Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có nhiệm vụ, quyền hạn gì?

Kỳ họp thứ 2, HĐND TP.HCM tổ chức tại phường Bình Dương (Trung tâm hành chính Bình Dương cũ) quyết định thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM sau khi sáp nhập Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm của Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM là cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP.HCM có chức năng tham mưu, giúp UBND TP.HCM quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn trên cơ sở chuyển chức năng từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Môi trường, Sở Công thương cho Sở An toàn thực phẩm.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có nhiệm vụ, quyền hạn như nào?- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM đọc tờ trình thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM

ẢNH: NGUYỄN ANH

Theo đó, ngoài nhiệm vụ tham mưu cho UBND TP.HCM về dự thảo các nghị quyết trình HĐND liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm; làm thường trực Ban chỉ đạo an toàn thực phẩm…, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc thẩm định, cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh, đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận, giấy xác nhận thuộc thẩm quyền quản lý.

Thực hiện quản lý, giám sát chất lượng của các dịch vụ, sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở An toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.

Lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc ngành y tế chuyển giao

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có chức năng, nhiệm vụ: cấp, sửa đổi, bổ sung, cấp lại giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) đối với sản phẩm thực phẩm xuất khẩu thuộc quyền quản lý của Bộ Y tế.

Tiếp nhận đăng ký nội dung quảng cáo đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo quy định chuyên ngành và quy định phân cấp trong lĩnh vực y tế của Chính phủ.

Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc thẩm quyền Bộ Y tế theo quy định chuyên ngành và quy định phân cấp trong lĩnh vực y tế của Chính phủ.

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có nhiệm vụ, quyền hạn như nào?- Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự kỳ họp HĐND TP.HCM

ẢNH: NGUYỄN ANH

Tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm nhập khẩu, sản phẩm sản xuất trong nước đối với thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi theo quy định chuyên ngành và quy định phân cấp trong lĩnh vực y tế.

Chỉ định cơ sở kiểm nghiệm thực phẩm phục vụ quản lý nhà nước theo quy định chuyên ngành và quy định phân cấp trong lĩnh vực y tế của Chính phủ.

Cấp giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu (bao gồm giấy chứng nhận đối với thực phẩm xuất khẩu và giấy chứng nhận y tế) theo quy định chuyên ngành và quy định phân cấp trong lĩnh vực y tế.

Chỉ định cơ quan kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý của Bộ Y tế. Chủ trì, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đặc thù của địa phương.

Quản lý an toàn thực phẩm, điều tra, xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn; giám sát, kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và các đối tượng theo phân cấp quản lý…

Về lĩnh vực an toàn thực phẩm của ngành công thương, nông nghiệp

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc ngành công thương theo quy định.

Thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc ngành nông nghiệp và môi trường (trừ sản xuất ban đầu như trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác, hoạt động kiểm soát giết mổ do Sở Nông nghiệp và Môi trường quản lý).

Sở An toàn thực phẩm TP.HCM có nhiệm vụ, quyền hạn như nào?- Ảnh 3.

Đại biểu dự kỳ họp thứ 2, HĐND TP.HCM tổ chức tại phường Bình Dương

ẢNH: NGUYỄN ANH

Trong đó, bao gồm việc: hướng dẫn, kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản và muối; Thẩm định, đánh giá, xếp loại về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản, lâm sản, thủy sản và muối.

Thực hiện các chương trình giám sát, đánh giá nguy cơ và truy xuất nguồn gốc, điều tra nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm trong phạm vi được phân công trên địa bàn tỉnh theo quy định.

Kiểm tra, truy xuất, thu hồi, xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành và quy định của pháp luật. Quản lý hoạt động kiểm nghiệm, tổ chức cung ứng dịch vụ công về chất lượng, an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản và muối theo phân công hoặc ủy quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Tổ chức cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP.HCM. Thực hiện các quy chuẩn tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh muối (không bao gồm muối dùng trong lĩnh vực y tế).

Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá tình hình phát triển chế biến, bảo quản đối với các ngành hàng nông sản, lâm sản, thủy sản và muối. Tổ chức thực hiện kiểm soát an toàn thực phẩm tại chợ thủy sản đầu mối trên địa bàn tỉnh; quản lý mua, bán, sơ chế, chế biến, bảo quản, xuất khẩu, nhập khẩu thủy sản, sản phẩm thủy sản trên địa bàn tỉnh theo quy định. Quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ đầu mối, đấu giá nông sản…


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.