Với hàng loạt dự án ‘tỉ đô’, xã Sơn Mỹ (Lâm Đồng) hội đủ yếu tố để bứt phá, trở thành cực tăng trưởng mới của vùng, nhưng một nút thắt kéo dài nhiều năm khiến cánh cửa phát triển vẫn chưa mở.
Từng là ba xã ven biển (Sơn Mỹ, Tân Thắng và Thắng Hải, thuộc H.Hàm Tân, Bình Thuận cũ), nay sáp nhập thành xã Sơn Mỹ thuộc tỉnh Lâm Đồng, vùng đất này đang được nhắc đến như một xã “tỉ đô” đúng nghĩa. Không chỉ sở hữu hơn 22 km đường bờ biển, điều chưa từng có là Sơn Mỹ còn là nơi hội tụ của hàng loạt dự án đầu tư “tỉ đô” trong các lĩnh vực điện khí, cảng biển, khu công nghiệp, logistics và chế biến.
Tuy nhiên, một vùng ven biển được kỳ vọng là cửa ngõ mới ra biển của Lâm Đồng, Sơn Mỹ vẫn đang loay hoay với thực trạng nằm trên “đống dự án tỉ đô” mà chưa thể triển khai.
Theo ông Nguyễn Đăng Khuynh, Phó văn phòng Đảng ủy xã, lý do duy nhất là vướng mắc giải phóng mặt bằng, chưa có hướng tháo gỡ dứt điểm.

Làng thúng chai ven biển xã Sơn Mỹ
ẢNH: QUẾ HÀ
Sơn Mỹ – chủ nhà của các dự án tỉ đô
Sơn Mỹ, với diện tích hơn 254 km², dân số khoảng 26.600 người, nơi đây hội tụ đủ các yếu tố: biển, rừng, đất sản xuất, vị trí chiến lược và đặc biệt là tiềm năng kinh tế biển lớn hiếm có.
Bờ biển dài 22 km trải dọc theo tuyến QL55, giúp Sơn Mỹ không chỉ thuận lợi về giao thông đường bộ mà còn có lợi thế phát triển cảng biển, dịch vụ hậu cần nghề cá và logistics.
“Đây là cửa ngõ ra biển nằm ở cuối tỉnh Lâm Đồng về phía đông – nam. Chính vì vậy, vai trò của Sơn Mỹ là xã rất đặc biệt, mang tính kết nối chiến lược giữa trục đông – tây của khu vực”, ông Nguyễn Đăng Khuynh, Phó văn phòng Đảng ủy xã Sơn Mỹ, chia sẻ.

Dự án biệt thự biển và sân golf Sơn Mỹ 182 ha, nguồn vốn 900 tỉ đồng, dự kiến đưa vào hoạt động năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa nhúc nhích
ẢNH: QUẾ HÀ
Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Mỹ, xã này hiện đang “ôm” trong mình hàng loạt dự án trọng điểm. Tiêu biểu nhất là tổ hợp hai khu công nghiệp lớn: KCN Sơn Mỹ 1 (1.070 ha) do Công ty IPICO làm chủ đầu tư và KCN Sơn Mỹ 2 (468 ha) do Công ty CP Đông Sài Gòn thực hiện, với tổng vốn gần 2.000 tỉ đồng.
Đặc biệt, xã này còn là điểm đặt Cảng khí hóa lỏng LNG Sơn Mỹ, dự án tầm cỡ khu vực Đông Nam Á với tổng vốn đầu tư 1,3 tỉ USD, do liên doanh tập đoàn AES (Mỹ) làm chủ đầu tư. Dự án này sẽ cấp nhiên liệu khí hóa lỏng cho 2 Nhà máy nhiệt điện khí quy mô “khủng” đặt tại đây. Đó là Nhà máy nhiệt điện BOT Sơn Mỹ 1 (công suất 2.250 MW), tổng vốn 2,2 tỉ USD, do liên doanh Pháp – Nhật – Việt Nam triển khai; Nhà máy Sơn Mỹ 2 (2.250 MW), vốn đầu tư 2,1 tỉ USD, do tập đoàn AES của Mỹ thực hiện. Cả hai đều được Bộ Công thương phê duyệt theo hình thức đối tác công – tư (PPP) và được xem là dự án trọng điểm trong quy hoạch năng lượng quốc gia.

