‘Mẹ em bị thoát vị đĩa đệm nhiều năm nhưng không dám mổ vì sợ không khỏi. Bác sĩ cho em hỏi phương pháp phẫu thuật nội soi cột sống có hiệu quả trong điều trị thoát vị đĩa đệm không?’. (Trần Hùng, 32 tuổi, ở TP.Đà Nẵng).
Bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Hải Tâm, Khoa Ngoại thần kinh – cột sống, Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn trả lời: Phẫu thuật nội soi cột sống là phương pháp hiện đại, ít xâm lấn, ngày càng được áp dụng rộng rãi trong điều trị thoát vị đĩa đệm, nhất là với các trường hợp không còn đáp ứng với điều trị nội khoa. Đây là kỹ thuật sử dụng ống nội soi chuyên dụng với đường rạch da rất nhỏ (dưới 2 cm) và được hỗ trợ hình ảnh dưới hệ thống C-arm hiện đại, giúp tiếp cận chính xác vị trí đĩa đệm bị tổn thương để loại bỏ phần nhân nhầy chèn ép lên rễ thần kinh, đồng thời hạn chế tối đa tổn thương các mô xung quanh.
Điểm đặc biệt của phương pháp này là vết mổ nhỏ, người bệnh ít đau sau mổ, hồi phục nhanh, có thể đi lại trong 1-2 ngày, rất phù hợp với người cao tuổi hoặc có bệnh lý nền như tăng huyết áp, tiểu đường.

Phẫu thuật nội soi cột sống, điều trị thoát vị đĩa đệm tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn
ẢNH: T.H
Không phải ai bị thoát vị đĩa đệm cũng đều có thể mổ nội soi
Bác sĩ Tâm cho biết, không phải ai bị thoát vị đĩa đệm cũng đều có thể mổ nội soi. Bác sĩ chuyên khoa sẽ chỉ định phẫu thuật nội soi cột sống trong những trường hợp như:
– Thoát vị đĩa đệm gây chèn ép rễ thần kinh rõ ràng trên phim chụp MRI, biểu hiện bằng đau lan theo đường đi của dây thần kinh, gây tê bì hoặc yếu chi.
– Điều trị nội khoa kéo dài không hiệu quả: Người bệnh đã điều trị bằng thuốc, tập vật lý trị liệu, nghỉ ngơi đúng cách trong nhiều tháng nhưng không cải thiện, hoặc triệu chứng đau lưng tiến triển nặng hơn.
– Không có chống chỉ định lớn đối với phẫu thuật như: Người bệnh bị rối loạn đông máu nặng, nhiễm trùng chưa kiểm soát… Đa phần các bệnh nền thường gặp vẫn có thể phẫu thuật, nếu được kiểm soát ổn định trước phẫu thuật, như ngưng dùng thuốc chống đông máu trước khi mổ…
– Tổn thương đĩa đệm ở mức độ vừa: Chưa có biến chứng nặng như mất vững cột sống do trượt đốt sống độ lớn (độ 3 và 4) hay hẹp ống sống đa tầng.
Nội soi cột sống không chỉ giúp loại bỏ nhân đĩa đệm thoát vị, giảm chèn ép thần kinh, mà còn giúp người bệnh sớm quay lại sinh hoạt thường ngày, hạn chế nguy cơ gặp biến chứng.

Bác sĩ phân tích MRI cột sống
ẢNH: T.H
Trường hợp mẹ bạn bị thoát vị đĩa đệm nhiều năm, nếu hiện tại xuất hiện đau tăng, tê chân, đi lại khó khăn, thì việc đi khám chuyên khoa cột sống càng sớm càng tốt để đánh giá mức độ tổn thương là rất cần thiết.
Sau khi thăm khám lâm sàng và thực hiện chẩn đoán hình ảnh như MRI, bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng cụ thể để quyết định phương pháp phù hợp. Nếu mẹ bạn bị thoát vị đĩa đệm đơn thuần, chưa có biến chứng phức tạp, phẫu thuật nội soi có thể vẫn là lựa chọn hiệu quả.
Tuy nhiên, nếu kết quả cho thấy ngoài thoát vị đĩa đệm, mẹ bạn còn gặp tình trạng hẹp ống sống đa tầng, mất vững cột sống do thoái hóa nặng, trượt đốt sống độ 3-4 hoặc xẹp đốt sống, bác sĩ có thể cân nhắc các phương pháp can thiệp khác như mổ mở hoặc bắt vít qua da kết hợp ghép xương liên thân đốt – nhằm đảm bảo hiệu quả điều trị và phục hồi sau mổ.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.