Người Việt đang vẽ lại bản đồ gạo thế giới

VN đang vẽ lại bản đồ gạo thế giới với việc cho ra mắt sản phẩm “gạo phát thải thấp” từ Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

“Hạt vàng” vào thị trường khó tính nhất

Ngày 5.6.2025 là một cột mốc lịch sử của ngành hàng lúa gạo VN và thế giới khi lần đầu tiên thị trường toàn cầu xuất hiện sản phẩm “gạo phát thải thấp”. Sản phẩm này đóng dấu thương hiệu “Gạo Việt xanh phát thải thấp” từ Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 1 triệu ha) do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sản phẩm này với số lượng 500 tấn, giống gạo Japonica, giá xuất tại kho đến 820 USD/tấn, cao hơn khá nhiều so với mặt bằng chung, và đặc biệt hơn khi sản phẩm độc đáo này được xuất thẳng vào thị trường khó tính nhất thế giới là Nhật Bản.

 - Ảnh 1.

Đề án sản xuất gạo phát thải thấp đã chứng minh được hiệu quả về nhiều mặt

ẢNH: CÔNG HÂN

Sau thành công từ lô hàng đầu tiên nói trên, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ), cho biết công ty dự kiến xuất khẩu lô hàng thứ 2 qua thị trường Nhật Bản với số lượng khoảng 3.000 tấn. Ngoài ra, Trung An đang chuẩn bị “gạo Việt xanh phát thải thấp” xuất sang thị trường Úc.

Ông Bình cũng cho hay, hiện tại Đề án 1 triệu ha vẫn đang trong giai đoạn thí điểm nên sản lượng còn hạn chế, trong khi nhu cầu của thị trường rất lớn. Công ty của ông cũng đã nộp 2 dự án sản xuất gạo phát thải thấp gồm dự án có diện tích 50.000 ha ở vùng Tứ giác Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang và một dự án khác quy mô 15.000 ha trên địa bàn TP.Cần Thơ. Mục tiêu của công ty đến năm 2030 sẽ đạt quy mô 100.000 ha sản xuất lúa phát thải thấp.

“Tôi hy vọng dự án sẽ sớm được các tỉnh, thành phê duyệt khi chính quyền 2 cấp đi vào hoạt động ổn định. Hiện nay, theo tôi biết, Ngân hàng NN-PTNT cũng đã chuẩn bị sẵn tiền để hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tham gia Đề án. Việc thí điểm cũng đã chứng minh hiệu quả rõ ràng, cơ hội thị trường cũng rất lớn, đặc biệt là các thị trường cao cấp như Nhật Bản, EU, Mỹ, Úc… Thời cơ đã chín muồi lắm rồi, không cần thí điểm thêm nữa mà phải bắt tay ngay vào triển khai thực hiện”, ông Bình phấn chấn nói.

 - Ảnh 2.

Gạo A An của Tân Long tại triển lãm ngành hàng bán lẻ ở Nhật Bản

ẢNH: DNCC

Là một trong những doanh nghiệp tham gia thí điểm Đề án 1 triệu ha, ông Trần Trương Tấn Tài, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lúa gạo VN (Vinarice), bày tỏ nhiều kỳ vọng bởi gạo phát thải thấp là xu hướng tiêu dùng mới và thị trường đang mở rộng, đặc biệt ở các thị trường cao cấp. Sản phẩm này hiện chỉ duy nhất VN có, là sự khác biệt lớn để làm nên thương hiệu cho hạt gạo VN. “Chúng tôi đang đàm phán với các khách hàng châu Âu, bên cạnh việc cung cấp sản phẩm đến với người tiêu dùng ở thị trường nội địa”, ông Tài nói.

