Chuyên gia kỹ thuật biển từ Mỹ hiến kế làm đẹp bãi biển Mũi Né

Chuyên gia kỹ thuật biển từ Mỹ đề xuất phương pháp quản lý trầm tích vùng để cứu Mũi Né khỏi xói lở và phục hồi vẻ đẹp ‘biển xanh, cát trắng’ – thương hiệu du lịch đang bị đe dọa bởi cách làm kè tự phát.

Mũi Né đang đối mặt tình trạng xói lở

Theo GS-TS Đặng Tỏ, chuyên gia về công trình biển, kỹ thuật ven bờ (California, Mỹ), tình trạng sạt lở ven biển Mũi Né thời gian qua, như Báo Thanh Niên phản ánh, có thể được xử lý hiệu quả bằng phương pháp điều chỉnh dòng trầm tích. Ông Đặng Tỏ cho rằng, vùng biển Hàm Tiến (P.Mũi Né, tỉnh Lâm Đồng hiện nay) trải dài từ Đá Ông Địa đến mũi Hải Long (P.Mũi Né trước đây) có cấu trúc của bãi biển hõm; đặc điểm của vùng biển này hầu như xảy ra xói lở vào mùa gió đông bắc và bồi tụ vào mùa gió tây nam.

Giải pháp khắc phục xói lở bờ biển Mũi Né từ chuyên gia kỹ thuật biển Mỹ - Ảnh 1.

Các kè mềm túi cát hiện nay ở Mũi Né mà chuyên gia Đặng Tỏ gọi là ống địa kỹ thuật (geotubes)

ẢNH: QUẾ HÀ

Tuy nhiên, theo GS-TS Đặng Tỏ, sự đô thị hóa quá nhanh và việc xây dựng nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng ven bờ là yếu tố không nhỏ, chứng minh việc con người tác động thiếu kiểm soát vào bờ biển Mũi Né.

Với sự phát triển nhanh chóng của các cơ sở du lịch xây dựng ven biển, Mũi Né đang đối mặt với tình trạng xói lở bờ biển nghiêm trọng. Nguyên nhân chính là do việc xây dựng các công trình rắn như kè, đê chắn sóng hay công trình mềm một cách tự phát với các ống địa kỹ thuật (geotubes).

Đó có thể là giải pháp tạm thời nhằm tạo bãi, giải quyết được vấn đề xói lở bờ biển; nhưng nó cũng đã phá đi tình trạng cân bằng trầm tích, dẫn đến tác động tiêu cực cho bờ biển khu vực lân cận.

Giải pháp khắc phục xói lở bờ biển Mũi Né từ chuyên gia kỹ thuật biển Mỹ - Ảnh 2.

Việc làm kè tự phát khiến bãi biển Mũi Né xấu đi. Theo chuyên gia, cần phải có sự dẫn dắt đồng bộ từ các cơ quan chuyên môn của nhà nước

ẢNH: QUẾ HÀ

Với việc xây dựng công trình (không được quy hoạch) ở Mũi Né hiện nay, tình hình xói lở bờ biển diễn biến ngày càng phức tạp và khó kiểm soát hơn.

Làm kè nuôi bãi hay kè mềm hiệu quả hơn?

Quan sát ảnh vệ tinh, từ năm 2006 đến 2012 của bãi biển Phú Hài (cũng thuộc Khu du lịch quốc gia Mũi Né hiện nay) với sự xuất hiện của công trình chặn cát ở khu nghỉ dưỡng Cát Trắng vào năm 2009, phần nào minh chứng cho điều vừa nói trên.

Ban Quản lý dự án nông nghiệp tỉnh Bình Thuận (trước đây) đã đề xuất xây dựng hệ thống đê ngầm, có kết hợp nuôi bãi, hoặc hệ thống tuyến kè có kết hợp với mỏ hàn để giữ bãi. Về mặt kỹ thuật, các phương án này cũng sẽ lặp lại các ưu điểm, nhưng vẫn bộc lộ các khuyết điểm.

Giải pháp khắc phục xói lở bờ biển Mũi Né từ chuyên gia kỹ thuật biển Mỹ - Ảnh 3.

Diễn biến đường bờ biển Mũi Né từ năm 2006 đến 2012 từ ảnh vệ tinh

ẢNH: ĐẶNG TỎ

Với ống địa kỹ thuật, nếu thiết kế mặt cắt bãi hoặc lõi đê không hợp lý, việc ống geotubes nhô cao quá mặt nước biển như các “quái vật” vẫn tái diễn, làm tổn hại đến mỹ quan bãi biển.

Còn với hệ thống đê ngầm xa bờ, ngoài việc dịch chuyển xói lở sang khu vực khác, nó còn có thể làm tăng nguy cơ nguy hiểm cho người tắm biển do có dòng nước xoáy rút xa bờ (rip curents).

