Nhà đầu tư trong KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 được hướng dẫn thủ tục chính quyền 2 cấp

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3 nhanh chóng nắm bắt và vận hành hiệu quả theo cơ chế chính quyền địa phương hai cấp, sáng nay (10.7), Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã phối hợp cùng Ban Quản lý các KCN Bà Rịa – Vũng Tàu, UBND phường Tân Phước và UBND phường Tân Hải tổ chức Hội nghị “Triển khai một số hoạt động của chính quyền địa phương hai cấp”.

Hội nghị nhằm cung cấp thông tin liên quan đến các quy trình, thủ tục hành chính trong các lĩnh vực như xây dựng, quy hoạch, giao thông, cấp phép… khi thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp. Đây là những vấn đề “nóng” đang được nhiều doanh nghiệp tại KCN quan tâm trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay.

Sau sáp nhập, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của TP.HCM hoạt động thế nào? - Ảnh 1.

Hội nghị diễn ra sáng 10.7 thu hút đông đảo đại diện từ các doanh nghiệp đang hoạt động tại Khu công nghiệp Chuyên sâu Phú Mỹ 3

Nhà đầu tư nước ngoài hào hứng với chính quyền 2 cấp

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hoài Đức – Phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ đã thông tin chi tiết tới các doanh nghiệp về những thay đổi liên quan đến thủ tục hành chính và định hướng phát triển KCN sinh thái tại KCN Chuyên sâu Phú Mỹ 3.

Cụ thể trong lĩnh vực xây dựng, ông Phạm Dũng Hà – Giám đốc Marketing, Phó Ban Dự án Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ cho biết: Sau khi thực hiện chính quyền 2 cấp, chính quyền cấp xã sẽ là cơ quan trực tiếp thực hiện 5 nhiệm vụ gồm: cấp giấy phép xây dựng; chấp thuận về địa điểm xây dựng để cấp giấy phép; Chấp thuận về địa điểm, quy mô xây dựng, thời gian tồn tại của công trình tạm; Quản lý nhà nước về xây dựng;  Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng

Cấp tỉnh sẽ có trách nhiệm: Chấp thuận vị trí, hướng tuyến, tổng mặt bằng của dự án đầu tư xây dựng; Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng; Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; Thẩm định các dự án đầu tư xây dựng; Quản lý trật tự xây dựng

Về phân quyền trong lĩnh vực xây dựng, cấp địa phương cũng đã được trực tiếp thực hiện nhiệm vụ: Quyết định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư; Cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng hạng I (cho Sở Xây dựng);   Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng hạng I (cho Sở Xây dựng);  Trách nhiệm tổ chức và xét duyệt giải thưởng chất lượng công trình xây dựng (cho UBND cấp tỉnh); Đề xuất việc chuyển đổi công năng nhà ở đối với trường hợp khác (cho UBND cấp tỉnh); Chấp thuận chuyển đổi công năng nhà ở (cho UBND cấp tỉnh);  Công khai danh mục đơn vị đủ điều kiện quản lý vận hành nhà chung cư (cho Sở Xây dựng)

Bên cạnh đó, ông Phạm Dũng Hà cũng đã thông tin đầy đủ về mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các thủ tục được cắt giảm hoặc chuyển đầu mối từ Chính phủ, các Bộ xuống cấp địa phương trực tiếp. 

Tham dự Hội nghị, đại diện Công ty TNHH Hirochiku Asia Việt Nam cho biết, hiện đang trong quá trình xin cấp phép, các thủ tục hành chính để xin cấp giấy phép xây dựng. Hiện tại dự án đã có giấy phép PCCC, giấy phép môi trường, cấp phép quy hoạch 1/500. Dự án thuộc nhóm III (danh mục các dự án đầu tư). “Hiện tại TNHH Hirochiku Asia Việt Nam đang chuẩn bị xin giấy phép xây dựng. Vậy xin hỏi là công ty có được miễn giấy phép xây dựng không?”, đại diện công ty hỏi? 

Dẫn công văn phúc đáp của Cục Kinh tế – Quản lý Đầu tư xây dựng (Bộ Xây dựng) về đề nghị hướng dẫn miễn giấy phép xây dựng đối với các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng đã có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của Công ty Tosoh Việt Nam Polyurethane, đại diện Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ trả lời, trường hợp của Công ty Hirochiku Asia Việt Nam cũng được miễn giấy phép xây dựng vì đã được cấp phép quy hoạch 1/500.

Đại diện Công ty Tosoh Việt Nam Polyurethane cũng chia sẻ: “Trước đây, thời gian tiến hành và hoàn thiện các thủ tục để xin cấp phép xây dựng phải mất khoảng 13 tháng vẫn chưa xong. Nhưng với việc phân cấp chính quyền 2 cấp vừa được phía chủ đầu tư khu công nghiệp phổ biến, dự án được miễn xin cấp phép xây dựng giúp rút ngắn thời gian thủ tục xin cấp phép xây dựng dự án khiến Công ty Tosoh Việt Nam Polyurethane rất phấn khởi. “Khi được miễn giấy phép xây dựng thì chúng tôi có thể triển khai thi công ngay, tiết kiệm thời gian và chi phí cho công ty rất nhiều”, vị này nói.