Khu vực rộng hàng trăm héc ta thuộc dự án KCN Sơn Mỹ 1 vẫn chưa thu hồi được đất để giao mặt bằng cho nhà đầu tư
ẢNH: QUẾ HÀ
Theo đó, tổng cộng Sơn Mỹ đang là “chủ nhà” của các dự án có quy mô vốn khoảng 6 tỉ USD. Với bất kỳ xã nào trên cả nước, con số này cũng là điều hiếm có. Trong tương lai, xã Sơn Mỹ không chỉ là nơi có các KCN sầm uất, mà còn là trung tâm năng lượng của quốc gia.
Cửa ngõ kết nối TP.HCM với Tây nguyên
Một trong những lợi thế đặc biệt khác của Sơn Mỹ chính là vị trí cửa ngõ kết nối TP.HCM với Tây nguyên, qua trục đông – nam. Theo đó, tuyến QL55 đi qua xã dài khoảng 20 km, nối trực tiếp với xã Bình Châu (Bà Rịa – Vũng Tàu cũ), ranh giới giữa tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM chỉ là chiếc cầu nhỏ có tên cầu Suối Nước Mặn, cách TP.HCM khoảng 100 km.

Điểm giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và TP.HCM trên QL55 tại xã Sơn Mỹ, phía bên kia chiếc cầu này là địa phận TP.HCM
ẢNH: QUẾ HÀ
Ngoài ra, tuyến đường Tân Minh – Sơn Mỹ dài gần 24 km, có tổng vốn đầu tư hơn 682 tỉ đồng, đang được thi công, sẽ nối từ QL1 đến QL55 ngay tại Sơn Mỹ. Khi hoàn thành, tuyến đường này được kỳ vọng sẽ thay thế dần vai trò của các cửa ngõ truyền thống như Biên Hòa hay Bình Dương vốn đang quá tải.

Giao thông nông thôn của Sơn Mỹ chưa được đầu tư đồng bộ
ẢNH: QUẾ HÀ
“Với trục kết nối giao thông thuận tiện, Sơn Mỹ hoàn toàn có thể trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa từ Tây nguyên ra biển, hoặc vào TP.HCM”, ông Nguyễn Đăng Khuynh nhận định.
Vùng đất tỉ đô vẫn còn ngủ yên vì nút thắt giải phóng mặt bằng
Dù hội tụ đầy đủ yếu tố để “bứt phá” nhưng các dự án của Sơn Mỹ hiện vẫn giậm chân tại chỗ vì vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Có mặt tại dự án KCN Sơn Mỹ 1 vào ngày 15.7, nơi từng làm lễ khởi công vào ngày 30.8.2022, PV Thanh Niên ghi nhận, nơi đây vẫn chỉ là một khu đất trống hoang vắng, không một bóng người.
“Phía biển kia là hàng trăm ha đất của dự án KCN Sơn Mỹ 1, nhưng hiện vẫn do người dân và các tổ chức sử dụng làm hồ nuôi tôm. Do chưa thống nhất được giá đất đền bù nên chưa thể triển khai xây dựng”, anh Khuynh chỉ tay về phía xa cho biết.

Địa điểm này từng là nơi làm lễ khởi công dự án KCN Sơn Mỹ 1, nhưng gần 3 năm vẫn chưa được đầu tư xây dựng
ẢNH : QUẾ HÀ
Cùng tình trạng là dự án KCN Sơn Mỹ 2 và các công trình liên quan đến hệ thống khí LNG. Dù đã có giấy phép đầu tư, chủ trương rõ ràng và nguồn vốn sẵn sàng, nhưng chưa thể triển khai thực tế vì… chưa có đất sạch.
Theo lãnh đạo UBND xã Sơn Mỹ, nguyên nhân chủ yếu là do cơ chế ban hành định giá đất còn chậm và chưa đồng bộ.

Các dự án “tỉ đô” của Sơn Mỹ chưa thức giấc, khiến người dân địa phương mất cơ hội chuyển đổi sinh kế
ẢNH: QUẾ HÀ
“Việc xác định giá đất để bồi thường, hỗ trợ tái định cư đang là khâu khó nhất, gây ách tắc ở hầu hết các dự án của Sơn Mỹ”, lãnh đạo UBND xã Sơn Mỹ chia sẻ.
“Nếu tình trạng này tiếp diễn, không những các dự án tỉ đô sẽ tiếp tục “nằm chờ” mà người dân địa phương cũng mất cơ hội chuyển đổi sinh kế, mất cơ hội có việc làm…”, ông Khuynh chia sẻ.
Điều này đang rất cần sự quan tâm sâu sát, chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Lâm Đồng để tháo nút thắt công tác giải phóng mặt bằng ở Sơn Mỹ, góp phần thúc đẩy tiến độ các dự án trọng điểm.
“Sơn Mỹ đang hội tụ tất cả, từ biển, rừng, đất đai, vị trí chiến lược, hạ tầng đang được đầu tư và những siêu dự án hàng tỉ USD đã “đặt chân” tới. Điều còn thiếu là một cơ chế tháo gỡ dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng, để xã tỉ đô này thực sự vươn mình, thành cực tăng trưởng đông – tây của Lâm Đồng, xứng đáng với tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng của tỉnh Lâm Đồng”, một cán bộ của tỉnh Bình Thuận cũ chia sẻ.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.