Theo chuyên gia Đặng Tỏ, phương pháp “quản lý trầm tích vùng” (Regional Sediment Management – RSM) của California (nơi đã xảy ra xói lở bờ biển tương tự như Mũi Né mà ông từng được mời tham gia quy hoạch – PV) có thể là một giải pháp toàn diện, khả thi, áp dụng phù hợp để bảo vệ hình ảnh “biển xanh, cát trắng, nắng vàng” vốn là thương hiệu nổi tiếng của Khu du lịch quốc gia Mũi Né.

Giải pháp khắc phục xói lở bờ biển Mũi Né từ chuyên gia kỹ thuật biển Mỹ - Ảnh 4.

Tác động từ các loại kè biển được làm tự phát đến bờ biển Mũi Né qua phân tích mô hình kỹ thuật của GS-TS Đặng Tỏ

ẢNH: Đ.T

Giải pháp tài chính chuyên biệt với nguồn thu từ bãi biển

Với việc sáp nhập vào tỉnh Lâm Đồng, Mũi Né sẽ đóng vai trò “cửa ngõ vươn ra biển lớn”, tạo ra cơ hội đặc biệt cho quá trình kêu gọi đầu tư cấp quốc gia và khu vực.

“Điều này tương tự như mô hình của California trước đây, nơi vai trò lãnh đạo và tài trợ của tiểu bang giải quyết các vấn đề hệ thống vượt ra ngoài khả năng tài chính hạn chế của các doanh nghiệp. Để duy trì các hoạt động quản lý và bồi đắp bờ biển liên tục và rất tốn kém này, Mũi Né có thể xem xét thiết lập các nguồn tài chính chuyên biệt”, GS-TS Đặng Tỏ nêu.

Cũng theo ông Đặng Tỏ, các nguồn tài chính chuyên biệt ở đây gồm thuế từ du lịch, tỷ lệ phần trăm từ doanh thu đặt phòng khách sạn; tận dụng giá trị kinh tế to lớn mà bãi biển mang lại cho ngành du lịch.

Giải pháp khắc phục xói lở bờ biển Mũi Né từ chuyên gia kỹ thuật biển Mỹ - Ảnh 5.

Du khách quốc tế đến chơi thể thao biển tại Mũi Né (ảnh chụp năm 2019)

ẢNH: QUẾ HÀ

Mặt khác, có thể áp dụng thuế bất động sản ven bờ đối với các chủ đầu tư, những người hưởng lợi trực tiếp từ sự ổn định của bờ biển. Cơ chế tài chính này, tương tự như mô hình Hiệp hội chủ nhà (HOA) thu phí bảo quản ở California cho việc duy trì cơ sở hạ tầng chung, sẽ bổ sung cho các khoản đầu tư tiềm năng cấp quốc gia.

“Áp dụng phương pháp trầm tích sẽ giúp Mũi Né chuyển từ các biện pháp đối phó tạm thời, cục bộ, mang tính chắp vá, sang một chiến lược vùng dài hạn, có cơ sở khoa học, đảm bảo bảo vệ và phục hồi bền vững tài nguyên bờ biển”, chuyên gia Đặng Tỏ nêu giải pháp.

Cũng theo chuyên gia Đặng Tỏ, điểm mấu chốt của RSM là một cách tiếp cận toàn hệ thống, tổng thể để quản lý trầm tích trong các “tế bào” ven bờ (littoral cells) tự nhiên; từ đó hiểu rõ nguồn cung cấp, lý do và nơi mất đi của cát biển.

Giải pháp khắc phục xói lở bờ biển Mũi Né từ chuyên gia kỹ thuật biển Mỹ - Ảnh 6.

Giáo sư Đặng Tỏ (bên phải) và PV Thanh Niên tại TP.Long Beach (California, Mỹ) năm 2023

ẢNH: TUAN TRAN

Điều này tức sẽ bỏ đi các nỗ lực rời rạc, thay bằng một kế hoạch phối hợp do các cơ quan chuyên môn của nhà nước chủ trì, thông qua các phương pháp trầm tích ven bờ (Coastal RSM Plans).

Các giải pháp chính, gồm tái sử dụng có lợi trầm tích nạo vét từ cảng, kênh đào hoặc công trình kiểm soát lũ và bồi đắp bãi biển (beach nourishment); bằng cát từ ngoài khơi hoặc đất liền.

Phương pháp này cũng cho phép bơm cát từ mỏ thượng nguồn xuống hạ nguồn để chống xói lở, đảm bảo duy trì ổn định bờ biển. Phục hồi đường bờ cơ sở và tăng chiều rộng bãi biển.

Tuy nhiên, phương pháp RSM không nhằm thay thế hoàn toàn các công trình phòng chống xói lở hiện nay, mà chỉ định hướng tích hợp, điều phối và đánh giá hiệu quả toàn diện các giải pháp trong phạm vi khu vực, thay vì các hành động tự phát và cục bộ như thời gian qua.

“Với phương pháp trầm tích RSM, hy vọng một ngày không xa, Mũi Né sẽ đẹp trở lại như xưa và không còn hình ảnh của các ‘quái vật’ ven bờ nữa”, chuyên gia Đặng Tỏ hy vọng.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.