Mỹ phóng thử tên lửa tấn công chính xác tại Úc

Mỹ phóng thử tên lửa tấn công chính xác có tầm bắn hơn 480 km tại Úc trên hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) của Lực lượng Quốc phòng Úc.

Mỹ phóng thử tên lửa tấn công chính xác tại Úc - Ảnh 1.

Tên lửa được phóng thử hôm 25.7

ẢNH: LỤC QUÂN MỸ

Đài Fox News ngày 26.7 đưa tin Lục quân Mỹ tiến hành phóng thử các tên lửa tấn công chính xác tại Úc, bước tiến đáng kể trong chiến lược răn đe ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Cuộc thử nghiệm hôm 25.7 đánh dấu một tiến triển quan trọng trong năng lực tấn công tầm xa của khu vực. Tên lửa tấn công chính xác (PrSM) có tầm bắn hơn 480 km và có thể đánh trúng các mục tiêu di động trên đất liền hoặc trên biển.

Cuộc thử nghiệm chứng kiến một quả tên lửa PrSM do Mỹ sản xuất được phóng đi từ hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Lực lượng Quốc phòng Úc sở hữu. Đây được cho là màn phô diễn sức mạnh giữa Mỹ và Úc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Đây chỉ là một trong những bước đi then chốt mà chúng tôi đang thực hiện trên khắp khu vực nhằm răn đe xung đột, đồng thời bảo đảm rằng binh sĩ của chúng tôi được trang bị những năng lực tối ưu nhất”, Bộ trưởng Lục quân Mỹ Dan Driscoll phát biểu khi theo dõi cuộc thử nghiệm tại khu huấn luyện Mount Bundey ở Úc.

“Tên lửa PrSM cho phép lực lượng của chúng ta răn đe các khu vực trên bộ và trên biển, buộc đối phương phải dè chừng”, ông nói thêm.

Úc lần đầu bắn HIMARS trong tập trận lớn với Mỹ và đồng minh

PrSM là vũ khí bổ sung mới nhất của Lục quân Mỹ vào danh mục hỏa lực chính xác tầm xa (LRPF), một bộ 3 hệ thống tấn công tiên tiến bao gồm tên lửa phóng từ hệ thống HIMARS, nền tảng tầm trung và tên lửa bội siêu thanh Dark Eagle.

Trong khi hệ thống HIMARS đã chứng minh hiệu quả của mình tại các vùng chiến sự như Ukraine, việc tích hợp tên lửa PrSM giúp nâng cao giá trị chiến lược của hệ thống này.

Bệ phóng cơ động có thể được triển khai từ máy bay C-17 và C-130, tàu đổ bộ của Hải quân Mỹ, thậm chí từ các tàu trên biển, một năng lực đã được thử nghiệm trong các cuộc diễn tập phối hợp với Hải quân và Thủy quân Lục chiến Mỹ.

Úc không cho phép thiết lập căn cứ quân sự nước ngoài thường trực, nhưng Mỹ đang mở rộng sự hiện diện luân phiên tại các địa điểm quân sự ở Úc. Gần đây, Úc và Mỹ đã dẫn đầu một cuộc tập trận chung quy mô lớn tại Sydney với sự tham gia của 30.000 binh sĩ đến từ 19 quốc gia.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.