Theo CNN Indonesia, việc áp dụng hạn ngạch cầu thủ ngoại của giải VĐQG nước này mùa 2025 – 2026 lên đến 11 người, trong đó có 8 người ra sân thi đấu, khiến cầu thủ trong nước hết cơ hội. Giải Malaysia phải vội vã điều chỉnh.
Vì sao chỉ còn 2 cầu thủ Indonesia ra sân?
Theo quy định của giải VĐQG Indonesia, từ mùa 2025 – 2026 đổi tên thành Super League, là lần thứ 6 đổi tên kể từ năm 1994, nhiều hơn bất cứ giải đấu nào khác trên thế giới. Với mỗi trận đấu trong đội hình chính thức các CLB bắt buộc phải có 1 cầu thủ U.23 với thời gian thi đấu tối thiểu là 45 phút.

Chính sách mới ở giải VĐQG, sẽ khiến đội tuyển Indonesia ngày càng vắng bóng cầu thủ nội
Ảnh: Reuters
Như vậy, cùng với hạn ngạch cầu thủ ngoại đang áp dụng, nếu một CLB tối đa hóa việc đăng ký 11 người và cho ra sân cùng lúc 8 người cộng 1 cầu thủ U.23, thì chỉ còn vỏn vẹn 2 suất dành cho cầu thủ nội ở cấp cao nhất cạnh tranh thi đấu ở đội hình chính, theo CNN Indonesia.
“Chắc chắn, bóng đá Indonesia sắp tới sẽ do các cầu thủ quốc tế thống trị, nếu quy định về hạn ngạch cầu thủ nước ngoài vẫn tiếp tục được giữ nguyên. Cho đến nay, bất chấp nhiều phản ứng, khả năng thay đổi gần như không thể xảy ra, khi chính sách này đã được thông qua tại cuộc họp cổ đông (GMS) của PT Liga Indonesia Baru (LIB), cơ quan điều hành giải VĐQG Indonesia, tại Jakarta vào ngày 7.7”, CNN Indonesia cho biết.
Mùa trước, dù hạn ngạch cầu thủ ngoại thấp hơn (đăng ký 8 và 6 người có thể ra sân thi đấu), nhưng bóng đá Indonesia cũng đã bị các cầu thủ ngoại áp đảo và chiếm sóng hoàn toàn. Theo đó, chỉ có 2 cầu thủ bản địa Indonesia nằm trong tốp 10 các cầu thủ có thời gian thi đấu nhiều nhất, 8 người còn lại đều là các ngoại binh, dựa trên thống kê của trang Transfermarkt.
Trong danh sách ghi bàn và kiến tạo, con số cầu thủ Indonesia góp mặt càng ít ỏi hơn, chỉ có tiền đạo Egy Maulana Vikri (ghi 12 bàn, xếp thứ 8). Và Rizky Pora có 8 kiến tạo xếp 5, trong tốp 10 các danh sách này. Ngoài ra, còn có 1 cầu thủ nhập tịch Indonesia góp mặt là Marc Klok có 7 kiến tạo. Marc Klok hiện không còn được gọi vào đội tuyển Indonesia kể từ năm 2024.
Điều này đã dẫn đến nhiều lo ngại rất lớn, đó là các cầu thủ bản địa bị thu hẹp mọi cơ hội thi đấu, bất kể ở cấp CLB hay cả đội tuyển. Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) lại ủng hộ chính sách này, cho rằng việc tăng hạn ngạch cầu thủ ngoại sẽ tăng chất lượng giải VĐQG. Qua đó, các cầu thủ nội cũng bắt buộc nâng cấp bản thân để cạnh tranh suất đá chính và cải thiện mình. Tuy nhiên, đây là con dao 2 lưỡi và lợi bất cập hại, theo CNN Indonesia.

