Đang 'chữa bệnh tâm thần', 2 đại gia vẫn đánh bạc cả chục tỉ tại khách sạn Pullman

‘Mrs Rose’ và ‘Mr Bank’ đánh bạc tại King Club (địa chỉ ở khách sạn Pullman), bị thua hàng chục tỉ đồng. Tuy nhiên, công an phải tách hồ sơ để chờ kết quả giám định tâm thần đối với 2 người này.

Trong vụ án cờ bạc xảy ra tại King Club (địa chỉ ở tầng 1 khách sạn Pullman, Hà Nội), Viện KSND tối cao truy tố 5 bị can về tội tổ chức đánh bạc và 136 bị can về tội đánh bạc.

Các trò chơi điện tử có thưởng ở King Club chỉ cho phép người nước ngoài tham gia. Tuy nhiên, để tăng doanh thu, những người điều hành đã cho cả người Việt Nam vào chơi. Khách chơi sẽ được cấp thẻ và dùng tên nước ngoài.

Từ tháng 2 – 6.2024, cơ quan điều tra xác định có 145 người Việt Nam đánh bạc trái phép tại King Club, với tổng số tiền cộng dồn lên tới hơn 106 triệu USD, tương đương 2.600 tỉ đồng.

Đang 'chữa bệnh tâm thần', 2 đại gia vẫn đánh bạc cả chục tỉ tại khách sạn Pullman- Ảnh 1.

Bên trong tụ điểm cờ bạc khi lực lượng công an triệt phá

ẢNH: M.C

Đánh bạc chục tỉ

Trong số những người tham gia đánh bạc tại King Club, Viện KSND tối cao đề cập tới Nguyễn Thị Mai Anh và Lê Văn Đông (cùng 47 tuổi, trú tại Hà Nội).

Tháng 11.2021, Nguyễn Thị Mai Anh mở thẻ chơi bạc tại King Club, lấy tên gọi “Mrs Rose”. Từ ngày 6.2.2024 đến 20.6.2024, bị can này đã đánh bạc 67 lần bằng các hình thức chơi slot và roulette.

Lần Mai Anh chơi nhiều nhất là hơn 205.000 USD (tương đương gần 5 tỉ đồng), lần chơi ít nhất là 2.150 USD (tương đương hơn 51 triệu đồng). Nữ bị can thua hơn 394.000 USD (tương đương gần 9,5 tỉ đồng).

Cũng trong tháng 11.2021, Lê Văn Đông mở thẻ chơi tại King Club với tên gọi “Mr Bank”. Từ ngày 5.2.2024 đến 20.6.2024, Đông đã đánh bạc 33 lần bằng hình thức chơi slot và roulette.

Lần Đông chơi nhiều nhất là hơn 70.000 USD (tương đương gần 1,7 tỉ đồng), lần chơi ít nhất là 440 USD (tương đương hơn 10 triệu đồng). Bị can bị thua hơn 85.000 USD (tương đương hơn 2 tỉ đồng).

Đáng chú ý, cáo trạng cho biết, Nguyễn Thị Mai Anh đang là bị can trong vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Hà Nội thụ lý. Trong khi đó, Lê Văn Đông là bị can trong vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.Thanh Xuân (cũ) thụ lý.

Cả hai đối tượng đang bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư, Bộ Y tế.

Tháng 4.2025, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định trưng cầu giám định Viện Pháp y tâm thần T.Ư giám định khả năng nhận thức và điều khiển hành vi trước, trong và sau khi thực hiện hành vi đánh bạc của Anh và Đông.

Do đến nay chưa có kết quả giám định, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tách hành vi của 2 người này để xem xét, xử lý sau.

Đang 'chữa bệnh tâm thần', 2 đại gia vẫn đánh bạc cả chục tỉ tại khách sạn Pullman- Ảnh 2.

Lê Văn Đông và Nguyễn Thị Mai Anh trong vụ án xảy ra tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư

ẢNH: CÔNG AN CUNG CẤP

Đường dây hối lộ, “chạy” bệnh án tâm thần

Cách đây khoảng 1 tháng, Công an TP.Hà Nội phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh Thanh Hóa bắt giữ Nguyễn Thị Mai Anh, Lê Văn Đông cùng nhiều nhân viên và bệnh nhân tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư, khi nhóm này đang có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại bãi biển Sầm Sơn.

Mở rộng điều tra, công an phát hiện bê bối động trời về hành vi đưa hối lộ, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra ngay tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư.

Theo đó, Anh và Đông thực hiện nhiều hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh tại Viện Pháp y tâm thần T.Ư. Trong thời gian bắt buộc chữa bệnh, Anh hối lộ các lãnh đạo, nhân viên của Viện Pháp y tâm thần T.Ư để được ở phòng riêng, có điều hòa và các thiết bị âm thanh nhằm tổ chức ăn chơi, thậm chí là sử dụng ma túy và thoải mái ra ngoài.

Anh và Đông thậm chí còn tổ chức đi du lịch, nghỉ mát, mời cả khoa ở Viện Pháp y tâm thần T.Ư đi cùng.

Đặc biệt, nữ bị can đã đặt vấn đề với lãnh đạo viện để “chạy” kết luận giám định tâm thần cho người khác. Một số trường hợp Anh nhận hàng tỉ đồng, rồi chuyển cho Trần Văn Trường, cựu Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần T.Ư, vài trăm triệu đồng.

Nhận tiền, ông Trường chia cho các thành viên hội đồng giám định, các giám định viên sau đó viết thêm vào hồ sơ bệnh án các biểu hiện của bệnh tâm thần hoặc viết không đúng về tình trạng bệnh để có kết luận phù hợp so với hồ sơ bệnh…

Tại thời điểm công bố thông tin, Công an TP.Hà Nội cho biết đã khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 40 bị can. Trong đó, có đến 36 người là lãnh đạo, cán bộ của Viện Pháp y tâm thần T.Ư, 2 người là bệnh nhân đang chữa bệnh tâm thần bắt buộc.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.