Vì sao TP.HCM có 168 phường, xã, đặc khu nhưng chỉ lập 139 tổ chức công đoàn?

Sáng 11.7, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM công bố thành lập 139 công đoàn phường, xã, đặc khu. Tổ chức công đoàn mới sẽ tiếp tục phát huy chức năng nhiệm vụ, hỗ trợ LĐLĐ TP.HCM trong việc quản lý và triển khai hoạt động liên quan đến đoàn viên, người lao động… trên địa bàn.

Sáng 11.7, LĐLĐ TP.HCM tổ chức hội nghị công bố và trao quyết định thành lập 139 công đoàn phường, xã, đặc khu. Theo đó, 139 tổ chức công đoàn mới sẽ tiếp tục phát huy chức năng nhiệm vụ, hỗ trợ LĐLĐ TP.HCM trong việc quản lý và triển khai các hoạt động liên quan đến đoàn viên, người lao động… trên địa bàn.

Từ ngày 1.7, địa bàn TP.HCM mới, sáp nhập từ TP.HCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cũ, với 168 phường, xã, đặc khu. Tuy nhiên, chỉ có 139 phường, xã, đặc khu đủ điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn.

Ông Phùng Thái Quang, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, cho biết công đoàn phường, xã, đặc khu có đối tượng tập hợp là đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các cơ quan đơn vị, tổ chức doanh nghiệp không hưởng lương 100% từ ngân sách thành phố, đối tượng lao động ở khu vực phi chính thức.

Công đoàn phường, xã, đặc khu được thành lập dựa trên các tiêu chí về số lượng đoàn viên, cụ thể: có 10 công đoàn cơ sở và 1.500 đoàn viên. Vì vậy, TP.HCM có 139 địa phương đủ điều kiện để thành lập tổ chức công đoàn, 29 đơn vị còn lại sẽ thành lập khi đủ điều kiện. Theo quy định, đặc khu sẽ có tổ chức công đoàn.

139 Công đoàn phường, xã, đặc khu tại TP.HCM và những điều bạn cần biết - Ảnh 2.

Ông Bùi Thanh Nhân chia sẻ tại hội nghị

ẢNH: PHAN DIỆP

Công đoàn phường, xã, đặc khu có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng. Hiện, công đoàn phường, xã, đặc khu có 11 nhiệm vụ tạm thời, ví dụ như: tập hợp, giải quyết tâm tư nguyện vọng, hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động; giải quyết khiếu nại, tố cáo về quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; tham gia phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động; xây dựng đời sống vật chất tinh thần, cải thiện điều kiện làm việc, sức khỏe cho đoàn viên, người lao động…

“LĐLĐ TP.HCM sẽ phân cấp, chuyển giao việc quản lý về các công đoàn phường, xã, đặc khu. Đồng thời, LĐLĐ TP.HCM đề nghị công đoàn phường, xã, đặc khu khẩn trương tham mưu, đề xuất nhân sự ban chấp hành và hoàn thiện hồ sơ gửi về liên đoàn. Chúng tôi sẽ sớm rà soát, giao chỉ tiêu phát triển đoàn viên cho từng công đoàn cơ sở”, ông Quang cho biết.

139 Công đoàn phường, xã, đặc khu tại TP.HCM và những điều bạn cần biết - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Kim Loan, Phó chủ tịch LĐLĐ TP.HCM trao quyết định thành lập công đoàn phường, xã, đặc khu

ẢNH: PHAN DIỆP

Ông Bùi Thanh Nhân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM, chia sẻ: “Đây là một khoảnh khắc rất đáng nhớ khi 139 chủ tịch công đoàn phường, xã, đặc khu cùng tề tựu để nhận quyết định thành lập và hoạt động theo mô hình mới”.

139 Công đoàn phường, xã, đặc khu tại TP.HCM và những điều bạn cần biết - Ảnh 4.

Các chủ tịch công đoàn phường, xã, đặc khu nhận quyết định về nhiệm vụ mới

ẢNH: PHAN DIỆP

Sau khi sáp nhập, LĐLĐ TP.HCM tập hợp số lượng đoàn viên, công đoàn cơ sở rất lớn. Vì thế, nhiệm vụ sắp tới của các công đoàn phường, xã, đặc khu chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, áp lực. Trước mắt, tổ chức công đoàn hoạt động bám sát các quy định của pháp luật, theo hướng dẫn của Tổng LĐLĐ Việt Nam.

“LĐLĐ TP.HCM mong rằng công đoàn phường, xã, đặc khu bắt tay vào nhiệm vụ mới, ghi nhận những đóng góp xây dựng, phản ánh của đoàn viên để kịp thời xử lý. Đó là cách nhanh nhất để các tổ chức công đoàn mới trưởng thành và làm tốt nhiệm vụ của mình trong tương lai”, ông Nhân nhấn mạnh.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.