Chiến sự Ukraine ngày 1.246: Nga tấn công hạ tầng điện Ukraine trước đàm phán

Nga tấn công khiến hàng trăm ngàn người mất điện và giành quyền kiểm soát thêm một ngôi làng tại tỉnh Sumy ở Ukraine, trước khi tiếp tục tham gia đàm phán về trao đổi tù binh.

Chiến sự Ukraine ngày 1.246: Nga tấn công hạ tầng điện Ukraine trước đàm phán - Ảnh 1.

Một khu vực bị tấn công bằng máy bay không người lái tại vùng Sumy hôm 23.7

ẢNH: REUTERS

Hãng Reuters tối 23.7 dẫn lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho hay Nga tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) tại vùng Sumy khiến khoảng 220.000 người bị mất điện.

“Việc sửa chữa tại vùng Sumy được tiến hành cả ngày hôm nay sau đợt tấn công bằng UAV của Nga”, ông viết trên Telegram và cho hay điện đã được cấp lại cho hầu hết những người bị ảnh hưởng.

Cùng ngày, trang The Kyiv Independent dẫn lời giới chức địa phương Ukraine cho hay ít nhất 2 người thiệt mạng và 30 người bị thương trong các cuộc tấn công của Nga khắp Ukraine trong 24 giờ trước đó. Nga chưa bình luận cụ thể về những thông tin trên của Ukraine. Hai bên trước nay luôn bác bỏ mọi cáo buộc tấn công nhằm vào dân thường trong cuộc xung đột.

Ukraine mất tiêm kích Mirage 2000 Pháp, phi công kịp nhảy dù

Theo Không quân Ukraine, Nga phóng 71 UAV tấn công và mồi nhử từ nhiều hướng trong đêm. Phía Ukraine bắn rơi 27 chiếc tại các khu vực phía bắc, phía đông và trung tâm. Thêm 18 chiếc khác bị mất tích hoặc bị vô hiệu hóa bởi thiết bị tác chiến điện tử.

Bộ Quốc phòng Nga ngày 23.7 cho biết lực lượng nước này đã giành quyền kiểm soát làng Varachino tại vùng Sumy. 

Đối thoại vòng 3

Trước cuộc đối thoại vòng 3 giữa Nga và Ukraine tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 23.7, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói rằng phái đoàn 2 nước sẽ thảo luận việc trao đổi tù binh và thi thể các binh sĩ.

“Một cuộc đối thoại sẽ được tổ chức nhằm tiếp tục quá trình trao đổi lẫn nhau rất quan trọng. Nếu cần thiết, các vấn đề khác cũng có thể được nêu ra. Những quyết định như vậy sẽ do các trưởng phái đoàn đưa ra”, ông Peskov cho biết khi trả lời câu hỏi về những vấn đề sẽ được đề cập trong vòng đàm phán thứ ba giữa Nga và Ukraine tại Istanbul.

Trước khi bước vào đàm phán, phía Nga cho rằng việc đàm phán sẽ khó khăn và không kỳ vọng nhiều, trong khi Ukraine tuyên bố sẵn sàng đồng ý ngừng bắn, nhưng kết quả cuộc gặp sẽ tùy thuộc vào việc Nga có theo “quan điểm xây dựng” hay không.

Nga tập trận hải quân quy mô lớn tại Thái Bình Dương, Bắc Cực và biển Baltic

Nga tập trận trên biển

Ngày 23.7, Nga bắt đầu đợt tập trận hải quân lớn với hơn 150 tàu thuyền và 15.000 quân nhân tại các vùng Thái Bình Dương, Đại Tây Dương, biển Baltic và biển Caspi.

Đợt tập trận diễn ra đến ngày 27.7 sẽ thử nghiệm khả năng sẵn sàng của hạm đội cho các hoạt động phi tiêu chuẩn, việc sử dụng vũ khí tầm xa và các công nghệ tiên tiến khác, bao gồm cả hệ thống không người lái, theo thông cáo của Bộ Quốc phòng Nga.

“Trên biển, các thủy thủ đoàn sẽ luyện tập triển khai tới các khu vực chiến đấu, tiến hành các hoạt động chống tàu ngầm, bảo vệ các khu vực triển khai và hoạt động kinh tế”, theo thông cáo.

Họ cũng sẽ luyện tập “đẩy lùi các cuộc tấn công bằng vũ khí tấn công trên không, tàu và máy bay không người lái của địch, đảm bảo an toàn cho việc điều hướng, tấn công các mục tiêu và nhóm hải quân của đối phương”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết và nói thêm rằng Đô đốc Alexander Moiseev sẽ dẫn đầu cuộc tập trận.

Trong diễn biến khác, các máy bay ném bom Tu-95MS có khả năng mang đầu đạn hạt nhân vừa hoàn thành chuyến tuần tra định kỳ trên hải phận quốc tế ở biển Bering. Các tiêm kích của nước ngoài đã được điều động để theo dõi máy bay Nga, theo Bộ Quốc phòng Nga.

Đức tăng tốc củng cố quốc phòng

Chính phủ liên bang Đức đã phê duyệt một dự thảo luật vào ngày 23.7 nhằm đẩy nhanh quá trình mua sắm quốc phòng và xây dựng các căn cứ quân sự, trong nỗ lực tăng cường khả năng tự vệ cho bản thân và các đồng minh.

Dự luật nhằm hỗ trợ nỗ lực của Đức trong việc đạt các mục tiêu chi tiêu quốc phòng cao hơn theo yêu cầu của NATO. Dự luật đã mở rộng định nghĩa về nhu cầu quân sự để bao gồm các mặt hàng liên quan dân sự như thiết bị y tế và vật liệu xây dựng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu các đồng minh châu Âu trong NATO phải chi nhiều hơn nữa cho việc bảo vệ lục địa của họ, cho rằng lâu nay họ đã quá phụ thuộc vào vai trò lớn của Mỹ trong việc bảo vệ an ninh châu Âu.

“Với dự luật này, chúng ta đang loại bỏ nhiều rào cản, giúp chúng tôi tiến nhanh hơn nữa. Chúng ta giờ đây có thể thực sự tập trung vào những gì quan trọng vì lợi ích của khả năng phòng thủ và trang bị của quân đội liên bang”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius phát biểu sau cuộc họp nội các.

Theo dự luật được đề xuất, các yêu cầu về đấu thầu bắt buộc đối với các hợp đồng quốc phòng sẽ được nới lỏng hoặc miễn hoàn toàn trong những trường hợp đặc biệt khẩn cấp. Các hợp đồng lớn sẽ không còn phải chia thành các gói thầu nhỏ hơn.

Ngưỡng để kích hoạt quy trình mua sắm chính thức sẽ tăng lên, từ dưới 15.000 euro lên 50.000 euro, Bộ trưởng Kinh tế Đức Katherina Reiche cho biết.

Đối với các dự án xây dựng, ngưỡng này sẽ tăng lên 1 triệu euro, và 443.000 euro đối với các hàng hóa và dịch vụ khác, bà Reiche cho biết tại một cuộc họp báo cùng với Bộ trưởng Pistorius.

Các tiêu chuẩn về môi trường cũng sẽ được nới lỏng, chẳng hạn như trong việc xây dựng doanh trại quân đội, trong khi các sân bay quân sự sẽ được xem xét và bảo vệ đặc biệt.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.