Công an TP.HCM lần dấu qua biên giới, giải cứu thành công nữ sinh viên đại học bị nhóm đối tượng giả danh công an, để lừa bán cho công ty lừa đảo ở Campuchia.
Ngày 23.7, Phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM cho biết đang mở rộng điều tra, truy xét các nhóm tội phạm lừa đảo đứng sau hàng loạt vụ bắt cóc online xảy ra gần đây, đặc biệt nhắm đến học sinh, sinh viên và dễ bị thao túng tâm lý.
Trước đó, tối 26.6, bà N.T.T.D (64 tuổi, ở phường Xuân Hòa – phường Võ Thị Sáu cũ, TP.HCM) hốt hoảng đến công an trình báo con gái là N.N.B.N (19 tuổi, sinh viên năm nhất ở TP.HCM) bị bắt cóc đưa qua Campuchia.
Trước đó, bà liên tục nhận tin nhắn qua Zalo từ tài khoản của con gái yêu cầu chuyển 500 triệu đồng để chuộc người. Các tin nhắn đe dọa nếu không chuyển tiền, con bà sẽ bị hành hạ, hiếp dâm hoặc bán sang Myanmar.
Quá lo sợ, bà D. ngay lập tức chuyển 30 triệu đồng 2 lần vào số tài khoản lạ.
Nữ sinh ‘tự nguyện bị bắt cóc’ vì tưởng ‘đang phối hợp với công an điều tra vụ án’
Nhận được tin báo, PC02 vào cuộc điều tra, rà từng dấu vết của nữ sinh viên. Qua camera, công an xác định N. đã rời TP.HCM, và được một nam thanh niên chở bằng xe máy từ khu vực Gò Dầu (Tây Ninh) ra biên giới, vượt sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch.
Các trinh sát PC02 chia nhiều mũi lần theo dấu tại khu vực biên giới. Bằng biện pháp nghiệp vụ, Công an TP.HCM xác định vị trí N. đang bị giữ ở TP.Bavet (Campuchia). Công an TP.HCM phối hợp nước bạn giải cứu và đưa nữ sinh về nhà an toàn. 3 người đàn ông liên quan bị tạm giữ, lấy lời khai.
Đáng nói, toàn bộ kịch bản “bắt cóc” được nữ sinh viên này thực hiện theo chỉ đạo từ một nhóm đối tượng giả danh công an.
Theo lời khai, ngày 25.6, N. nhận được cuộc gọi video qua Zalo từ người đàn ông mặc sắc phục công an, yêu cầu hợp tác điều tra vì nghi ngờ cô liên quan đến đường dây rửa tiền, ma túy. Người này yêu cầu N. chuyển 370 triệu đồng để chứng minh vô tội.
Khi nữ sinh nói không có tiền, hắn liền nói N. giả bị bắt cóc để mẹ gửi tiền chuộc. Bị thao túng tâm lý, N. đồng ý và bắt đầu thực hiện theo hướng dẫn của những người này.
Bị bán cho công ty lừa đảo, ép nữ sinh viên gọi về nhà xin tiền chuộc
N. được chỉ đạo xóa toàn bộ ứng dụng điện thoại, chỉ giữ lại Zoom để “làm việc với công an”. Sau đó, N. đi xe buýt từ bến xe An Sương đến vòng xoay Gò Dầu, chờ người đón. Người này chở N. vượt qua biên giới, bán nữ sinh cho công ty lừa đảo tại Campuchia.
Lúc này nữ sinh mới hay biết không còn ở Việt Nam nữa mà đã bị “người mặc sắc phục công an trên điện thoại” bán cho một công ty lừa đảo.
Tại đây, N. bị giữ giấy tờ, điện thoại, bị ép mở tài khoản mạng xã hội để phục vụ việc lừa đảo. Sau vài ngày, do không làm được việc, cô bị đe dọa sẽ bị bán tiếp nếu không gọi điện về nhà xin tiền chuộc. Trong này, Công an TP.HCM đã lần ra tung tích và giải cứu thành công.
Thượng tá Lê Duy Sâm, Phó trưởng PC02 cho biết, đây là thủ đoạn lừa đảo mới rất nguy hiểm, các đối tượng thường giả danh công an, viện kiểm sát, gọi điện video yêu cầu “hợp tác điều tra”. Sau đó, chúng cô lập nạn nhân bằng cách điều đến nơi khác, thu giữ thiết bị liên lạc, chiếm quyền tài khoản mạng xã hội, ngăn liên lạc với người thân. Có trường hợp, nạn nhân bị ép quay video như thể đang bị tra tấn, khóc lóc cầu cứu cha mẹ. Công an sau đó xác định nạn nhân bị “bắt cóc online”, đang ở một mình trong khách sạn, hoàn toàn không bị bắt giữ.
Công an TP.HCM khuyến cáo không có cơ quan chức năng nào làm việc qua mạng xã hội hay yêu cầu công dân chuyển tiền phục vụ điều tra.
Bất kỳ cuộc gọi nào tự xưng công an, yêu cầu chuyển tiền, cài app, rời khỏi nhà đều là lừa đảo. Học sinh, sinh viên cần đặc biệt cảnh giác.
Công an cũng đề nghị các bậc phụ huynh thường xuyên chia sẻ, hướng dẫn con em kỹ năng nhận diện chiêu trò lừa đảo công nghệ cao, đặc biệt là qua mạng xã hội và các nền tảng gọi video. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho công an nơi gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.