Cầu thủ bản địa Indonesia ít còn cơ hội lên đội tuyển, nay ở CLB họ cũng sắp bị gạt ra rìa
Ảnh: Reuters
“Đầu tiên, việc ồ ạt sử dụng cầu thủ ngoại, chắc chắn sẽ khiến cầu thủ nội mất chỗ ở CLB. Do các CLB bỏ chi phí lớn để chiêu mộ cầu thủ ngoại, nên họ luôn được ưu tiên thi đấu hơn cầu thủ nội. Đây là một thực tế dễ thấy. Tuy nhiên, không phải cầu thủ ngoại nào cũng có chất lượng tốt hơn hẳn cầu thủ nội, có nhiều cầu thủ ngoại có giá cả và chi phí rất cao nhưng chất lượng chỉ thuộc hạng 3 hoặc hạng 4. Do đó, cũng khó mà giúp cầu thủ nội cải thiện được gì.
Bên cạnh đó, một sự nguy hiểm khác luôn rình rập, đó là có không ít CLB không có tiềm lực về tài chính, không có cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu thi đấu, nhưng vẫn chạy đua mua sắm cầu thủ ngoại để chạy theo thành tích của mùa giải. Điều này sẽ để lại một tương lai không mấy sáng sủa, nhiều CLB đua nóng rất dễ rơi vào cảnh phá sản một khi thành tích đi xuống”, CNN Indonesia bày tỏ.
Lý do giải VĐQG Malaysia phải vội vã điều chỉnh hạn ngạch cầu thủ ngoại
Giải Super League của Malaysia từ mùa 2025 – 2026 cho đăng ký hạn ngạch cầu thủ ngoại ở các CLB lên đến 15 người. Nhưng đang gây lo ngại rất lớn, vì đến nay chỉ có duy nhất CLB Johor Darul Ta’zim tận dụng tối đa chính sách này.
Đội bóng này hiện đã chiêu mộ đến 9 cầu thủ ngoại và thêm 2 cầu thủ ở châu Á, trong đó có 1 cầu thủ thuộc Đông Nam Á là Oscar Arribas từ Philippines. Sắp tới, họ sẽ còn chiêu mộ cho đủ số lượng 15 cầu thủ ngoại đến từ mọi quốc gia. Đó là chưa kể, đội bóng này hiện đã có các cầu thủ nhập tịch tổng cộng lên đến 8 người, Nacho Mendez là trường hợp mới nhất.

Cầu thủ nhập tịch Malaysia lần lượt đến khoác áo CLB Johor Darul Ta’zim chưa kể ngoại binh
Ảnh: Ngọc Linh
Johor Darul Ta’zim là đội bóng đang sở hữu phần lớn số cầu thủ nhập tịch Malaysia, trong đó có một số gây tranh cãi về nguồn gốc của họ gần đây. Vì vậy, họ gần như đã trở thành “một siêu CLB” ở Malaysia và có thể cả khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu của đội bóng này là chinh phục mọi chức vô địch trong nước, khu vực và châu Á (AFC Champions League Elite), để giành quyền tham dự FIFA Club World Cup 2029™.
Việc thống trị của CLB Johor Darul Ta’zim ở giải VĐQG Malaysia là hiện thực. Lo ngại trước cách biệt quá lớn, sẽ khiến phần còn lại các CLB nước này sẽ buông xuôi, ban tổ chức giải đấu này vừa ra quyết định điều chỉnh số lượng cầu thủ ngoại ra sân.
Theo đó, chỉ còn 6 người và 3 dự bị trong mỗi trận đấu. Trong đó, 6 người ra sân bao gồm 4 cầu thủ ngoại đến từ mọi quốc gia, cộng 1 châu Á và 1 ở Đông Nam Á. Trước đó, tỷ lệ này là 7 ra sân và 2 dự bị. Riêng hạn ngạch 15 cầu thủ ngoại được đăng ký ở mỗi CLB vẫn được giữ nguyên, nhưng không bắt buộc mọi CLB đăng ký đủ số lượng này.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.