Theo Thứ trưởng Bộ NN-MT Trần Thanh Nam, vụ hè thu năm 2025, Bộ tiếp tục triển khai thêm 11 mô hình ở các vùng sinh thái khác nhau, để đánh giá kỹ quy trình canh tác bền vững và đo đếm lượng giảm phát thải. Tính chung, cả vùng ĐBSCL đã chủ động triển khai 101 mô hình thí điểm, với tổng diện tích trên 4.518 ha. Kết quả các mô hình đều có năng suất tăng từ 5 – 10%, hiệu quả kinh tế tăng từ 3 – 5 triệu đồng/ha. Tại mô hình thí điểm ở Đồng Tháp, năng suất đạt 7,1 tấn/ha, tăng 4% so với ngoài mô hình. Lợi nhuận nông dân thu được gần 28 triệu đồng/ha, tăng hơn từ 4,6 – 4,8 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, giá thành trên mỗi ký lúa trong mô hình giảm khoảng 500 đồng. Thu nhập tăng thêm từ việc bán rơm là 400.000 đồng/ha. Đặc biệt, lượng giảm phát thải trong mô hình đạt khoảng 3,13 tấn CO₂/ha/vụ.

 - Ảnh 3.

Gạo Việt xanh phát thải thấp đầu tiên của VN ra mắt thị trường thế giới

ẢNH: CÔNG HÂN

Gia tăng sự khác biệt, xây dựng thương hiệu

Với gạo phát thải thấp, VN được kỳ vọng sẽ thay đổi cục diện thị trường gạo toàn cầu. Mấy năm trước, Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới – ngưng xuất khẩu khiến nguồn cung toàn cầu khan hiếm. Thái Lan và VN đã tận dụng tốt cơ hội bằng cách gia tăng sản lượng lên mức cao kỷ lục. Tuy nhiên, từ cuối năm 2024, Ấn Độ mở kho và liên tục xả hàng làm gia tăng sức ép lên các nguồn cung khác. Bên cạnh đó, một số nước nhập khẩu lớn cũng giảm lượng khi sản xuất nội địa phục hồi. Hai yếu tố này khiến giá gạo toàn cầu lao dốc. Tính đến giữa năm 2025, thị trường vẫn trong trạng thái dư cung. Trong bối cảnh đó, Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2, bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Sản lượng xuất khẩu gạo của nước này giảm đến 30%, một số mặt hàng chủ lực có giá lao dốc xuống mức thấp nhất 2 – 3 năm qua.

Thế nhưng may mắn, VN vẫn giữ được phong độ. Trong nửa đầu năm 2025, sản lượng gạo xuất khẩu của VN lại tăng lên mức kỷ lục 4,9 triệu tấn, vượt 200.000 tấn so với cùng kỳ năm trước. Gạo VN vẫn “chắc chân” ở các thị trường truyền thống như Philippines, các nước châu Phi, Trung Quốc. Đây thật sự là một kỳ tích trong bối cảnh đầy thách thức của thị trường toàn cầu.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA), nhận định kỳ tích này có được vì gạo Việt nhiều năm qua đã tạo được sự khác biệt với phần còn lại của thế giới. Cụ thể, các bộ giống OM, ĐT của VN tạo ra sản lượng lớn, chất lượng tốt so với gạo thế giới. Vì thế, kế hoạch xuất khẩu cả năm 2025 của VN từ 7,5 – 7,9 triệu tấn thì đến thời điểm này có thể tự tin sẽ hoàn thành xuất sắc.

 - Ảnh 4.

Gạo Việt xanh, phát thải thấp đi thẳng vào Nhật Bản, thị trường khó tính nhất thế giới

ẢNH: CÔNG HÂN

Dù vậy, theo ông Nam, sản phẩm gạo VN vẫn chưa xâm nhập sâu rộng vào các thị trường cao cấp. Ngay cả thị trường quan trọng nhất là Philippines, gạo Việt vẫn chưa định vị được thương hiệu rõ ràng trong lòng người tiêu dùng. Vì thế, Đề án 1 triệu ha là chủ trương rất tốt để nâng cấp sự khác biệt của hạt gạo VN.

