Tên phường xã mới sáp nhập ở TP.HCM: Phường Hòa Bình đất chật người đông

Phường Hòa Bình là phường có diện tích nhỏ nhất TP.HCM sau sáp nhập, nổi bật với chợ hoa Đầm Sen, cộng đồng người Hoa và chùa cổ trăm năm.

Phường Hòa Bình hình thành trên cơ sở sáp nhập phường 5 và phường 14 của quận 11 cũ. Phường mới có diện tích 0,98 km2, đây là phường nhỏ nhất TP.HCM sau sáp nhập, quy mô dân số 49.863 người.

Các trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới – UBND phường Hòa Bình ở 347 Lạc Long Quân. Đảng ủy – Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Hòa Bình ở 72 Bình Thới. Trụ sở Công an phường Hòa Bình ở 148 Ông Ích Khiêm, phường Hòa Bình, TP.HCM.

Ranh giới phường bao quanh các trục đường lớn Hòa Bình, Ông Ích Khiêm, Bình Thới, Âu Cơ và Trịnh Đình Thảo.

Phía đông bắc giáp với phường Phú Thọ Hòa, phía đông nam giáp với phường Phú Thọ, phía tây nam giáp với phường Bình Thới và phía tây bắc giáp với phường Tân Phú.

Anh Hải (45 tuổi, cư dân ở phường Hòa Bình) chia sẻ: “Tôi thấy tên phường mới được đặt rất hợp lý, dễ nhớ. Sau sáp nhập, mọi thủ tục giấy tờ trở nên gọn gàng, tiết kiệm thời gian hơn nhiều. Trước kia làm giấy tờ phải đi lòng vòng, từ phường lên quận, nay chỉ cần đến phường là giải quyết xong. Rất thuận tiện và nhanh chóng”.

Tên phường xã mới sáp nhập ở TP.HCM: Phường Hòa Bình đất chật người đông- Ảnh 1.

Phường Hòa Bình hình thành trên cơ sở sáp nhập phường 5 và phường 14 của quận 11 cũ

ĐỒ HỌA: UYỂN NHI

Tìm về Hòa Bình giữa lòng phố

Một chiều giữa tháng 7, giữa cái nắng gay gắt hắt từ mặt đường Lạc Long Quân, chúng tôi len qua những trục phố quen: Ông Ích Khiêm, Bình Thới, Âu Cơ để tìm về phường Hòa Bình mới hình thành sau khi sáp nhập 2 phường của quận 11 cũ.

Chỉ rộng chưa tới 1 km2, nhưng phường Hòa Bình đang là nơi cư ngụ của gần 50.000 người khiến nhiều người bất ngờ nếu chỉ nhìn vào bản đồ hành chính. Trong sự nén chặt của không gian là cả một vùng văn hóa đặc sắc, nơi người dân sống chen vai nhau trong các dãy nhà nhỏ, hẻm sâu.

Tên phường xã mới sáp nhập ở TP.HCM: Phường Hòa Bình đất chật người đông- Ảnh 2.

Anh Hải (phải) nói sáp nhập phường giúp người dân làm thủ tục hành chính nhanh, gọn

ẢNH: UYỂN NHI

Điều dễ nhận thấy ở phường Hòa Bình là bóng dáng của cộng đồng người Hoa, vốn đã có mặt, sinh sống và buôn bán tại đây từ nhiều thế hệ. Từ những hàng ăn bán há cảo, sủi cảo thơm lừng đến các biển hiệu viết bằng song ngữ Việt – Hoa… Tất cả gợi một không gian văn hóa rất riêng, không phô trương nhưng bền bỉ.

Người Hoa nơi đây không đông như ở phường Chợ Lớn hay quận 6 (cũ), nhưng lại sống “rất người Hoa”. Những phong tục, lễ hội như Tết Nguyên tiêu, múa lân sư rồng, tục cúng kiếng…, hay những món ăn dimsum, chè tàu, vẫn hiện diện trong từng nếp nhà và đời sống thường nhật.

Thực hiện chủ trương của Trung ương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, TP.HCM có 167 phường, xã và đặc khu Côn Đảo. Các phường, xã sáp nhập mới hoạt động từ ngày 1.7. Cùng với đó, cấp hành chính quận, huyện cũng kết thúc hoạt động.

