Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM (MAUR) vừa có văn bản kiến nghị UBND TP giao nhiệm vụ và bố trí nguồn vốn để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư hai tuyến metro mới đi trên cao, kết nối trung tâm TP với khu vực Bình Dương (cũ).
Cả 2 tuyến đường sắt đô thị đều đã được tỉnh Bình Dương (cũ) nghiên cứu, trong đó tuyến kéo dài metro số 1 đã hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trình Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng thẩm định nhà nước.

Tuyến đường sắt đô thị số 1 chuẩn bị được kéo dài từ Suối Tiên đến TP mới Bình Dương
ẢNH: NHẬT THỊNH
Cụ thể, tuyến đường sắt đô thị số 1 (TP mới Bình Dương – Suối Tiên) với chiều dài 29,01 km, bắt đầu từ ga trung tâm TP mới Bình Dương và kết thúc tại ga Bến xe Suối Tiên thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên). Tuyến sẽ sử dụng chung depot Long Bình với tuyến metro số 1. Dự kiến tuyến có 17 nhà ga trên cao, tổng mức đầu tư 46.725 tỉ đồng.
Tuyến đường sắt đô thị số 2 (Thủ Dầu Một – TP.HCM) dài 21,87 km, bắt đầu từ khu vực ga S5 của tuyến đường sắt đô thị số 1, thuộc phường Phú Mỹ (TP.Thủ Dầu Một cũ) và kết thúc tại phường Vĩnh Phú (TP.Thuận An cũ). Đây là điểm sẽ kết nối với metro số 3 của TP.HCM tại khu vực Hiệp Bình Phước cũ. Dự án dự kiến có khoảng 13 nhà ga trên cao, sử dụng chung depot với tuyến metro số 3 của TP.HCM tại Hiệp Bình Phước. Tuyến này có tổng vốn đầu tư khoảng 53.000 tỉ đồng.
Ngày 24.6.2025, UBND tỉnh Bình Dương (trước sáp nhập) đã thành lập Hội đồng thẩm định nội bộ. Đến ngày 29.6, hội đồng này đã tổ chức họp và ban hành báo cáo kết quả thẩm định nội bộ đối với báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.
MAUR cho biết, theo luật Đầu tư công sửa đổi năm 2024 và luật số 90/2025/QH15 ngày 25.6, các dự án đường sắt địa phương – đặc biệt là dự án metro theo mô hình phát triển đô thị định hướng giao thông công cộng (TOD) – không còn phải thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, nếu đã nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cùng với đó, luật Đường sắt mới (số 95/2025/QH15) có hiệu lực từ 1.1.2026 cũng chính thức phân loại metro là một dạng đường sắt địa phương, phục vụ vận tải hành khách khu vực đô thị và vùng phụ cận. Theo đó, UBND cấp tỉnh được trao quyền tự quyết định đầu tư, điều chỉnh dự án metro theo trình tự nhóm A, giúp địa phương chủ động hơn trong việc triển khai các tuyến metro mới.
Hiện nay, tuyến đường sắt đô thị số 1 nối dài đã được Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định và báo cáo Chính phủ nhưng chưa trình Quốc hội; trong khi tuyến số 2 chưa thực hiện thủ tục trình quyết định chủ trương đầu tư. Do đó, không phải thực hiện quyết định chủ trương đầu tư.
MAUR kiến nghị UBND TP.HCM giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư hai dự án metro trên cho đơn vị này. Đồng thời, giao Sở Tài chính TP tham mưu bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch năm 2025. Trước mắt, MAUR đề xuất mỗi tuyến được phân bổ 10 tỉ đồng để thực hiện các bước như khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, đánh giá tác động môi trường…
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.