“Báo chí ta không phải để cho một số ít người xem, mà để phục vụ nhân dân, để tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu” – lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước, đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Trong bối cảnh cảnh truyền thông hiện đại, tinh thần báo chí cách mạng giờ đây không chỉ sống trong những người cầm bút chuyên nghiệp, mà còn lan tỏa trong mỗi thanh niên – với vai trò là công dân số – có thể tiếp nối và phát huy bằng chính tư duy, hành động, ngôn ngữ và công cụ của thời đại.
Tinh thần báo chí cách mạng – từ truyền thống đến hiện đại
Ngày 21.6.1925, báo Thanh Niên ra đời tại Quảng Châu (Trung Quốc), đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp truyền bá tư tưởng cách mạng vào Việt Nam. Dưới sự dẫn dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, tờ báo không chỉ thông tin, tuyên truyền đường lối mà còn thức tỉnh lý tưởng, khơi dậy khát vọng đổi thay ở lớp thanh niên yêu nước thời bấy giờ.

Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra báo Thanh Niên – cơ quan ngôn luận của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên
ẢNH TƯ LIỆU
Từ đây, báo chí cách mạng luôn giữ vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, trở thành dòng chảy song hành với mọi bước tiến của dân tộc: từ cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đến công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế.
Báo chí cách mạng không chỉ làm nhiệm vụ phản ánh, mà còn định hướng, dẫn dắt và đấu tranh. Đó là tinh thần dấn thân vì sự thật, vì lợi ích chung của nhân dân – một tinh thần mà người làm báo chân chính luôn giữ vững. Và cũng chính từ đây, hình mẫu nhà báo cách mạng dần được khắc họa: Bản lĩnh – Trung thực – Trách nhiệm – Nhân văn.
Ngày nay, báo chí tiếp tục đổi mới, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, mở rộng nền tảng truyền thông. Nhưng điều không đổi chính là tinh thần dấn thân vì sự thật, vì nhân dân, vì lợi ích của dân tộc. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong suốt 100 năm lịch sử báo chí cách mạng.
Thanh niên thời đại số – viết tiếp tinh thần cách mạng bằng hành động và trách nhiệm
Trong thời đại bùng nổ công nghệ, mạng xã hội đã biến mỗi người trẻ thành một “người làm báo công dân”. Từ một dòng trạng thái, một video, một bài viết… các bạn trẻ có thể tạo nên sức lan tỏa không nhỏ, ảnh hưởng đến nhận thức xã hội.
Nhưng cũng chính từ không gian ấy, mặt trái của tin giả, thông tin độc hại, xu hướng “câu view bằng mọi giá” ngày càng phổ biến. Trách nhiệm đặt lên vai thanh niên không chỉ là sử dụng mạng xã hội thông minh, mà còn là hành xử tử tế, truyền thông có trách nhiệm và sống trung thực.
Nhiều bạn trẻ đã và đang làm được điều đó bằng cách kể chuyện lịch sử theo lối mới, lan tỏa điều tích cực, lên tiếng cho lẽ phải, xây dựng nội dung giáo dục, truyền cảm hứng khởi nghiệp, phát triển cộng đồng… Những điều tưởng nhỏ ấy lại chính là cách viết tiếp tinh thần báo chí cách mạng theo cách của thời đại.

Sinh viên Trường đại học Mở TP.HCM với công trình “Bức tường bích họa” tại Trường Tiểu học Tân Lân – Cần Đước – Long An (2024)
ẢNH TƯ LIỆU
Không cần phải có thẻ nhà báo, chỉ cần có trái tim vì sự thật, vì cái đẹp và cái đúng – bạn trẻ hôm nay hoàn toàn có thể trở thành người gìn giữ và tiếp nối giá trị báo chí cách mạng, bằng chính ngôn ngữ, hành động và năng lực của mình.
Thanh niên hôm nay có thể viết tiếp tinh thần báo chí cách mạng bằng: việc sống trung thực, tôn trọng sự thật và phản biện có trách nhiệm; nói lời tử tế, chia sẻ thông tin tích cực, đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc; hành động vì cộng đồng, lan tỏa những câu chuyện truyền cảm hứng, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc; kiến tạo giá trị mới, đưa công nghệ, truyền thông, sáng tạo vào phục vụ giáo dục, môi trường, văn hóa, khởi nghiệp…

ẢNH TƯ LIỆU
Kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, không chỉ là dịp để mỗi chúng ta bày tỏ sự tri ân đối với các thế hệ nhà báo chân chính, tự hào về truyền thống báo chí phụng sự nhân dân – vì chân lý, vì công lý, vì tương lai dân tộc, mà còn là lời hiệu triệu mọi người, nhất là thế hệ trẻ cùng bước tiếp trên con đường đã được khởi dựng bằng lý tưởng cao đẹp. Tinh thần báo chí cách mạng hôm nay cần được viết tiếp không chỉ trên mặt báo, mà trong đời sống số, trong từng hành động nhỏ vì cộng đồng, trong từng nội dung tử tế lan tỏa mỗi ngày.
Nếu thanh niên Việt Nam hôm nay cùng thắp lửa khát vọng, trách nhiệm và bản lĩnh – thì tinh thần báo chí cách mạng sẽ không chỉ sống mãi, mà còn tỏa sáng mạnh mẽ hơn trong hành trình dựng xây đất nước hùng cường, văn minh, nhân ái.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.