Những con 'quái vật' ở biển Mũi Né: Ý kiến trái chiều về kè biển

Đã xuất hiện những tranh luận trái chiều về việc triển khai kè biển như những con ‘quái vật’ để chống sạt lở do hiện tượng xâm thực ở bãi biển Mũi Né.

Theo Sở NN-MT tỉnh Lâm Đồng, Ban quản lý dự án (QLDA) nông nghiệp tỉnh Bình Thuận (cũ) đã đề xuất 2 phương án xây dựng kè cho biển Mũi Né sau khi lấy ý kiến các cơ quan liên quan.

Đối với giải pháp làm kè đoạn trung tâm bờ biển xã Hàm Tiến (nay là P.Mũi Né, tỉnh Lâm Đồng, nơi sạt lở nhiều nhất), Ban QLDA nông nghiệp tỉnh Bình Thuận (cũ) đã đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là xây dựng hệ thống đê ngầm giảm sóng xa bờ, kết hợp nuôi bãi. Phương án này ưu điểm là không tác động nhiều đến các hoạt động trong bờ nhưng tốn kém kinh phí đầu tư.

Những con 'quái vật' ở biển Mũi Né: Ý kiến trái chiều về kè biển- Ảnh 1.

Kè mềm túi cát đang là mô hình chống sạt lở mà các doanh nghiệp ở Mũi Né chọn như một giải pháp tự cứu mình

ẢNH: QUẾ HÀ

Những con 'quái vật' ở biển Mũi Né: Ý kiến trái chiều về kè biển- Ảnh 2.

Kè mềm túi cát như con “quái vật” ở biển Mũi Né

ẢNH: QUẾ HÀ

Phương án thứ hai là xây dựng tuyến kè áp bờ để bảo vệ bờ biển kết hợp hệ thống mỏ hàn để gây bồi, tôn tạo bãi cát. Phương án này ít tốn kém hơn nhưng vẫn giữ được bãi, bờ biển.

Ý tưởng của Ban QLDA nông nghiệp tỉnh là muốn xây dựng tuyến kè áp mái dọc bờ biển (chiều dài khoảng 2.600 m) để bảo vệ chống xói lở ở khu vực P.Hàm Tiến cũ.

Sau khi tuyến kè áp mái được xây dựng, hình thành đường bờ biển cơ sở, sẽ tiến hành xây dựng hệ thống các mỏ hàn gây bồi cát, tạo bãi; kinh phí của các cơ sở du lịch tại khu vực này tự đầu tư.

Sở NN-MT Bình Thuận (cũ) cũng đã có hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật làm kè, quy trình đầu tư, gửi đến UBND P.Hàm Tiến (cũ) và Hiệp hội du lịch Bình Thuận.

Những con 'quái vật' ở biển Mũi Né: Ý kiến trái chiều về kè biển- Ảnh 3.

Kè bê tông bít kín bờ biển Mũi Né

ẢNH; QUẾ HÀ

Tuy nhiên, các doanh nghiệp du lịch không thực hiện quy trình xin phép làm kè. Theo một lãnh đạo Sở NN-MT Lâm Đồng, tất cả các kè mềm (túi cát) “quái vật” trên biển đều không có giấy phép của cơ quan chức năng, đều được làm tự phát.

Hiệp hội du lịch không đồng ý cách làm kè mà cơ quan chuyên môn khuyến cáo?

Theo Sở NN-MT Lâm Đồng, sau khi Sở NN-MT Bình Thuận (cũ) lấy ý kiến các cơ quan chức năng: Sở KH-ĐT, UBND TP.Phan Thiết (cũ), Hiệp hội Du lịch Bình Thuận có văn bản gửi đến UBND tỉnh Bình Thuận (cũ) cho rằng, việc xây dựng kè mái hiên (kè cứng) và kết hợp mỏ hàn sẽ gây nhiều bất cập. Hiệp hội này cho rằng kè cứng mái hiên do nhà nước đầu tư, ít được bảo trì, quét dọn cho nên dễ bị rong rêu bám vào gây trơn trượt, gây nguy hiểm cho người dân và du khách; gây khó khi dọn rác vào mùa gió nam khi rác biển trôi dạt vào.

Những con 'quái vật' ở biển Mũi Né: Ý kiến trái chiều về kè biển- Ảnh 4.

Cơ quan chuyên môn cho rằng kè túi cát ở Mũi Né đều tự phát, chất lượng không đồng bộ và tuổi thọ không cao

ẢNH: QUẾ HÀ

Mặt khác, làm kè cứng mái hiên sẽ có hành lang đi bộ cho người dân, dễ bị người dân chiếm dụng phơi cá, buôn bán hải sản, xả rác gây ô nhiễm.

Nếu xây kè dạng này sẽ gây khó cho du khách khi đi tản bộ và xuống biển, làm mất đi bãi biển tự nhiên và mất đi không gian biển cho các hoạt động thể thao biển của du khách.

Những con 'quái vật' ở biển Mũi Né: Ý kiến trái chiều về kè biển- Ảnh 5.

Một kè mỏ hàn để tạo bãi cát ở biển Mũi Né

ẢNH QUẾ HÀ

Hiệp hội cũng cho rằng, làm kè mái hiên sẽ làm mất đi không gian nghỉ dưỡng có tính riêng tư, yên tĩnh vốn là thế mạnh bấy lâu nay của du khách ở các resort ven biển.

Nếu không có giải pháp kịp thời sẽ lan rộng cảnh bờ biển bị tàn phá

Một lãnh đạo Sở NN-MT Lâm Đồng (là lãnh đạo Sở NN-MT Bình Thuận trước đây) cho rằng, tất cả các kè mềm (túi cát) của các reosort ở khu vực P.Hàm Tiến (vùng lõi của P.Mũi Né hiện nay) không có thiết kế, không xin phép. Việc các doanh nghiệp tự làm kè rất khó đảm bảo kỹ thuật của kè, tuổi thọ loại kè mềm này không cao. Do vậy, giải pháp chính phải là nhà nước đầu tư.

Ông N.V.Q, một chủ resort ở khu vực xã Tiến Thành (khu vực phía nam TP.Phan Thiết cũ) cho biết, việc tự phát làm kè, cả kè túi cát và kè mỏ hàn đều đang “mạnh ai nấy làm”. Không chỉ khu vực Mũi Né, mà xuống tới bờ biển Tiến Thành cũng đã xuất hiện kè tự phát. “Nếu chính quyền và các cơ quan chuyên môn không có hướng dẫn, hoặc không kiểm soát việc tự phát này có thể trong thời gian tới sẽ xuất hiện kè tự phát nhiều hơn. Nguyên tắc của xâm thực là anh làm kè chỗ này, thì nó phá chỗ khác; do vậy chúng tôi đề nghị phải có giám sát và phải làm đồng bộ thì mới giữ được bãi biển”, ông N.V.Q nêu.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.