“Trên thế giới chưa có nước nào có một chương trình hay kế hoạch tham vọng như VN. Chính vì vậy, họ cũng rất mong chúng ta thành công để mở ra một chương mới cho ngành hàng này. Đó cũng là lý do vì sao các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) hết lòng hỗ trợ chúng ta. Hiện tại, gạo VN đã thành công ở phân khúc 550 – 600 USD/tấn với bộ giống OM và ĐT. Nhưng với Đề án 1 triệu ha, muốn thành công, chúng ta phải xác định rõ phân khúc thị trường Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Trung Quốc. Đó là những thị trường cao cấp, ở những thị trường này phải chọn giống lúa phù hợp như Japonica và ST25. Nếu chọn những giống gạo thường thì sản phẩm dù “xanh” nhưng sẽ không hợp khẩu vị người tiêu dùng, ngược lại thị trường phổ thông có thể sẽ chưa sẵn sàng. Do vậy, việc chọn giống gạo nào, xuất đi đâu là điều rất quan trọng và phải được tính toán cẩn thận”, ông Đỗ Hà Nam lưu ý.

Lấy cà phê làm minh chứng, ông Nam phân tích, nhiều năm qua các doanh nghiệp lớn đã đồng hành cùng người nông dân xây dựng cộng đồng cà phê bền vững theo tiêu chuẩn 4C. Nhờ vậy, khi thị trường đặc biệt là EU áp dụng quy định chống phá rừng (EUDR) thì VN trở thành nước đáp ứng tốt nhất. Vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu là điều mà hiện nay mọi người đều quan tâm và muốn cùng chung tay giải quyết. Chính vì vậy, nếu chúng ta làm ra một sản phẩm vừa sạch vừa xanh sẽ bắt đúng xu hướng thị trường.

 - Ảnh 5.
 - Ảnh 6.

Lúa gạo VN đang tạo nên sự khác biệt trên thị trường 

ẢNH: CÔNG HÂN

“Bản thân là chủ doanh nghiệp và Chủ tịch VFA, tôi muốn kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong ngành cùng chung tay tham gia xây dựng và phát triển Đề án 1 triệu ha. Khi nói ra điều này là tôi đã nhìn thấy lời giải, hướng ra và tương lai của thị trường. Nếu các doanh nghiệp cùng đồng lòng thì Đề án chắc chắn thành công”, Chủ tịch VFA tâm huyết.

Ông Nam cũng đánh giá, việc sáp nhập các địa phương cùng với xây dựng bộ máy chính quyền 2 cấp tạo thuận lợi trong việc quy hoạch vùng tùy theo tiềm năng lợi thế, chỗ trồng lúa, nơi nuôi tôm, cá, cây ăn trái. Đây là cơ hội để người Việt nghĩ lớn, làm lớn và tạo ra sự khác biệt nhiều hơn trên thị trường.

Tôi muốn kêu gọi các doanh nghiệp lớn trong ngành cùng chung tay tham gia xây dựng và phát triển Đề án 1 triệu ha.

Khi nói ra điều này là tôi đã nhìn thấy lời giải, hướng ra và tương lai của thị trường. Nếu các doanh nghiệp cùng đồng lòng thì Đề án chắc chắn thành công.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN (VFA)

Cần sớm hoàn thành quy hoạch 1 triệu ha

Theo ông Phạm Thái Bình, sản lượng gạo thế giới đang tăng khiến giá giảm nhưng đó là gạo phẩm cấp thấp. Ngược lại, gạo chất lượng cao thì vẫn thiếu hàng, nhất là gạo phát thải thấp từ Đề án 1 triệu ha. Do vậy, việc nâng chất lượng gạo VN từ thơm ngon sang cấp độ cao hơn sạch và xanh là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay.

“Bây giờ, nông dân cũng thấy được lợi ích và hiệu quả của Đề án 1 triệu ha nên nhiều hợp tác xã rất muốn tham gia, liên kết để ổn định đầu vào, đầu ra. Nhưng điều mà nông dân và doanh nghiệp cần hiện nay là cơ sở pháp lý, quy hoạch vùng sản xuất”, ông Bình nói.

Không chỉ các doanh nghiệp mà nhiều chuyên gia cũng đánh giá Đề án 1 triệu ha sẽ mở ra thêm nhiều cánh cửa mới cho hạt gạo VN ở các thị trường quan trọng.