Sau khi nắm được đầy đủ sự thay đổi về quy trình, thủ tục hành chính cùng các đầu mối trực tiếp quản lý các đầu việc, các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài bày tỏ rất cảm kích và phấn khởi. Không chỉ bởi giai đoạn chuyển tiếp khiến họ mang tâm lý lo lắng và lúng túng mà còn bởi những thay đổi cho thấy các thủ tục sẽ được đơn giản hóa và rút gọn hơn rất nhiều. 

Sau sáp nhập, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của TP.HCM hoạt động thế nào? - Ảnh 2.

Công ty CP Thanh Bình Phú Mỹ thông tin chi tiết về mô hình cấp xã tới các nhà đầu tư

Rút ngắn 30% thời gian, chi phí cho thủ tục

Phát biểu tại Hội nghị, ông Võ Thanh Phong – Trưởng Ban Quản lý các KCN Bà Rịa – Vũng Tàu – nhấn mạnh: Mục tiêu đề án về sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp cùng với các đề án kèm theo là những vấn đề rất hệ trọng, có tính lịch sử; không chỉ sắp xếp về tổ chức bộ máy, cán bộ và còn phân cấp về thẩm quyền, bố trí lại đơn vị hành chính, phân bổ về nguồn lực, tạo không gian phát triển. 

Đây là định hướng xây dựng chính quyền theo hướng gần dân, doanh nghiệp, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, đồng thời mở ra một cục diện mới trong phát triển thành phố, đất nước với tầm nhìn lâu dài. Việc rút gọn đầu mối giúp quá trình thẩm định, cấp phép nhanh hơn, giúp doanh nghiệp giảm thời gian làm việc với nhiều cấp, nhằm phục vụ tốt hơn nữa nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Theo chủ trương của thành phố, sau sáp nhập, Ban Quản lý các KCN Bà Rịa Vũng Tàu sẽ được hợp nhất với Ban quản lý các KCN Bình Dương, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM thành Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM. Đây sẽ là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp tại các KCN trên địa bàn TP.HCM (mới), với quy mô theo quy hoạch có 105 KCN, tổng diện tích gần 50.000 ha. Trong đó, 59 KCN đã hoạt động với tổng diện tích hơn 23.000 ha, 5.529 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư quy đổi khoảng 75 tỉ USD và tạo việc làm cho khoảng 837.000 lao động.

Sau sáp nhập, doanh nghiệp tại các khu công nghiệp của TP.HCM hoạt động thế nào? - Ảnh 3.

Ông Võ Thanh Phong – Trưởng Ban Quản lý các KCN Bà Rịa – Vũng Tàu phát biểu tại Hội nghị

ẢNH: N.A

Ông Võ Thanh Phong lưu ý: Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền ban hành Quyết định thành lập Ban Quản lý mới, Ban Quản lý các KCN Bà Rịa – Vũng Tàu đã chủ động phối hợp Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM thống nhất phương án tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính cho doanh nghiệp trên địa bàn, không để gián đoạn, đảm bảo liên tục, thông suốt. 

Đơn vị này đã được cấp tài khoản đối với hệ thống Quản lý văn bản, điều hành của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cùng phần mềm một cửa tập trung của UBND thành phố. Hiện nay, các doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia (thay cho cổng dịch vụ công của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) hoặc nộp trực tiếp tại Trung tâm phục vụ hành chính công TP.HCM cơ sở 3. Mọi thủ tục hành chính tiếp nhận từ doanh nghiệp sẽ được Ban Quản lý các KCN Bà Rịa – Vũng Tàu giải quyết theo quy định pháp luật -xử lý tập trung, một cửa. Ông Phong nhấn mạnh, các nhà đầu tư, doanh nghiệp không phải liên hệ nhiều cơ quan để triển khai các thủ tục như trước đây, nhất là các thủ tục liên quan đến quy hoạch, môi trường, và các thủ tục đều được nộp trên một cổng duy nhất, đó là cổng dịch vụ công quốc gia. Điều này sẽ giúp cho các nhà đầu tư tiết kiệm thời gian, chi phí và các thủ tục đã được rút ngắn thời gian khoảng 30% so với trước đây”. 

“Theo tôi biết, nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp rất băn khoăn sau khi sáp nhập thì khoảng cách địa lý sẽ xa hơn, khó tiếp cận hoặc không xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Song, các doanh nghiệp có thể an tâm vì khoa học công nghệ sẽ giúp chúng ta gần nhau hơn và theo chủ trương thì sẽ bố trí các cơ sở có đầy đủ thẩm quyền, có khoảng cách địa lý phù hợp để dễ dàng kịp thời hỗ trợ, xử lý các khó khăn, vướng mắc, các tình huống phát sinh thực tế trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Ban Quản lý các KCN cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương của thành phố đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp, sẵn sàng hỗ trợ, giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp và đề xuất cấp có thẩm quyền hỗ trợ giải quyết cho doanh nghiệp những vấn đề vượt thẩm quyền” – ông Võ Thanh Phong khẳng định.

 


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.