Hà Nội sẽ nghiên cứu mở rộng hạn chế xe máy xăng từ Vành đai 2

Hà Nội dự kiến sẽ nghiên cứu mở rộng vùng phát thải thấp từ Vành đai 2 trở vào để khoanh vùng nội đô lịch sử. Cùng với việc cấm xe máy xăng trong Vành đai 1, thành phố có thể mở rộng khu vực cấm rộng hơn từ Vành đai 2 trở vào.

Lo lắng cuộc sống, sinh hoạt BỊ ẢNH HƯỞNG

Khi nghe tin từ tháng 7.2026, Hà Nội sẽ cấm xe mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch (xe máy chạy bằng xăng – PV) đi vào trong Vành đai 1, bà Nguyễn Thị Hà Hải (54 tuổi, ở P.Hoàn Kiếm) cho biết quy định này khi triển khai sẽ khiến gia đình rất khó khăn dù bản thân mong muốn môi trường thủ đô trở nên xanh – sạch – đẹp hơn.

 - Ảnh 1.

Hà Nội vẫn chưa có lộ trình và giải pháp để cấm xe máy xăng trong Vành đai 1 từ 1.7.2026

ẢNH: TUẤN MINH

Theo bà Hải, hiện gia đình bà sinh sống trong ngõ nhỏ ở phố cổ, có 4 xe tay ga được các thành viên sử dụng để đi lại, phục vụ công việc. Những chiếc xe này được mua cách đây vài năm nên chất lượng còn rất tốt, không có xe nào “nhả khói đen”.

Nếu bắt buộc phải chuyển đổi sang xe điện, bà Hải lo ngại những chiếc xe của gia đình bà khi bán đi sẽ mất giá. Trong khi đó, giá một chiếc xe điện trên thị trường lên tới 30 – 40 triệu đồng. Khi đồng loạt đổi sang xe điện, gia đình lại tốn thêm một khoản tiền lớn.

Trước đây, bà Hải từng mua một chiếc xe máy điện để phục vụ việc sinh hoạt hằng ngày, nhưng quá trình sử dụng gặp nhiều bất tiện như sức tải yếu, pin dùng nhanh bị chai và khi mua pin mới giá rất đắt. Đặc biệt, việc sạc pin trên phố cổ là bất cập lớn nhất vì khu dân cư không cho sạc qua đêm trong nhà do sợ cháy nổ.

“Gia đình tôi sẽ chưa vội chuyển đổi sang xe điện, mà nghe ngóng đến hạn chót xem tình hình thế nào rồi tính. Tôi mong muốn thành phố sẽ đưa ra giải pháp khắc phục các bất cập về việc thiếu trạm sạc trên phố cổ, công khai giá sạc điện, lộ trình triển khai và chính sách hỗ trợ cho các gia đình thuộc diện phải chuyển đổi phương tiện”, bà Hải nói.

Bà N.T.V (46 tuổi, ở P.Hai Bà Trưng) bày tỏ ủng hộ chủ trương cấm xe máy chạy xăng vào vùng lõi. Tuy nhiên, bà V. cũng cảm thấy việc thay đổi xe máy xăng sang xe máy điện trong vòng 1 năm sẽ khiến cuộc sống, sinh hoạt của gia đình bà cũng như nhiều người dân bị xáo trộn, bởi đặc tính và công năng của xe máy chạy xăng khác xe điện. “Mình mong nhà nước sẽ có lộ trình hợp lý hơn để người dân có thời gian thích nghi”, bà V. cho hay.

Theo yêu cầu của Thủ tướng trong Chỉ thị 20, bên cạnh việc cấm xe máy xăng đi vào trong Vành đai 1, UBND TP.Hà Nội phải lập, công bố đề án về vùng phát thải thấp trong quý 3/2025; đồng thời có chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

Trước yêu cầu của Thủ tướng, nguồn tin Thanh Niên cho biết các sở, ngành của thành phố đang nghiên cứu xây dựng chương trình để triển khai vì “đây là nội dung lớn, phức tạp”. Một lãnh đạo sở ở Hà Nội thông tin, đề án về vùng phát thải thấp sẽ được thành phố hoàn thiện trong thời gian sớm nhất. Cạnh đó, thành phố có thể sẽ nghiên cứu mở rộng vùng phát thải thấp từ Vành đai 2 trở vào để khoanh vùng nội đô lịch sử.

