Các chuyên gia đã hiến kế cho tỉnh An Giang nhiều giải pháp để phát triển kinh tế – xã hội sau sáp nhập, khi không gian và điều kiện phát triển của tỉnh đều được mở rộng. Đặc biệt là cần tận dụng năng lực dẫn dắt của đặc khu Phú Quốc.
An Giang trước cơ hội lịch sử mới
Sáng 14.7, Tỉnh ủy An Giang tổ chức hội thảo khoa học định hướng phát triển kinh tế – xã hội và góp ý văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang nhiệm kỳ 2025 – 2030. GS.TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, đồng chủ trì hội thảo với lãnh đạo tỉnh An Giang.
Ông Lê Minh Hoan, Phó chủ tịch Quốc hội, đến dự hội nghị cùng các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, lãnh đạo tỉnh An Giang (cũ) và Kiên Giang (cũ) qua các thời kỳ.

Tại buổi hội thảo các chuyên gia đã có nhiều ý kiến hay để gợi mở cho tỉnh An Giang phát triển vươn mình trong giai đoạn tới
ẢNH: TRẦN NGỌC
Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư Tỉnh ủy An Giang nhận định, tỉnh đang đứng trước một thời cơ lịch sử để phát huy vai trò trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia, trở thành vùng kinh tế năng động. Điển hình, nhiệm kỳ 2020 – 2025, hai tỉnh An Giang và Kiên Giang thực hiện đạt và vượt 31/40 chỉ tiêu Nghị quyết đại hội và trong 6 tháng đầu năm 2025, An Giang tăng trưởng kinh tế trên 8,1%. Thế nhưng, tỉnh vẫn còn một số hạn chế, khó khăn nhất định như: công nghiệp, du lịch phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; kinh tế biên mậu tuy được quan tâm phát triển nhưng nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa xác định đúng tầm…

Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan góp ý, An Giang cần quan tâm phát triển kinh tế biển và tận dụng cơ hội hội nghị APEC 2027 ở Phú Quốc để bứt phá
ẢNH: TRẦN NGỌC
Thu nhập phải phát triển 12% mỗi năm để theo kịp cả nước
Tại hội thảo, các chuyên gia đã đóng góp nhiều giải pháp, góp ý để mục tiêu đến năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá của cả nước; là trung tâm kinh tế biển mạnh của quốc gia; đặc khu Phú Quốc đạt tầm cỡ quốc tế và đời sống người dân được nâng cao.
GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương, góp ý thời gian tới, An Giang cần quan tâm xây dựng Đảng vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý đáp ứng nhu cầu phát triển cao và quan tâm chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, tỉnh An Giang phát triển từ nền tảng nông nghiệp, thời gian tới tỉnh cần có chủ trương đột phá và phải phát triển “đột biến”. Yêu cầu phát triển cao trong thời gian tới là thách thức và là áp lực lớn cho tỉnh, nhưng đó là động lực lớn để tỉnh thay đổi và phát triển.
“Hiện nay GRDP đầu người của tỉnh An Giang khoảng 3.500 USD/người/năm trong khi GRDP đầu người cả nước 4.700 USD/người/năm. Giai đoạn tới, mục tiêu GRDP đầu người cả nước là 7.500 USD, đòi hỏi An Giang phải tăng trưởng hơn 12%/năm thì GRDP đầu người mới đạt mức trên… An Giang cần tận dụng năng lực dẫn dắt của đặc khu Phú Quốc và các đặc khu khác và cần thí điểm cơ chế cho địa phương tự quyết nhằm tạo ra lợi thế mới để phát triển”, PGS.TS Trần Đình Thiên nói.

PGS.TS Trần Đình Thiên cho biết trong giai đoạn tới, mỗi năm An Giang cần phát triển 12%/năm để thu nhập bình quân đầu người theo kịp mức thu nhập cả nước đề ra
ẢNH: TRẦN NGỌC
Phát biểu gợi mở cho tỉnh An Giang, Phó chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đã nêu ra nhiều lợi thế mà tỉnh đã có sau khi được sắp xếp lại từ hai tỉnh An Giang và Kiên Giang, qua đó đề nghị tỉnh An Giang hiện nay cần quan tâm phát triển lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn với tư duy mới. Quan tâm phát triển nông nghiệp dựa trên khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và chú ý vai trò dẫn dắt của kinh tế tư nhân, của doanh nghiệp dẫn đầu. Chú ý phát triển kinh tế biển hiệu quả, bền vững và hợp lý. Tỉnh cần tận dụng sự kiện APEC 2027 để đưa sản phẩm nông sản của tỉnh vươn xa.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.