Chiến sự Ukraine ngày 1.238: Hai bên tấn công diện rộng

Cả Nga lẫn Ukraine đều bị cáo buộc tiến hành các cuộc tấn công vào nhiều tỉnh của nhau trong ngày 15.7.

Giới chức ở Ukraine sáng 15.7 cáo buộc lực lượng Nga tấn công làm ít nhất 5 người thiệt mạng và 53 người bị thương ở 6 tỉnh của Ukraine trong 24 giờ trước đó, theo trang tin The Kyiv Independent.

Trong đó, Tỉnh trưởng Oleh Syniehubov của tỉnh Kharkiv cáo buộc các lực lượng Nga đã tấn công thành phố Kharkiv cùng 9 thị trấn và làng mạc trong tỉnh.

Chiến sự Ukraine ngày 1.238: Hai bên tấn công diện rộng- Ảnh 1.

Binh sĩ Ukraine khai hỏa hệ thống phóng rốc két đa nòng BM-21 Grad về phía binh sĩ Nga gần thành phố tiền tuyến Pokrovsk, tại khu vực Donetsk ở miền đông Ukraine ngày 19.4

Ảnh: Reuters

Tại tỉnh Kherson, Tỉnh trưởng Oleksandr Prokudin khẳng định 2 người đã thiệt mạng và 18 người bị thương trong các cuộc tấn công mới của Nga, và 2 tòa nhà cao tầng,12 ngôi nhà, 1 công ty nông nghiệp và một số tòa nhà khác đã bị hư hại.

Đến tối 15.7 chưa có thông tin về phản ứng của Nga đối với cáo buộc trên của phía Ukraine. Cả Moscow lẫn Kyiv đều phủ nhận việc nhắm mục tiêu vào dân thường trong các cuộc tấn công.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga ngày 15.7 tuyên bố quân đội Nga đã giành được quyền kiểm soát hai cộng đồng dân cư tại Donetsk ở miền đông Ukraine trong 24 giờ, theo Hãng tin TASS.

Bộ Quốc phòng Nga khẳng định Ukraine mất hơn 1.190 binh sĩ tại tất cả các khu vực tiền tuyến trong 24 giờ. Bộ này còn tuyên bố lực lượng phòng không Nga đã bắn hạ 103 máy bay không người lái (UAV) và 7 bom thông minh của Ukraine và 1 quả rốc két thuộc Hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao (HIMARS) do Mỹ sản xuất.

Đến tối 15.7 chưa có thông tin về phản ứng của Ukraine đối với tuyên bố mới của Bộ Quốc phòng Nga.

Xem thêm: Nga phá hủy kho đạn dành cho F-16 ở Ukraine, tiếp tục tập kích Kyiv?

UAV Ukraine tấn công 5 tỉnh của Nga?

Bộ Quốc phòng Nga ngày 15.7 tuyên bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng hệ thống phòng không Nga đã hạ 55 máy bay không người lái (UAV) của Ukraine trong đêm 14.7 và rạng sáng 15.7 trong 5 tỉnh của Nga và biển Đen, theo Reuters.

Ngoài ra, các tỉnh trưởng ở 3 tỉnh của Nga, gồm Lipetsk, Bryansk và Voronezh, ngày 15.7 nói rằng ít nhất 18 người bị thương và nhà cửa cùng các công trình khác bị hư hại trong cuộc tấn công bằng UAV của Ukraine trong đêm 14.7 và rạng sáng 15.7.

Chiến sự Ukraine ngày 1.238: Hai bên tấn công diện rộng- Ảnh 2.

Khói và lửa bốc lên ở huyện Sergiyev Posad, ngoại ô Moscow (Nga), sau cuộc tấn công bằng UAV bị cho là do Ukraine tiến hành, trong ảnh từ video xuất hiện trên mạng xã hội ngày 4.7

Ảnh: Reuters

Trong đó, Tỉnh trưởng Alexander Gusev của tỉnh Voronezh viết trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng các đơn vị phòng không Nga đã tiêu diệt 12 UAV trong tỉnh Voronezh, giáp biên giới với Ukraine. Ông còn viết rằng 16 người đã bị thương do vụ tấn công. Các tòa nhà dân cư ở thành phố Voronezh và vùng ngoại ô đã bị hư hại, theo ông Gusev.

Một đoạn video chưa được xác minh do Mash, một kênh Telegram thân cận với các cơ quan an ninh Nga, công bố cho thấy một vật thể bay đâm vào một tòa nhà trên một con phố đông đúc ở thành phố Voronezh, sau đó là một quả cầu lửa lớn, theo Reuters.

Đến tối 15.7 chưa có thông tin về phản ứng của Ukraine đối với cáo buộc và tuyên bố trên của phía Nga.

Xem thêm: Ukraine phóng UAV ồ ạt vào lãnh thổ Nga, các sân bay ở Moscow đóng cửa

Rộ tin ông Trump khuyến khích Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga?

Tờ Financial Times ngày 15.7 dẫn hai nguồn thạo tin cho hay Tổng thống Mỹ Donald Trump đã âm thầm khuyến khích Ukraine tăng cường các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, thậm chí còn hỏi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky liệu Kyiv có thể tấn công Moscow nếu được Mỹ cung cấp vũ khí tầm xa hay không.

