Tăng trưởng 'thần tốc', người Trung Quốc ăn tôm cá số 1 của Việt Nam

Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành những người ăn tôm, cá số 1 của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025.

Chi mạnh cho tôm hùm, tôm sú

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong nửa đầu năm 2025 điểm nổi bật trong bức tranh xuất khẩu tôm cá của Việt Nam chính là sự tăng trưởng “thần tốc” của thị trường Trung Quốc. Thị trường 1,4 tỉ dân đạt kim ngạch 1,1 tỉ USD, tăng trưởng 45% so với nửa đầu năm 2024 và đứng đầu trong số các thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam.

Tăng trưởng 'thần tốc', người Trung Quốc ăn tôm cá số 1 Việt Nam  - Ảnh 1.

Vượt qua Mỹ, Trung Quốc trở thành thị trường tiêu thụ thủy sản Việt Nam nhiều nhất

ẢNH: CHÍ NHÂN

Thị trường Mỹ tuy tăng trưởng tới 17,5% nhưng với kim ngạch 905 triệu USD đứng thứ 2. Thị trường Mỹ tăng mạnh trong những tháng đầu năm nhưng từ tháng 5 và 6 bắt đầu giảm vì các chính sách thuế.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trong 6 tháng đầu năm 2025 xuất khẩu thủy sản đạt gần 5,2 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước. Ba thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc chiếm thị phần 20%, Mỹ 18% và Nhật Bản 15%. Đáng chú ý, trong nhóm 15 thị trường xuất khẩu lớn chính, Brazil tăng trưởng mạnh nhất với 71%.

Trong những tháng đầu năm nay, thị trường Trung Quốc tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở một số mặt hàng như tôm hùm, tôm sú do những sản phẩm này có giá trị cao phù hợp làm quà biếu trong các dịp lễ hội. Trung Quốc cũng là thị trường tiêu thụ cua ghẹ lớn nhất Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cua ghẹ vào Trung Quốc tăng 71% so với cùng kỳ, đạt gần 80 triệu USD. Bên cạnh đó là các sản phẩm có giá thành cạnh tranh như cá tra.

Sức tiêu thụ mạnh nhưng cạnh tranh cao

Ông Trần Anh Khoa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) cho biết, những mặt hàng giá trị thấp Trung Quốc nhập về để chế biến xuất khẩu sang nước thứ 3 có nhiều biến động. Nhìn chung, sức tiêu thụ của thị trường tỉ dân này luôn duy trì mức cao, do người dân Trung Quốc có khả năng ăn khỏe và thu nhập bình quân ngày càng tăng. Đối với họ, tôm, đặc biệt là tôm sú, có chất lượng cao và màu sắc đẹp nên được ưa chuộng trong các dịp lễ hội, sum họp gia đình. Một hai tháng gần đây, thị trường trầm lắng do qua mùa cao điểm, kinh tế tăng trưởng chậm lại. Nhưng hiện thị trường dần ấm lên khi các doanh nghiệp nhập khẩu chuẩn bị khởi động cho mùa lễ hội Tết Trung thu sắp đến và sau đó là cao điểm mùa mua sắm cuối năm.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Anh Thư – Giám đốc Công ty TNHH thủy sản và thương mại tổng hợp Thành Nhơn (TP.HCM), chuyên xuất khẩu tôm hùm thông tin: Trong những tháng đầu năm, xuất khẩu tôm hùm vào Trung Quốc tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, vài tháng gần đây đã chậm lại vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, ảnh hưởng của kinh tế khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu. Thứ hai, nguồn hàng từ các nước tập trung về Trung Quốc nên cạnh tranh quyết liệt đặc biệt về giá nên thị trường đang khó khăn. Tuy nhiên, hy vọng là khi mùa Tết Trung thu sắp đến, thị trường sẽ phục hồi.

Theo VASEP, so với các nguồn cung khác như Ecuador và Ấn Độ, thì Việt Nam có lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển, quan hệ thương mại ổn định và độ tin cậy cao về chất lượng, có thể tận dụng thời điểm này để mở rộng thị phần tại Trung Quốc. Bên cạnh cơ hội, các doanh nghiệp cũng cần lưu ý các rủi ro về biến động tỷ giá, các biện pháp kiểm soát kỹ thuật nhập khẩu nghiêm ngặt hơn, hoặc thiên hướng ưu tiên tiêu dùng hàng nội địa vì Trung Quốc cũng là một nhà sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.