TS Đào Minh Sô, Trưởng bộ môn Cây lương thực (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), khẳng định: Việc triển khai đề án đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất và phương thức chỉ đạo của địa phương. Người dân dần thay đổi quan điểm, có ý thức hơn trong việc chuyển đổi phương thức canh tác từ truyền thống sang bền vững, hướng tới giảm phát thải, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, quy trình sản xuất bền vững cũng đã chứng minh được hiệu quả kinh tế và môi trường. Việc triển khai quy trình canh tác bền vững cũng giúp chứng minh rõ ràng hiệu quả trong giảm phát thải khí nhà kính.

TS Trần Minh Hải, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo VN (VIETRISA), đề xuất cần nâng cao năng lực của hợp tác xã để mở rộng quy mô diện tích, canh tác cùng giống, cùng quy trình kỹ thuật để tạo ra quy mô sản lượng lớn. Như thế mới thu hút được doanh nghiệp, giúp liên kết bền vững hơn.

Tại cuộc làm việc ở Cần Thơ mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đề án 1 triệu ha được triển khai đầu tiên ở VN và cả trên thế giới nên cũng không tránh khỏi khó khăn. Tuy nhiên, việc triển khai đề án mang lại ý nghĩa rất lớn, không chỉ về mặt vật chất mà còn quan trọng về chính trị và giá trị tinh thần. Để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất, Thủ tướng yêu cầu các địa phương trong quý 3/2025 phải hoàn thành việc quy hoạch vùng chuyên canh 1 triệu ha lúa chất lượng cao. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành liên quan chung sức đồng lòng triển khai tốt Đề án 1 triệu ha về nhiều mặt như quy hoạch, vốn, mở cửa thị trường thông qua các hiệp định lâu dài về gạo. Đặc biệt, Bộ NN-MT rà soát và hoàn thiện quy trình canh tác giảm phát thải cho đề án; hoàn thiện và ban hành hướng dẫn về đo đạc, báo cáo và thẩm định phát thải (MRV) cho canh tác lúa chất lượng cao; xây dựng và triển khai chiến lược phát triển thương hiệu gạo Việt phát thải thấp; tham mưu đề xuất thí điểm chính sách và cơ chế chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, chính sách và cơ chế thí điểm trao đổi tín chỉ carbon cho ngành hàng lúa gạo… 

Gạo Việt được người Nhật tin dùng

Tại thị trường Nhật Bản, gạo A An của Tập đoàn Tân Long đã có mặt nhiều năm qua và được người tiêu dùng nước này đón nhận với cảm nhận “chất lượng giống như gạo nội địa”. Cuối tháng 6 vừa qua, một siêu thị ở Nhật Bản đã bán được gần 8 tấn gạo mang thương hiệu A An chỉ trong 2 ngày. Trong năm 2024, công ty đã xuất thành công vào thị trường Nhật Bản 5.000 tấn gạo với mức giá 1.000 USD/tấn. Do nhu cầu của Nhật Bản tăng vọt trong thời gian qua nên chỉ trong 4 tháng đầu năm nay công ty đã xuất tới 6.000 tấn, mục tiêu cả năm là 30.000 tấn. Sau thành công tại Nhật Bản, tháng 6 vừa qua, thương hiệu gạo A An tiếp tục chinh phục thị trường mới, chính thức đưa sản phẩm đến châu Âu như Đức, Pháp…

Nhiều nước chung tay cùng VN sản xuất “gạo phát thải thấp”

Ngoài Đề án 1 triệu ha, hiện nay một số doanh nghiệp ở ĐBSCL còn tham gia dự án “Chuyển đổi chuỗi giá trị lúa gạo ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững tại ĐBSCL (TRVC)” do Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV) phối hợp với Bộ NN-MT triển khai trong 5 năm (2023 – 2027). Dự án được tài trợ bởi Bộ Ngoại giao và thương mại Úc, được triển khai tại 3 tỉnh (cũ) có diện tích trồng lúa và sản lượng gạo lớn nhất VN là An Giang, Kiên Giang và Đồng Tháp. Có một số doanh nghiệp tham gia là Tân Long, Trung An, Vinarice, Thái Bình Seed, Vua gạo… Vụ lúa hè thu năm 2024 là vụ đầu tiên của dự án, kết quả kiểm toán cho thấy đã giảm được trên 27.000 tấn CO₂ tương đương. Hiện các doanh nghiệp này đang thực hiện vụ hè thu thứ 2.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.