Nga có đợt tấn công lớn tại Ukraine với số máy bay không người lái và tên lửa nhiều kỷ lục, trong khi một số nước NATO lo ngại mối đe dọa quân sự từ Nga đang gia tăng.

Lính cứu hỏa dập tắt đám cháy sau một cuộc tấn công của Nga tại tỉnh Kyiv hôm 9.7
ẢNH: AP
Hãng Reuters ngày 9.7 dẫn lời Thủ tướng Đức Friedrich Merz cho rằng các biện pháp ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine đã cạn kiệt, đồng thời tuyên bố sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh châu Âu tiếp tục hỗ trợ Ukraine, trong khi Mỹ cũng tỏ ý tương tự.
Phát biểu tại Quốc hội Anh hôm 8.7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết liên minh do 2 nước thành lập là dấu hiệu rõ ràng cho thấy châu Âu sẽ ủng hộ chính phủ Ukraine.
“Liên minh này đã trở thành một tín hiệu cho thấy châu Âu sẽ không bao giờ bỏ rơi Ukraine”, Tổng thống Macron phát biểu và nói thêm rằng Pháp sẽ cùng Anh thúc đẩy lệnh ngừng bắn và sau đó là đàm phán nhằm đạt hòa bình lâu dài tại Ukraine.
Ông Trump nói Mỹ ‘phải gửi thêm vũ khí phòng thủ’ cho Ukraine
Cũng trong ngày 8.7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Tammy Bruce khẳng định Mỹ chưa bao giờ có ý dừng hỗ trợ Ukraine.
Khi được hỏi về kế hoạch của Mỹ trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine, bà cho biết rằng khoảng tạm dừng gần đây không nên được hiểu là một chính sách hay lập trường mới của Mỹ.
“Chúng tôi từng là và vẫn là những người ủng hộ lớn nhất của Ukraine. Chúng tôi quan tâm đến việc bảo đảm rằng họ có những gì họ cần. Chúng tôi đã hỗ trợ họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ họ. Tình hình khá khó khăn, và đó là lập trường của chúng tôi. Nó vẫn luôn như vậy”, bà nói thêm.
Đợt tấn công kỷ lục của Nga
Bộ Quốc phòng Nga ngày 9.7 cho biết lực lượng nước này vừa giành quyền kiểm soát làng Tolstoi ở vùng Donetsk phía đông Ukraine. Bên cạnh đó, phía Nga còn cho biết đã tấn công các sân bay quân sự của Ukraine.
Cùng ngày, Không quân Ukraine cáo buộc Nga đã phóng 728 máy bay không người lái (UAV) và 13 tên lửa vào Ukraine trong đêm 8.7 và rạng sáng 9.7.
Không quân Ukraine tuyên bố trên ứng dụng nhắn tin Telegram rằng hệ thống phòng không của Ukraine đã phá hủy 718 UAV và 7 tên lửa. Đây là số UAV và tên lửa cao kỷ lục mà Nga phóng vào Ukraine trong cuộc xung đột kéo dài hơn 3 năm qua, theo Reuters.
Hầu hết miền tây Ukraine được đặt trong tình trạng báo động không kích trong gần 3 giờ sau khi Không quân Ukraine cảnh báo về các cuộc tấn công bằng UAV và tên lửa.
Theo hãng truyền thông Suspilne, nhiều người đã nghe thấy tiếng nổ ở thành phố Lutsk thuộc miền tây Ukraine ngay trước 4 giờ ngày 9.7 (giờ địa phương), trong lúc có cảnh báo về UAV và tên lửa trên không. Thành phố này là một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc tấn công mới.
Thị trưởng Lutsk Ihor Polishchuk cho hay một vụ hỏa hoạn đã phá hủy một “khu công nghiệp” cũng như một gara, trong vụ ông gọi là “cuộc tấn công lớn nhất của Nga” vào thành phố kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2.2022, theo trang tin The Kyiv Independent.
Cũng theo The Kyiv Independent, các vụ nổ đã làm rung chuyển thủ đô Kyiv của Ukraine vào đầu ngày 9.7. Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko nói rằng UAV của Nga tấn công trung tâm thành phố và hệ thống phòng không đã bắn hạ các mục tiêu.
Nga tuyên bố có đột phá mới sau 3 năm xung đột ở Ukraine
2 nước NATO sẽ sản xuất mìn sát thương?
Reuters ngày 9.7 dẫn lời giới chức Phần Lan và Lithuania cho hay 2 nước này đang xem xét khả năng bắt đầu sản xuất mìn sát thương vào năm tới để cung cấp trong nước và tại Ukraine, do “mối đe dọa quân sự” từ Nga.
Hai quốc gia trên có đường biên giới với Nga và đã thông báo ý định rút khỏi Hiệp ước Ottawa năm 1997 về việc cấm sử dụng mìn sát thương. Các quan chức trên cho biết việc sản xuất có thể bắt đầu một khi hoàn tất quy trình rút khỏi hiệp ước trên, theo quy định là 6 tháng.
Ba quốc gia khác thuộc NATO và Liên minh châu Âu (EU), gồm Ba Lan, Latvia và Estonia, cũng đang rút khỏi hiệp ước, viện dẫn lý do lo ngại gia tăng về an ninh liên quan Nga vì xung đột ở Ukraine.
Ba quốc gia này chưa công bố kế hoạch sản xuất mìn sát thương, nhưng các quan chức tại Ba Lan và Latvia đã cho biết họ có thể bắt đầu sản xuất nhanh chóng nếu cần, trong khi Estonia coi đó là một lựa chọn khả thi trong tương lai.
Ukraine cũng đã thông báo rút khỏi Hiệp ước Ottawa nhằm tăng cường khả năng tự vệ trước Nga, quốc gia không tham gia hiệp ước này. Hai bên đều cáo buộc nhau sử dụng mìn sát thương trong chiến tranh.
Vatican đề xuất tổ chức hòa đàm
Hãng Reuters ngày 9.7 dẫn thông cáo của Vatican cho hay Giáo hoàng Leo XIV tiếp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và cho biết Vatican sẵn sàng chủ trì đối thoại hòa bình giữa Nga và Ukraine.
Đây là lần gặp thứ 2 với Tổng thống Ukraine kể từ khi Giáo hoàng Leo XIV bắt đầu nhiệm kỳ. Ông cũng đã thảo luận với nhà lãnh đạo Ukraine về “sự cần thiết cấp bách của một nền hòa bình công bằng và bền vững”.
Tổng thống Zelensky và Giáo hoàng Leo XIV gặp nhau tại Castel Gandolfo, một thị trấn nhỏ trên đồi gần Rome ở Ý, nơi Đức Giáo hoàng đang nghỉ phép hai tuần.
Nhà lãnh đạo Ukraine có mặt tại Ý để tham dự một hội nghị diễn ra từ ngày 10-11.7 nhằm tập trung vào công cuộc phục hồi và tái thiết lâu dài của Ukraine.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.