Hỗ trợ người dân ra sao ?

Trao đổi với Thanh Niên, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho rằng để người dân đồng thuận, ủng hộ, Hà Nội cần làm rõ nhiều vấn đề. Thứ nhất, phải có đủ điện cho người dân sử dụng. Thứ hai là phải có đầy đủ hệ thống trạm sạc để người dân thuận tiện sử dụng.

Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cho người dân chuyển đổi sang xe máy điện. “Hà Nội cần tính tới lập các quỹ hỗ trợ, bên cạnh đó các doanh nghiệp sản xuất, phân phối xe máy điện cũng cần tham gia hỗ trợ chi phí cho người mua, giảm giá bán…”, ông Tạo khuyến nghị. Về xử lý xe máy xăng, có thể phối hợp với các tỉnh miền núi, vùng sâu vùng xa thực hiện thu mua, tránh lãng phí.

Còn theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô VN, lộ trình 1 năm không dài nhưng không quá ngắn, nếu quyết tâm Hà Nội hoàn toàn có thể thực hiện được việc cấm xe máy xăng, chuyển đổi phương tiện cho người dân. Vấn đề của thành phố là phản ứng chính sách chậm gây ra phản ứng không tốt trong dư luận.

Góp ý về giải pháp cho Hà Nội, ông Thanh lưu ý, thứ nhất là phải hỗ trợ người dân khi cấm xe máy xăng. Cụ thể, với người bên ngoài khi vào Vành đai 1, cần có bãi trông giữ xe để người dân gửi xe. Với người dân sinh sống trong Vành đai 1, đây là những đối tượng chịu tác động trực tiếp, phải có thống kê thật chính xác số lượng phương tiện xe máy xăng chịu tác động và phân ra từng hạng để có các chính sách hỗ trợ riêng. Ví dụ với xe máy xăng mua từ 10 năm trở lại thì có chính sách hỗ trợ đổi mới xe điện hoặc hỗ trợ tài chính để mua xe điện mới. Với xe máy cũ nát thì áp dụng luôn chính sách thu hồi kèm theo một phần hỗ trợ tài chính cho người dân. Dự kiến với hàng triệu xe máy chịu tác động, nguồn hỗ trợ chuyển đổi rất lớn, có thể trích từ ngân sách thành phố hoặc xã hội hóa.

“Đối tượng hưởng lợi lớn nhất chính là các doanh nghiệp sản xuất, phân phối xe máy điện cần chung tay với chính quyền để có các biện pháp hỗ trợ người dân như giảm giá bán, thu mua xe cũ đổi xe mới”, ông Thanh nói.

Thứ hai là hệ thống trạm sạc, đổi pin. Việc sạc xe máy điện tốn 4 – 6 giờ, chưa kể sạc trong nhà rất nguy hiểm, nên cần có các khu vực sạc pin công cộng để thuận tiện cho người dân. Ngoài ra, cần tính sớm việc tái chế, xử lý pin, tránh 2 – 3 năm tới sẽ thành bãi rác pin xe điện cũ thải loại rất độc hại.

Thứ ba là giải pháp để hạn chế xe xăng như áp thuế, phí cao hơn, giảm dần các cây xăng ở khu vực nội đô để tiến tới sử dụng nhiên liệu sạch. “Hà Nội sẽ phải có đề án cụ thể cho từng việc. Nếu không bắt tay làm sớm thì rất khó đạt mục tiêu trong 1 năm tới. Đây là phép thử cho chính quyền thủ đô sau sáp nhập”, ông Thanh nói.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.