Tổng thống Trump đã nói chuyện với Tổng thống Zelensky trong cuộc điện đàm vào ngày 4.7, một ngày sau khi ông Trump điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc điện đàm đó, ông Trump cũng thảo luận về việc cung cấp cho Ukraine tên lửa ATACMS do Mỹ sản xuất, theo Financial Times dẫn hai nguồn tin.

Đến tối 15.7 chưa có thông tin về phản ứng của các bên liên quan đối với thông tin từ Financial Times.

Hôm 14.7, Tổng thống Trump bày tỏ sự thất vọng trước việc Tổng thống Putin chưa chịu đồng ý ngừng bắn và tuyên bố sẽ cung cấp một loạt vũ khí cho Ukraine, bao gồm cả hệ thống tên lửa đất đối không Patriot. Ông Trump cũng đe dọa sẽ áp đặt thêm cấm vận đối với Nga nếu không đạt được thỏa thuận hòa bình trong vòng 50 ngày, theo Reuters.

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov ngày 15.7 nói rằng Moscow sẵn sàng đàm phán nhưng không chấp nhận tối hậu thư.

Xem thêm: Mỹ nói gì khi Nga cáo buộc Ukraine bắn tên lửa ATACMS vào Crimea??

Đức và Mỹ sắp có quyết định về việc chuyển Patriot cho Ukraine

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius ngày 14.7 cho hay trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tới, Đức và Mỹ sẽ quyết định về việc chuyển giao hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất cho Ukraine.

Phát biểu từ Washington D.C sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth, Bộ trưởng Pistorius xác nhận rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục hoàn thiện các chi tiết của thỏa thuận, bao gồm số lượng bệ phóng và tên lửa chính xác, theo Reuters.

Ông Pistorius nói thêm rằng với thỏa thuận đã được đảm bảo, hệ thống Patriot đầu tiên có thể được chuyển đến Ukraine trong vòng vài tháng.

Đức đã tặng 3 hệ thống Patriot của riêng mình cho Ukraine, giữ lại 9 hệ thống. Con số này thấp hơn đáng kể so với 36 khẩu đội Patriot mà Đức đã vận hành trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh lạnh, theo trang tin The Kyiv Independent.

Hôm 14.7, Tổng thống Trump thông báo Washington sẽ cung cấp hệ thống Patriot, tên lửa và các loại vũ khí khác cho Ukraine và số vũ khí này sẽ được các nước NATO khác chi trả.

Phát biểu cùng Tổng thống Trump tại Nhà Trắng hôm 14.7, Tổng thư ký NATO Mark Rutte cho hay Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Anh, Hà Lan và Canada muốn tham gia sáng kiến mới nói trên.

“Chúng tôi sẵn sàng tham gia. Tất nhiên chúng tôi không thể tự mình làm được, chúng tôi cần sự hợp tác của các nước khác, nhưng chúng tôi đã sẵn sàng”, Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen phát biểu với các phóng viên tại Brussels (Bỉ) hôm 15.7 trước cuộc họp của các bộ trưởng thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Xem thêm: Đã chuyển giao Javelin, HIMARS rồi Patriot, Mỹ sẽ còn gửi gì cho Kyiv??

Đan Mạch sẽ cung cấp dịch vụ liên lạc vệ tinh cho Ukraine

Bộ Quốc phòng Đan Mạch ngày 14.7 thông báo Đan Mạch sẽ cung cấp cho quân đội Ukraine các dịch vụ liên lạc vệ tinh thuộc châu Âu trong bối cảnh Kyiv tiếp tục chống lại chiến dịch quân sự của Nga, theo trang tin The Kyiv Independent.

Đan Mạch là đồng minh đầu tiên của Ukraine tài trợ cho các dịch vụ truyền thông vệ tinh thông qua Cơ quan Quốc phòng châu Âu của EU. Copenhagen và Kyiv đã hợp tác chặt chẽ để chống lại chiến dịch quân sự của Nga, ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt vào ngày 4.7. Theo đó, các công ty quốc phòng Ukraine được phép mở cơ sở sản xuất tại Đan Mạch.

Quân đội Ukraine phụ thuộc vào thông tin liên lạc vệ tinh, cụ thể là dịch vụ Starlink của tỉ phú Mỹ Elon Musk. Trong bối cảnh ông Musk chỉ trích việc viện trợ cho Ukraine, đã xuất hiện lo ngại rằng Kyiv có thể mất quyền truy cập Starlink.

Ba Lan đang tài trợ 50% trong tổng số 42.000 thiết bị đầu cuối Starlink của Ukraine, với chi phí khoảng 50 triệu USD/năm, theo Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski. Đức cũng được cho là đang tài trợ cho việc truy cập internet vệ tinh của Ukraine do công ty Eutelsat của Pháp vận hành.

Xem thêm: Nga ‘đắc lợi’ nhờ dùng lậu thiết bị đầu cuối Starlink ở Ukraine?


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.