Đức đặt hàng thêm tiêm kích F-35 từ Mỹ trong bối cảnh chương trình sản xuất máy bay chiến đấu chung với Pháp gặp trở ngại, còn Phần Lan chính thức bắt đầu quy trình rút khỏi hiệp ước cấm mìn chống người.

Một chiếc F-35 trình diễn tại Triển lãm Hàng không quốc tế ILA ở Berlin (Đức) hôm 5.6.2024
ẢNH: REUTERS
Tờ Politico ngày 11.7 dẫn các nguồn thạo tin cho hay Đức dự định mua thêm 15 tiêm kích F-35, nâng tổng số máy bay F-35 do Mỹ sản xuất mà nước này dự kiến sở hữu lên 50 chiếc.
Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Đức và Pháp liên quan chương trình máy bay chiến đấu chung FCAS giữa hai nước, sau một báo cáo hồi đầu tuần cho biết Pháp hiện muốn nắm giữ 80% công việc.
Reuters dẫn một nguồn tin trong ngành cho rằng yêu cầu này sẽ phá vỡ thỏa thuận phân chia công việc đã được thống nhất và có thể khiến dự án không thể bước sang giai đoạn tiếp theo.
Đơn đặt hàng của Đức cũng sẽ phù hợp với thỏa thuận giữa các đồng minh NATO nhằm nâng mục tiêu chi cho quốc phòng lên mức 5% tổng thu nhập quốc nội (GDP) trong thập niên tới.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức cho biết cơ quan này không bình luận “về các kế hoạch mua sắm tiềm năng trước khi chúng được trình lên quốc hội”.
Đức đã đặt mua 35 chiếc F-35 để thay thế tổng cộng 85 máy bay chiến đấu Tornado đã cũ kỹ và sẽ bị loại biên. Một nguồn tin quân sự cho biết con số 15 chiếc F-35 bổ sung từng nằm trong các cân nhắc trước đây, nhưng số lượng này được điều chỉnh sau khi NATO đưa ra các mục tiêu mới về vũ khí và quân số.
Trong một diễn biến khác, Bộ Ngoại giao Phần Lan tối 10.7 cho hay nước này đã thông báo với Liên Hiệp Quốc về việc rời Hiệp ước Ottawa vốn cấm sử dụng mìn chống người.
Việc rút khỏi hiệp ước sẽ có hiệu lực 6 tháng sau khi thông báo, tức là vào tháng 1.2026.
Lithuania, Latvia, Estonia, Phần Lan và Ba Lan – tất cả đều là những thành viên NATO và EU có chung biên giới với Nga – đã phê chuẩn việc rút khỏi hiệp ước, với lý do mối đe dọa quân sự ngày càng gia tăng từ nước láng giềng.
Mới đây, giới chức Lithuania và Phần Lan thông báo kế hoạch bắt đầu sản xuất mìn chống người trong nước vào năm tới để tự trang bị và hỗ trợ Ukraine.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.