Báo Thanh Niên điểm lại những phường, xã mới mang tính đặc trưng, biểu tượng của vùng đất Sài Gòn – Gia Định – Chợ Lớn – TP.HCM, những tên gọi đã in sâu vào ký ức nhiều thế hệ thị dân.

Phường nhỏ, nhiều câu chuyện lớn sau sáp nhập

Dù nhỏ bé, phường Hòa Bình là một điểm sáng về thương mại – dịch vụ với hàng loạt hộ kinh doanh cá thể và tiểu thương truyền thống.

Nổi bật nhất phải kể đến chợ hoa Đầm Sen, ngôi chợ sỉ hoa tươi lớn nhất TP.HCM, với hơn 20 năm hình thành và phát triển. Nhà lồng mái cao, chia thành 2 dãy, được thiết kế như một xưởng thợ thu nhỏ, luôn tấp nập xe ra vào suốt từ nửa đêm đến rạng sáng, khi các chuyến hoa từ Đà Lạt đổ về.

Trên các tuyến đường Lạc Long Quân, Âu Cơ, Bình Thới, Ông Ích Khiêm là những cửa tiệm tạp hóa, cơ sở sản xuất nhỏ, tiệm sửa xe, tiệm ăn sáng…, tạo nên lớp vỏ đô thị đặc trưng của các quận nội thành lâu đời.

Tên phường xã mới sáp nhập ở TP.HCM: Phường Hòa Bình đất chật người đông- Ảnh 3.

Nhà thờ giáo xứ Phú Bình thuộc phường Hòa Bình

ẢNH: UYỂN NHI

Một điểm nhấn không thể bỏ qua là chùa Giác Sanh, ngôi chùa cổ hơn 100 năm tuổi trên đường Âu Cơ. Ngày nay, người dân vẫn quen gọi là chùa Cô Hồn, như một sự tưởng nhớ về thời khởi lập.

Chùa hiện ra như một nốt trầm giữa đô thị với mái ngói xanh rêu, viền mái uốn lượn có hình rồng chầu, 2 bên là cầu thang đối xứng chạm khắc họa tiết đỏ, vàng nổi bật.

Khuôn viên nhỏ nhưng thanh tịnh, được bao quanh bởi các dãy nhà phố san sát, nơi hiện đại và cổ kính giao thoa.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát được đặt quay về phía cổng chính, phía sau là dãy nhà cấp thấp, xen lẫn mái ngói cũ kỹ, gợi nhớ một Sài Gòn xưa còn sót lại đâu đó giữa nhịp sống gấp gáp hôm nay.

Bên cạnh đó, phường còn có 10 cơ sở tôn giáo, gồm 8 chùa và 2 giáo xứ. Trong đó có chùa Quang Đức (ở đường Bình Thới), Phổ Hiền (đường Ông Ích Khiêm), Giác Hoa Phật Viện (ở đường Bình Thới)…, và giáo xứ Phú Bình (423 Lạc Long Quân), giáo xứ Vĩnh Hòa (đường Ông Ích Khiêm).

Không gian tín ngưỡng ở đây không chỉ phục vụ lễ nghi mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu cộng đồng, giữ gìn bản sắc tinh thần của người dân.

Tên phường xã mới sáp nhập ở TP.HCM: Phường Hòa Bình đất chật người đông- Ảnh 4.

Trụ sở làm việc của UBND phường Hòa Bình ở 347 Lạc Long Quân, phường Hòa Bình, TP.HCM

ẢNH: UYỂN NHI

Theo thống kê của UBND phường Hòa Bình, phường mới có tới 10 cơ sở giáo dục, từ mầm non đến trung học. Đặc biệt, nhiều ngôi trường nằm xen lẫn trong các khu dân cư, hẻm nhỏ, tạo điều kiện thuận tiện cho con em trong khu vực.

Tạm biệt phường Hòa Bình trong cái nắng nhạt cuối ngày, chúng tôi chầm chậm rời khỏi những con đường mà mỗi góc phố, hàng quán đều gợi lên thứ cảm giác thân quen.

Dù là phường nhỏ nhất TP.HCM sau sáp nhập, nhưng Hòa Bình lại mang trong mình sức sống riêng biệt, nơi cộng đồng gắn bó lâu đời và bản sắc văn hóa tồn tại như mạch ngầm không bao giờ tắt.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.