TP.HCM sẽ xây cầu vượt nhằm giảm bớt các điểm giao cắt gây ùn tắc giao thông tại vòng xoay ngã bảy Điện Biên Phủ, nút giao ngã sáu Nguyễn Tri Phương – Ngô Gia Tự và ngã tư Bốn Xã.
Với mật độ phương tiện đông đúc, các giao lộ này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn ứ, đặc biệt trong khung giờ cao điểm, khiến việc lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn và dễ xảy ra xung đột giao thông.

Ùn tắc tại nút giao ngã bảy Điện Biên Phủ – Ngô Gia Tự – Lý Thái Tổ – Lê Hồng Phong
ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Theo thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) tổ chức lập hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với ba dự án cầu vượt tại các nút giao thông lớn đang tổ chức giao thông đồng mức.
Cụ thể, tại ngã bảy nút giao giữa các tuyến đường Điện Biên Phủ – Ngô Gia Tự – Lý Thái Tổ – Lê Hồng Phong, TP sẽ xây cầu vượt bằng thép theo hướng trục đường Lý Thái Tổ, kết hợp các nhánh theo đường Lê Hồng Phong. Tổng đầu tư dự kiến khoảng 420 tỉ đồng.
Với dự án xây dựng cầu vượt bằng thép tại nút giao ngã sáu Nguyễn Tri Phương – Ngô Gia Tự, hiện Ban Giao thông đang nghiên cứu các phương án thiết kế nhằm giải quyết tối đa tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực này, đồng thời, hạn chế tác động đến các nút giao trong khu vực. Tổng mức đầu tư cụ thể sẽ được xác định sau khi hoàn tất đánh giá và lựa chọn phương án tối ưu.
Tại nút giao ngã tư Bốn Xã, trước mắt sẽ đầu tư xây dựng đảo trung tâm hình elip, kết hợp cầu vượt 4 làn xe trên trục đường Hòa Bình – Lê Văn Quới. Tổng mức đầu tư dự kiến 2.464 tỉ đồng.
Theo kế hoạch, các hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư sẽ được hoàn thiện và trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong quý 4/2025. Sau khi được cấp thẩm quyền quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, công trình dự kiến khởi công vào quý giữa năm 2027. Thời gian thi công khoảng 12 – 15 tháng.
Theo các chuyên gia, nút giao thông, điểm giao cắt chính là khởi nguồn phát sinh ùn tắc tại các đô thị lớn. Việc quy hoạch nút giao theo dạng vòng xuyến, các nút giao khác mức hay lập thể… phụ thuộc vào lưu lượng phương tiện và địa hình. Trong đó, dạng vòng xuyến là nút giao thông có cấp độ thấp nhất, phù hợp những nơi lưu lượng phương tiện thấp.
Tại hầu hết TP trên thế giới có mật độ lưu thông lớn, các nút giao đều là nút giao khác mức hoặc lập thể, thậm chí có những điểm hình thành tới 5 – 6 tầng lưu thông mới có thể hạn chế kẹt xe. Trong khi đó, ở TP.HCM, chủ yếu các nút giao đều theo dạng vòng xuyến, xe cộ lưu thông trên cùng một mặt bằng quá đông, không thể tránh khỏi ùn tắc.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.