TP.HCM: Kê đơn thuốc bảo hiểm y tế ngoại trú đến 90 ngày, nhưng tùy bệnh

TP.HCM triển khai kê đơn thuốc bảo hiểm y tế ngoại trú dài ngày, tối đa 90 ngày với bệnh mạn tính. Như vậy, không phải bệnh nhân nào cũng được kê đơn, ‘cấp phát tùy ý’.

Ngày 10.7, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã triển khai việc kê đơn thuốc bảo hiểm y tế dài ngày theo Thông tư 26/2025 của Bộ Y tế. Thông tư này quy định về mẫu đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc và có hiệu lực từ 1.7.

Việc triển khai đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chuẩn hóa công tác kê đơn, cấp phát thuốc, đồng thời tăng cường quyền lợi cho người bệnh.

Lộ trình kê đơn thuốc điện tử bắt buộc từ 2025

Thông tư 26 cũng yêu cầu triển khai kê đơn thuốc điện tử theo lộ trình: Từ 1.10.2025 bắt buộc áp dụng tại tất cả các bệnh viện và từ 1.1.2026 triển khai đồng bộ tại toàn bộ các cơ sở khám, chữa bệnh.

Theo đánh giá, kê đơn thuốc điện tử giúp giảm sai sót chuyên môn, kiểm soát việc kê và cấp phát thuốc chặt chẽ hơn, đặc biệt đối với các nhóm thuốc như kháng sinh, thuốc hướng thần. Đồng thời, đây là nền tảng quan trọng để kết nối dữ liệu giữa bệnh viện – nhà thuốc – cơ quan quản lý, phục vụ giám sát và thanh toán bảo hiểm y tế minh bạch, hiệu quả.

Người bệnh mạn tính được kê đơn tối đa 90 ngày

Theo khoản 8, điều 6 của Thông tư 26, người mắc bệnh mạn tính (252 bệnh/nhóm bệnh quy định tại Phụ lục VII như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch, nội tiết, thần kinh…) có thể được kê đơn thuốc tối đa 90 ngày, nếu tình trạng sức khỏe ổn định.

Quy định này giúp giảm số lần tái khám, đặc biệt có ý nghĩa với người cao tuổi, người khuyết tật, người dân vùng sâu vùng xa. Đồng thời tạo điều kiện để người bệnh điều trị liên tục, đúng phác đồ, và giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.

TP.HCM: Kê đơn thuốc bảo hiểm y tế ngoại trú đến 90 ngày, nhưng tùy bệnh- Ảnh 1.

Kê đơn và cấp phát thuốc bảo hiểm đến 90 ngày, nhưng tùy loại bệnh, tình trạng bệnh. Điều này tạo điều kiện cho người dân và giảm tải cho cơ sở y tế

ẢNH: DUY TÍNH

Thống nhất mẫu đơn thuốc, kiểm soát chặt thuốc đặc biệt

Thông tư 26 quy định mẫu đơn thuốc thống nhất (bao gồm đơn thông thường và đơn chứa thuốc gây nghiện, hướng thần), với thông tin rõ ràng: mã định danh cá nhân/thẻ CCCD, tuổi/tháng tuổi, cân nặng (nếu trẻ dưới 72 tháng), tên thuốc, liều dùng, hướng dẫn sử dụng…

Thông tư cũng yêu cầu, mỗi lần khám chỉ được kê một đơn thuốc duy nhất, kể cả khám nhiều chuyên khoa, nhằm tránh trùng lặp, tương tác thuốc bất lợi.

Với các loại thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, sử dụng mẫu đơn riêng (“N” và “H”), lập 3 bản có đầy đủ chữ ký, lưu trữ theo đúng quy định. Riêng bệnh nhân ung thư được kê thuốc giảm đau gây nghiện phải có xác nhận từ trạm y tế nơi cư trú.

TP.HCM triển khai đồng bộ, đảm bảo đúng tiến độ

Ngay sau khi Thông tư 26 được ban hành, Sở Y tế TP.HCM đã ban hành văn bản hướng dẫn toàn bộ bệnh viện, trung tâm y tế, phòng khám thực hiện nghiêm túc.

Theo đó, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo các đơn vị cập nhật đầy đủ mẫu đơn thuốc mới theo Thông tư 26 (đơn thông thường, đơn thuốc gây nghiện, hướng thần). Xây dựng quy trình cấp phát thuốc điều trị ngoại trú dài ngày. Đảm bảo kê đơn tối đa 90 ngày phải phù hợp với hồ sơ bệnh án và quy định bảo hiểm y tế. Tăng cường kiểm tra nội bộ, nhất là khi điều chỉnh phác đồ giữa các lần tái khám.

Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin và hoàn tất kê đơn điện tử trước 1.10.2025 (bệnh viện), 1.1.2026 (cơ sở còn lại)

Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu tổ chức tập huấn chuyên môn, thống nhất quy trình kê đơn, cấp thuốc, theo dõi tái khám.

Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông giúp người bệnh hiểu rõ quyền lợi được kê thuốc dài ngày, tránh hiểu nhầm là “cấp phát tùy ý”, hạn chế tình trạng tái khám không cần thiết, góp phần giảm tải bệnh viện và tiết kiệm chi phí điều trị.

Hầu hết các bệnh viện đã tích hợp kê đơn thuốc điện tử

Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm, đến thời điểm hiện tại, đa số cơ sở y tế trên địa bàn đã triển khai nghiêm túc Thông tư 26. Phần lớn các bệnh viện công lập đã tích hợp thành công kê đơn điện tử vào hệ thống quản lý bệnh viện (HIS) và huấn luyện bác sĩ sử dụng thành thạo.

Sở Y tế TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp với các bệnh viện, Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII và các đơn vị liên quan để giám sát quá trình triển khai, đảm bảo thực hiện đúng quy định, hiệu quả chuyên môn, an toàn người bệnh và quyền lợi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.