Với định hướng phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, Tây Ninh đang tập trung quy hoạch, xây dựng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, thông minh và xanh.
Hàng chục khu công nghiệp sẵn sàng thu hút đầu tư
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh đã quy hoạch 46 khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích hơn 13.971 ha. Trong đó, 28 KCN đã hoàn thiện hạ tầng và đang thu hút nhà đầu tư; 4 KCN cùng 7 KCN thành phần đang xây dựng hạ tầng; 14 KCN được phê duyệt chủ trương đầu tư và đang giải phóng mặt bằng; 18 KCN còn lại đang trong giai đoạn lập quy hoạch và hoàn thiện thủ tục pháp lý.

Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có rất nhiều khu công nghiệp lớn đã đi vào vận hành
ẢNH: THANH QUÂN
Tây Ninh cũng có 3 khu kinh tế (KKT) cửa khẩu lớn gồm Mộc Bài, Xa Mát và Long An (tại khu vực sáp nhập với tỉnh Long An cũ), với tổng diện tích quy hoạch hơn 68.500 ha. Đây là động lực phát triển công nghiệp hỗ trợ, logistics, thương mại biên giới và tăng cường liên kết vùng với TP.HCM và Campuchia.
Tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đã thành lập đạt 68,8%, với hơn 4.697 ha đất công nghiệp đã được cho thuê. Hiện tỉnh còn hơn 1.000 ha đất sạch sẵn sàng tiếp nhận đầu tư. Giá thuê đất dao động từ 80 – 275 USD/m² cho cả thời gian thuê, được đánh giá là cạnh tranh so với khu vực lân cận.

Việc đẩy mạnh hạ tầng giao thông đã giúp tỉnh phát triển các khu công nghiệp tốt hơn
ẢNH: THANH QUÂN
Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các KCN tiếp tục được đầu tư đồng bộ, gồm giao thông, điện, cấp thoát nước và xử lý nước thải. Các dự án nâng cấp đường kết nối cửa khẩu, xử lý môi trường và xây dựng các tuyến chính trong KKT Mộc Bài cũng đang được triển khai, góp phần nâng cao năng lực phục vụ sản xuất và logistics.
Đột phá trong thu hút đầu tư
Trong 6 tháng đầu năm 2025, Tây Ninh thu hút 100 dự án đầu tư mới, gồm 75 dự án FDI và 25 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký gần 650 triệu USD và 6.500 tỉ đồng. Đồng thời, có 102 dự án điều chỉnh tăng vốn, với tổng vốn bổ sung hơn 183 triệu USD và 732 tỉ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã cấp phép trên 2.400 dự án, tổng vốn FDI đạt gần 17,5 tỉ USD và vốn trong nước hơn 173.000 tỉ đồng.

Các khu công nghiệp giúp thu hút đầu tư và giải quyết việc làm cho lao động địa phương
ẢNH: THANH QUÂN
Tỉnh hiện tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế biến – chế tạo, công nghiệp sinh thái, logistics và dịch vụ hỗ trợ hiện đại. Các khu công nghiệp cũng đang được định hướng phát triển theo mô hình xanh, thông minh, ứng dụng công nghệ số trong quản lý và vận hành.
Tính đến tháng 6.2025, có khoảng 2.080 doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN, sử dụng hơn 344.000 lao động. Tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt: chỉ 2,93% lao động có trình độ đại học, trong khi nhu cầu tuyển dụng ở nhóm này chiếm hơn 9%. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo vẫn ở mức cao (59,06%), gây áp lực trong việc nâng cao năng suất và chất lượng.

Siêu dự án đưa nước tưới vượt sông Vàm Cỏ Đông đã góp phần giúp công nghiệp Tây Ninh phát triển
ẢNH: THANH QUÂN
Trước thực trạng đó, tỉnh đẩy mạnh phối hợp với các cơ sở giáo dục – đào tạo để cung ứng nhân lực phù hợp. Đồng thời, chú trọng cải thiện đời sống người lao động qua các chương trình chăm lo nhà ở, văn hóa – tinh thần, điều chỉnh lương tối thiểu định kỳ… nhằm ổn định quan hệ lao động trong KCN.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý KKT tỉnh Tây Ninh, trong 6 tháng cuối năm 2025, tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng, hỗ trợ nhà đầu tư hoàn tất thủ tục pháp lý, tăng tốc lập quy hoạch chi tiết các KKT như Mộc Bài và Xa Mát, tạo quỹ đất đồng bộ để đón làn sóng đầu tư mới. Đồng thời, Tây Ninh cũng sẽ nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và kiểm soát môi trường trong các KCN.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.