Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm đạt kết quả ấn tượng, đạt gần 68% dự toán. Đây là nền tảng vững chắc nhằm thực hiện nhiệm vụ chi và cân đối vĩ mô đến cuối năm.
Thu thuế nội địa, thu tiền sử dụng đất… tăng vọt
Báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy 6 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 1,332 triệu tỉ đồng, tương đương 67,7% dự toán và tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong cơ cấu, thu nội địa chiếm phần lớn, đạt 1,158 triệu tỉ đồng, bằng 69,4% dự toán và tăng 33,3% so cùng kỳ. Cụ thể, thu tiền sử dụng đất đạt gần hoàn thành dự toán và tăng mạnh 167%; Thu cổ tức, lợi nhuận của Ngân hàng Nhà nước cũng vọt tăng hơn 45%, đạt đến 82,5% dự toán. Ngoài ra, các khoản thu khác như thu thuế thu nhập doanh nghiệp đã bằng 73,5% dự toán, trong đó có sự đóng góp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tăng 84%; thu tiền thuê đất tăng gần 46%… Bên cạnh đó, khoản thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng đáng kể trong nửa đầu năm nay.

Thu ngân sách tăng mạnh nhờ thu nội địa tăng
Ảnh: Nhật Thịnh
Bộ Tài chính cho biết nhiều khoản thu lớn liên quan chuyển nhượng bất động sản; nhiều địa phương tích cực triển khai các giải pháp về thẩm định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng và đấu giá đất từ cuối năm 2024, giúp khoản thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản, thu tiền thuê đất… tăng mạnh trong 6 tháng qua.
Chỉ riêng tại Hà Nội, trong 6 tháng, thu tiền sử dụng đất chạm mức 74.000 tỉ đồng, tăng gấp 7 lần so cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng vọt này chủ yếu đến từ khoản tiền sử dụng đất của hàng loạt dự án bất động sản lớn với số tiền sử dụng đất lên hàng trăm ngàn tỉ đồng. Tiêu biểu nhất là Tập đoàn Vingroup đã nộp hơn 12.000 tỉ đồng cho dự án Vinhomes Wonder City Đan Phượng; Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long đã nộp gần 13.600 tỉ đồng cho dự án khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra); Công ty CP đầu tư phát triển thành phố thông minh Bắc Hà Nội đã nộp gần 10.000 tỉ đồng cho dự án thành phố thông minh; Tổng công ty CP đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam cũng đã nộp hơn 4.900 tỉ đồng cho dự án trung tâm thương mại và căn hộ tại ô A1-2 khu đô thị mới Cầu Giấy; Công ty CP đầu tư DIA nộp hơn 4.600 tỉ đồng cho dự án khu đô thị Sunshine Grand Capital; Công ty CP bất động sản JS nộp hơn 2.400 tỉ đồng cho dự án khu đô thị Bắc Cổ Nhuế – Chèm…
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và hoạt động kinh doanh khởi sắc giúp đẩy số thu thuế doanh nghiệp tăng tích cực. Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long nhận xét: Thu ngân sách nhà nước tăng hơn 33% trong nửa đầu năm so cùng kỳ, mức tăng cao nhất trong 3 năm qua trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định là dấu hiệu phục hồi tích cực.
Đáng chú ý, việc thu nội địa chiếm đến 87% tổng thu cho thấy cơ cấu thu ngân sách ngày càng bền vững, giảm phụ thuộc vào các nguồn thu biến động như dầu thô hay thuế xuất nhập khẩu. Các khu vực doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và dịch vụ đều có mức tăng trưởng thu thuế trên 30%, phản ánh mức độ phục hồi rộng khắp của nền kinh tế thực.
