “Tôi thấy không khí rất trong lành, cảnh quan sinh thái phù hợp để du lịch nghỉ dưỡng…”.
Để bảo tồn và phát triển bền vững trằm Trà Lộc, chính quyền xã Hải Hưng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp. Ông Cáp Xuân Tường (Trưởng phòng Văn hóa – xã hội UBND xã Vĩnh Định, tỉnh Quảng Trị), cho hay với vị trí kết nối giữa Thành cổ Quảng Trị và thánh địa La Vang, trằm Trà Lộc không chỉ là “lá phổi xanh” mà còn là cầu nối văn hóa – du lịch, mở ra hướng đi mới cho ngành kinh tế xanh giữa lòng vùng cát trắng. “Chúng tôi phối hợp với ngành kiểm lâm cũng như chỉ đạo Ban quản lý khu sinh thái Trà Lộc trong công tác bảo vệ. Chúng tôi cũng đang tiếp tục quy hoạch, mở rộng về phía nam điểm du lịch, phát triển các khu ẩm thực và điểm dừng chân để phục vụ du khách”, ông Tường nói.
“BỨC BÌNH PHONG” 500 TUỔI
Cách trằm Trà Lộc hơn 100 km, ở xã Quảng Xuân (H.Quảng Trạch, Quảng Bình trước đây, nay là xã Quảng Trạch, tỉnh Quảng Trị mới), rừng trâm bầu hơn 500 tuổi đang âm thầm gồng mình trước những đợt gió Lào, bão cát, triều cường, như một “bức bình phong” khổng lồ bảo vệ làng biển Thanh Bình.
Các gốc trâm bầu bám rễ sâu vào lòng cát, tán cây rộng lớn như chiếc ô xanh bao phủ cả làng dù đường kính thân cây chỉ từ 20 – 40 cm. Rừng trải dài hơn 24 ha giữa 2 thôn Thanh Bình và Xuân Kiều, được ví như “lá phổi xanh” sống động giữa miền duyên hải khắc nghiệt. Dòng nước ngầm ở vùng đất này cũng chưa bao giờ cạn. Khu rừng còn mang lại nhiều lợi ích khác nên người dân nơi đây đã đặt ra hương ước để bảo vệ nghiêm ngặt.


Rừng trâm bầu ở làng biển Thanh Bình
Ảnh: Nguyễn Phúc
Ông Dương Văn Hải, tổ bảo vệ rừng trâm bầu, chia sẻ: “Chúng tôi có cả thảy 5 anh em, chia ra từng khu vực để quản lý. Không kể tuần, không kể tháng, ngày nào chúng tôi cũng có mặt hết, để mà bảo vệ rừng cho được đến ngày hôm nay”.
Tinh thần gìn giữ rừng đã trở thành một phần cốt lõi trong đời sống văn hóa làng biển. Câu nói “Còn rừng thì còn làng, mất rừng sẽ mất làng” không chỉ là cảnh báo, mà là một lời thề của cộng đồng. Dưới bóng rừng ấy, bao câu chuyện lịch sử, bao nét văn hóa cổ xưa vẫn được trao truyền qua các thế hệ, như mạch ngầm bền bỉ chảy giữa lòng cát.

Người dân làng biển Thanh Bình rất có ý thức bảo vệ rừng trâm bầu
Ảnh: Thanh Lộc
Khu rừng trâm bầu còn tạo không khí trong lành, không gian xanh mát, thu hút người dân và du khách gần xa đến trải nghiệm. Ông Dương Văn Hóa, Phó trưởng thôn Thanh Bình, tâm sự đầy tự hào: “Từng lớp người làng biển chúng tôi đều có ý thức bảo vệ rừng trâm bầu, lớp người này già đi thì sẽ có lớp người khác lo công việc này”. Công tác bảo vệ rừng cũng được chính quyền địa phương đặt lên hàng đầu. Bởi rừng trâm bầu không chỉ là bức tường chắn thiên tai, mà còn là chốn trở về của tâm hồn, nơi con người và thiên nhiên hòa quyện trong mối quan hệ cộng sinh thiêng liêng.
***
Trằm Trà Lộc và rừng trâm bầu làng Thanh Bình, hai khu rừng cách nhau bởi những dặm cát trắng bỏng rát, nhưng cùng mang một nhịp đập. Đó là nhịp đập của sự sống, của khát vọng gìn giữ môi trường, văn hóa và tương lai bền vững. Trong từng gốc cây, từng làn nước, từng lễ hội hay lời hương ước, đều là thông điệp của cộng đồng gửi đến thế hệ mai sau: Thiên nhiên là báu vật, không chỉ để chiêm ngưỡng mà còn để gìn giữ, sống nhờ và sống cùng.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.