Phía nam ghi nhận hơn 30.000 ca sốt xuất huyết, 6 ca tử vong. TP.HCM tăng nhiều nhất, ngành y tế tăng giám sát, xử lý ổ dịch trong mùa mưa.
Theo báo cáo mới nhất từ Viện Pasteur TP.HCM, trong tuần 27 (từ ngày 30.6 đến 6.7), khu vực phía nam (từ Lâm Đồng trở vào) ghi nhận 1.708 ca mắc sốt xuất huyết, giảm gần 18% so với tuần trước và giảm 4,8% so với mức trung bình 4 tuần trước. Trong đó, TP.HCM có số ca mắc cao nhất với 838 ca, tiếp đến là Đồng Nai với 358 ca.
Tính từ đầu năm đến hết tuần 27, toàn khu vực phía nam đã ghi nhận 30.790 ca sốt xuất huyết, tăng 76% so với cùng kỳ năm 2024. Đáng chú ý, đã có 6 trường hợp tử vong, tăng 1 ca so với cùng kỳ năm trước.

Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM
ẢNH: DUY TÍNH
Tại TP.HCM, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 27, TP.HCM ghi nhận 838 ca mắc mới, tăng 43 ca so với tuần 26 (795 ca).
Tổng cộng 14.370 ca sốt xuất huyết đã được ghi nhận tại TP.HCM trong 27 tuần của năm nay, tăng 153,3% so với cùng kỳ 2024 (8.696 ca). Tại TP.HCM (mới) có 6 ca tử vong: TP.HCM cũ 3 ca, Bình Dương cũ 2 ca và Bà Rịa – Vũng Tàu cũ 1 ca.
HCDC cảnh báo, TP.HCM đang bước vào cao điểm mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh sinh sôi. Số ca mắc có xu hướng tăng nhanh, lan rộng nhiều địa bàn. Nếu việc kiểm soát ổ dịch và diệt lăng quăng không được duy trì thường xuyên, nguy cơ bùng phát dịch lớn là rất cao, gây áp lực lớn lên hệ thống điều trị, đặc biệt là tại các bệnh viện nhi và tuyến quận, huyện.
Sốt xuất huyết tăng mạnh từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8
Qua phân tích các đợt dịch từ năm 2019 đến 2022 cho thấy, phần lớn sốt xuất huyết bùng phát từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8. Do đó, ngành y tế xác định chiến lược phòng ngừa chủ động, phát hiện sớm và xử lý triệt để là giải pháp then chốt để kiềm chế dịch.
Trước tình hình sốt xuất huyết gia tăng tại nhiều địa bàn, ngành y tế TP.HCM đã chủ động triển khai nhiều biện pháp kiểm soát, trong đó có: Tăng cường giám sát, xử lý ổ dịch, đánh giá điểm nguy cơ; hướng dẫn người dân phòng bệnh tại hộ gia đình.
Ngành y tế đẩy mạnh truyền thông qua nhiều kênh, đặc biệt sử dụng ứng dụng “Y tế trực tuyến” để tiếp nhận phản ánh và theo dõi xử lý nguy cơ.
Còn theo lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, thời gian gần đây, số ca bệnh sốt xuất huyết nhập viện có gia tăng. Vì vậy, người dân cần cảnh giác, phòng bệnh bằng các biện pháp diệt muỗi, lăng quăng, tiêm vắc xin sốt xuất huyết…
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.