“Số thu tăng tích cực nhờ vào sự ổn định vĩ mô và cải cách quản lý tài khóa tốt; chính sách giảm, giãn thuế… hiệu quả. Bằng chứng là GDP 6 tháng đầu năm tăng cao hơn kỳ vọng và là mức cao nhất trong vòng 4 năm. Đáng lưu ý, công tác chuyển đổi số trong quản lý thuế – hải quan đóng vai trò quan trọng, tạo cơ sở khoa học để tăng thu, giảm thất thu… nhất là trong các lĩnh vực vốn “khó nhằn” như chuyển nhượng bất động sản hay thương mại điện tử”, ông Long nhấn mạnh.
Đẩy mạnh kích cầu, giải ngân đầu tư công…

PGS-TS Ngô Trí Long lưu ý, dù tích cực song cũng cần nhận diện những rủi ro tiềm ẩn về tính bền vững trong thu ngân sách. Đó là tốc độ tăng thu một phần nhờ kết quả từ năm 2024 đưa sang hay một số yếu tố khó ổn định trong dài hạn như thu chuyển nhượng bất động sản, dầu thô hay cổ tức doanh nghiệp nhà nước. Bên cạnh đó, thu từ khu vực FDI chỉ tăng ở mức 8 – 10% cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thận trọng và ảnh hưởng từ căng thẳng thương mại, biến động chuỗi cung ứng. Khu vực doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ còn gặp khó khăn về vốn và thị trường tiêu thụ, khả năng đóng góp thuế hạn chế…
Thế nên, để bảo đảm đạt mục tiêu thu ngân sách nhà nước từ nay đến cuối năm, chuyên gia này đưa ra 5 nhóm giải pháp chiến lược. Trong đó, nhấn mạnh kích cầu nội địa, cải cách thủ tục đầu tư công; đẩy mạnh chống chuyển giá, trốn thuế; mở rộng thu từ kinh tế số, tài sản số, giao dịch xuyên biên giới; cải cách chính sách thuế và ưu đãi thuế; tăng huy động từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước… Đây là nguồn thu quan trọng, nhưng đang chững lại do vướng mắc về định giá, pháp lý.
Cũng có chung nhận định về tỷ lệ nguồn thu ngân sách ngày càng bền vững, giảm dần phụ thuộc vào xuất khẩu hay biến động thị trường thế giới, TS Nguyễn Quốc Việt, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách – Trường đại học Kinh tế – Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng chúng ta vẫn còn nhiều dư địa trong nước cần tận dụng để thúc đẩy đà tăng trưởng, qua đó, giúp tăng thu ngân sách đáng kể.
Trước hết, cần đẩy mạnh giải ngân đầu tư công để đạt mục tiêu 100% theo kế hoạch Thủ tướng giao năm nay, bằng cách tập trung vào các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia như cao tốc, sân bay, cảng biển, đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
Thứ hai, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa. Chẳng hạn, trong quý 1, tiêu dùng nội địa tăng 7,45% vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch khoảng 10%. Thứ 3, tiếp tục hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân phát triển như định hướng hiện nay bằng cách tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khơi thông nguồn vốn cho kinh tế tư nhân thông qua những gói tín dụng phù hợp, kênh huy động vốn… thúc đẩy doanh nghiệp phát triển và lớn mạnh.
“Có một điểm đáng ghi nhận mà theo tôi, giúp nguồn thu ngân sách tăng tích cực, đó là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp được củng cố mạnh mẽ nhờ loạt chính sách cải cách thể chế và môi trường kinh doanh. Các cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện “3 giảm”, giảm chi phí tuân thủ, điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính; chuyển mạnh từ cấp phép sang công bố điều kiện kinh doanh, tăng số hóa và tiến đến 100% thủ tục liên quan đến doanh nghiệp trực tuyến vào cuối năm nay”, TS Nguyễn Quốc Việt nhận xét.
Để hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao, từ nay đến cuối năm 2025, Bộ Tài chính cho biết sẽ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu, gian lận thuế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương xây dựng cơ sở dữ liệu, kiểm soát giá cả, quản lý thương mại điện tử, chống buôn lậu, hàng giả để tạo môi trường kinh doanh công bằng, thu hút đầu tư và nâng cao nguồn thu ngân sách.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.