Vì sao hàng giả bao gồm cả thuốc, sữa giả có thể tràn lan tồn tại nhiều năm? Có phải pháp lý còn nhiều kẽ hở? – Đó là vấn đề được đặt ra tại tọa đàm “Ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thông tin giả gây hại cho doanh nghiệp” do Báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức sáng 10.7.
Phát biểu tại tọa đàm, Bác sĩ CKII Đỗ Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TP.HCM, cho biết các bệnh không lây nhiễm hiện chiếm tới 74% tổng gánh nặng bệnh tật và là nguyên nhân của 80% số ca tử vong. Trong số này tỉ lệ người bị tăng huyết áp chiếm tới 26,2%, đái tháo đường là 7,1% và mỗi năm có thêm khoảng 185.000 ca ung thư mới. Một trong những nguyên nhân của thực trạng này chính là vấn nạn thực phẩm không đảm bảo chất lượng và kể cả sữa giả, thuốc giả. Chúng có thể gây ngộ độc cấp tính, mạn tính hoặc âm thầm tích lũy độc tố gây ra các bệnh lý ác tính.

Các chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá cao những kết quả của cơ quan chức năng trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu và xâm phạm sở hữu trí tuệ
ẢNH: BTC
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Tổng biên tập Báo Pháp Luật TP.HCM, nêu thực trạng trong 2 tháng qua Thủ tướng Chính phủ liên tục ban hành Công điện và chỉ thị nhằm phát động cao điểm chống hàng giả, buôn lậu, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Bên cạnh các đợt ra quân mạnh mẻ, vấn đề nằm ở cơ chế pháp lý còn bất cập, hành lang kiểm soát còn lỏng lẻo. Ông nêu ví dụ về cơ chế tự công bố sản phẩm vốn nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng đang bị một số đối tượng lợi dụng để đưa hàng kém chất lượng vào thị trường.
Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm (công ty luật) dẫn chứng thủ đoạn nguy hiểm hiện nay là việc một cá nhân hoặc tổ chức cố tình đăng ký các nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một thương hiệu đã có uy tín trên thị trường. Khi được cấp văn bằng bảo hộ, họ quay ngược lại khởi kiện chính doanh nghiệp thật xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ mà họ nắm giữ trên giấy tờ.
Vấn đề, nằm ở khoảng trống của Luật Sở hữu trí tuệ vận hành theo nguyên tắc “nộp đơn trước được quyền trước” (first-to-file). Việc chỉ dựa vào thời điểm nộp đơn mà bỏ qua yếu tố sử dụng thực tế đang vô tình gây bất lợi cho doanh nghiệp thay vì bảo vệ sự sáng tạo và uy tín của thương hiệu. Nguyên tắc này tỏ ra bất cập khi một thương hiệu đã được sử dụng ổn định và được người tiêu dùng biết đến rộng rãi nhưng lại chậm chân trong việc đăng ký.
“Trong trường hợp này, hệ thống pháp luật của Mỹ áp dụng nguyên tắc “sử dụng trước có quyền trước” (first-to-use) để chống lại tình trạng chiếm chỗ hợp pháp một cách phi đạo đức. Ngoài ra phải tăng cường giám sát động cơ của các chủ thể đăng ký hàng loạt nhãn hiệu ăn theo để ngăn chặn hành vi đầu cơ, chiếm đoạt”, ông Tú nêu giải pháp.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.