Bà Trần Thị Ngọc Liên – Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 cho biết, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì lượng kiều hối về khu vực đạt trên 5,357 tỉ USD trong 6 tháng đầu năm, riêng TP.HCM (cũ) đạt 5,23 tỉ USD.
Tính riêng trong quý 2, lượng kiều hối về TP.HCM qua các tổ chức tín dụng và kinh tế đạt gần 2,82 tỉ USD, tăng 410 triệu USD, so với quý 1 (tương ứng tăng 16,9%) và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước (quý 2/2024 đạt 2,31 tỉ USD).
Xét theo thị trường, tốc độ tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ, kiều hối về từ châu Phi tăng cao nhất với 130,8%, châu Âu tăng 16%, châu Mỹ tăng 11,9%, châu Đại Dương tăng 8,9%… Châu Á tiếp tục là thị trường chiếm tỷ trọng lớn và áp đảo các thị trường còn lại. Nguyên nhân có thể do sự tăng mạnh từ các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan – nơi có nhiều lao động Việt Nam làm việc.

Kiều hối tăng trưởng tích cực
ẢNH: NGỌC THẮNG
Bà Trần Thị Ngọc Liên cho biết, ngoài TP.HCM thì lượng kiều hối về các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước (cũ) trong quý 2 đạt khoảng 127,5 triệu USD. Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu đạt hơn 27,2 triệu USD, Bình Dương hơn 53,2 triệu USD, Đồng Nai hơn 42,3 triệu USD, Bình Phước hơn 4,6 triệu USD.
Ngân hàng Nhà nước Khu vực 2 đặt tại TP. HCM, quản lý cả các tỉnh thành khi chưa sáp nhập gồm TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước từ 1.7. Sau khi tỉnh thành sáp nhập, TP.HCM (mới) gồm TP.HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương; Đồng Nai (mới) gồm Đồng Nai và Bình Phước. Như vậy, lượng kiều hối về khu vực 2 ước trên 5,357 tỉ USD. “Dòng tiền kiều hối tăng đều qua các giai đoạn đã tạo điều kiện cho phát triển kinh tế thành phố, kích cầu tiêu dùng và đầu tư, tăng nguồn cung ngoại tệ…”, bà Trần Thị Ngọc Liên cho hay.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.