Tăng cường thêm phi công, trang bị chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-35 cho tàu sân bay có thể giúp hải quân Trung Quốc đạt bước ngoặt mới trong tham vọng vươn xa ở Thái Bình Dương.
Ngày 25.7, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin số lượng tuyển dụng phi công máy bay chiến đấu trên tàu sân bay của hải quân Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục trong năm 2025. Đây là nền tảng quan trọng để nước này có đủ nhân lực cho lực lượng tàu sân bay. Trước đó, tờ Hoàn Cầu thời báo cũng đưa tin sau 5 năm triển khai, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã tiến hành tổng cộng 10.000 đợt máy bay xuất kích.

Thông tin các tàu sân bay Trung Quốc
Nguồn: Tổng hợp
Từ bước tiến với chiến đấu cơ J-35
Đặc biệt, cũng trong tuần qua, tờ South China Morning Post đưa tin một số hình ảnh mới về dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-35 của Trung Quốc vừa xuất hiện trên mạng xã hội nước này.
Tấm hình cho thấy đội hình bay gồm 2 chiếc J-35 và 1 chiếc trong đó có biểu tượng “cá mập bay” (flying shark). Biểu tượng này cho thấy chiếc J-35 đã được biên chế cho hải quân Trung Quốc, nên nhiều khả năng đã được triển khai thử nghiệm cho tàu sân bay nước này. Cách đây chưa lâu, một số hình ảnh được chụp bên trong cơ sở sản xuất chiến đấu cơ của Trung Quốc cũng tiết lộ việc sản xuất hàng loạt J-35. Nếu Trung Quốc chính thức biên chế chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình J-35 cho tàu sân bay thì sẽ là đột phá quan trọng cho hải quân nước này.
Thời gian qua, Trung Quốc đã chính thức biên chế 2 tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông, đồng thời đang thử nghiệm tàu sân bay Phúc Kiến. Tuy nhiên, cả 2 tàu Liêu Ninh và Sơn Đông đều có thiết kế mũi hếch lên để chiến đấu cơ cất cánh kiểu nhảy cầu, chứ chưa được trang bị bộ phóng máy bay. Dòng chiến đấu cơ mà Trung Quốc đang triển khai cho các tàu sân bay là J-15 có trọng tải lên đến 27 tấn và tổng tải trọng tối đa khi cất cánh là 33 tấn, so với chiến đấu cơ dành cho tàu sân bay của các nước khác thì nặng hơn nhiều.

Hình ảnh 2 chiến đấu cơ J-35, trong đó 1 chiếc có biểu tượng “cá mập bay”
Ảnh: TL
Điển hình tàu sân bay Ấn Độ cũng có thiết kế nhảy cầu thì sử dụng chiến đấu cơ Mig-29 có tải trọng là 18,5 tấn và tổng tải trọng tối đa khi cất cánh là 24,5 tấn. Hay thậm chí tàu sân bay Mỹ có bộ phóng máy bay thì sử dụng dòng chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet có tải trọng 21 tấn và tổng tải trọng tối đa khi cất cánh là 30 tấn; hay mới nhất là F-35 có trọng tải 25 tấn và tổng tải trọng tối đa khi cất cánh là 31,8 tấn.
Chính vì trọng lượng quá nặng nên khi J-15 cất cánh trên tàu sân bay sẽ gặp khó khăn và mang ít vũ khí, thách thức càng lớn hơn khi Trung Quốc có ít kinh nghiệm hơn các nước trong việc vận hành tàu sân bay. Cho nên, nếu triển khai thành công J-35 có trọng tải 17,5 tấn và tổng trọng tải cất cánh 28 tấn thì khả năng tác chiến của tàu sân bay Trung Quốc sẽ được nâng lên đáng kể, nhất là đối với tàu Phúc Kiến được trang bị bộ phóng máy bay công nghệ điện từ.
Bên cạnh đó, Trung Quốc mới đây bắt đầu triển khai phiên bản chiến đấu cơ J-15D chuyên tác chiến điện tử và có khả năng cảnh báo sớm. J-15 cũng có thêm phiên bản J-15B với thiết kế 1 chỗ ngồi có trang bị hỗ trợ xuất kích bằng bộ phóng máy bay. Những động thái này giúp tăng năng lực tác chiến của tàu sân bay mạnh mẽ hơn.
Chiến đấu cơ J-35 đã gia nhập phi đội của tàu sân bay Trung Quốc?
Đến tham vọng khơi xa
Mặt khác, Bắc Kinh gần đây thể hiện rõ tham vọng tăng cường năng lực viễn chinh, vượt khỏi các giới hạn tồn tại nhiều năm qua. Vào tháng 6 vừa qua, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo vừa ghi nhận lần đầu tiên 2 nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc là Liêu Ninh và Sơn Đông hoạt động cùng lúc ở vùng tây Thái Bình Dương. Nhận định về diễn biến này, Tokyo cho rằng: “Mục đích của quân đội Trung Quốc là cải thiện khả năng hoạt động và khả năng tiến hành các hoạt động ở các khu vực xa bờ”.
Không những vậy, trong diễn biến trên, nếu như nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông chỉ tập trận gần chuỗi đảo thứ hai, thì nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đã vượt qua chuỗi đảo thứ hai để tập trận.
Chuỗi đảo thứ hai là khái niệm thuộc chiến lược chuỗi đảo. Ra đời năm 1951, chiến lược chuỗi đảo của Mỹ nhằm bao vây và ngăn chặn sức mạnh quân sự của Liên Xô lẫn Trung Quốc ở Thái Bình Dương. Chiến lược này vạch ra 3 chuỗi đảo thành 3 lớp bao vây. Sau khi Liên Xô tan rã, chiến lược chuỗi đảo vẫn đóng vai trò then chốt với quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương nhằm kiềm chế sự vươn mình của hải quân Trung Quốc.
Chính vì thế, nếu sở hữu khả năng tác chiến tàu sân bay mạnh mẽ, Trung Quốc có thể đẩy nhanh quá trình vượt ra khỏi các chuỗi đảo.
Trung Quốc tập trận đổ bộ ở Biển Đông
Hôm qua, cổng thông tin Chinamil của Quân ủy T.Ư Trung Quốc đăng tải hình ảnh cuộc tập trận vừa được Chiến khu nam của nước này thực hiện ở Biển Đông, nhưng không nêu vị trí chi tiết. Trong đó, nội dung tập trận là tàu đổ bộ đệm khí được triển khai từ tàu đổ bộ Ngũ Chỉ Sơn (987) thuộc loại Type-071 (ảnh). Hiện tại, tàu đệm khí Trung Quốc có thể đạt tốc độ tối đa lên đến 80 hải lý/giờ (khoảng 120 km/giờ), có thể mang theo xe tăng chiến đấu chủ lực cùng hàng chục binh sĩ để đổ bộ từ biển vào đất liền.

Ảnh: Chinamil
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.