Thị trường bất động sản nửa năm 2025 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của mặt bằng kinh doanh ẩm thực, bán lẻ trong khi bất động sản ngành khách sạn lưu trú vẫn “đứng hình”.
Theo báo cáo vừa được công bố của Savills, đơn vị chuyên quản lý và tư vấn dịch vụ bất động sản Việt Nam, trong nửa đầu năm 2025, thị trường bán lẻ hiện đại tại TP.HCM vẫn có quy mô nhỏ, với tổng diện tích cho thuê thuần (NLA) khoảng 1,6 triệu m². Nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại hiện vẫn còn hạn chế, thị trường chỉ ghi nhận thêm 5.000 m² NLA từ các dự án hiện hữu. Tuy nhiên, nhu cầu và hiệu suất thị trường đối với loại hình bất động sản này vẫn duy trì ổn định với tỷ lệ lấp đầy cao đạt 93% và giá thuê tầng trệt trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/m²/tháng.

Hiệu suất cho thuê mặt bằng kinh doanh tại các trung tâm thương mại vẫn duy trì ổn định với tỷ lệ lấp đầy cao đạt 93% và giá thuê tầng trệt trung bình khoảng 1,5 triệu đồng/m²/tháng.
ẢNH: QUANG THUẦN
Các giao dịch thuê mới chủ yếu đến từ nhóm ngành giải trí, phong cách sống và đồ gia dụng. Việc xuất hiện của các thương hiệu mới như Oh!Some, HOKA, Lee cùng với sự mở rộng của các chuỗi như Muji, Zara và H&M tại các trung tâm thương mại. Các bất động sản bán lẻ hạng sang tại khu vực trung tâm tiếp tục ghi nhận tỷ lệ trống thấp, trong khi nguồn cung tương lai vẫn hạn chế, chỉ khoảng 100.000 m² NLA dự kiến được bổ sung trong 3 năm tới. Nhờ nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ và tầng lớp trung lưu đang mở rộng, thị trường dự kiến sẽ tiếp tục duy trì sự ổn định trong ngắn hạn.
Tại Hà Nội, thị trường bán lẻ giữ ổn định trong nửa đầu năm 2025 với tỷ lệ lấp đầy đạt 86%, trong khi giá thuê trung bình tầng trệt tăng lên 1,3 triệu đồng/m²/tháng. Hoạt động cho thuê chủ yếu được thúc đẩy bởi các ngành hàng ẩm thực (F&B) và cửa hàng tiện lợi, với sự xuất hiện của các thương hiệu mới như Oh!Some và 7-Eleven, cùng với việc mở rộng chuỗi từ các thương hiệu như Muji, Starbucks và Dzinh. Mặt bằng bán lẻ cao cấp tại khu trung tâm vẫn duy trì tỷ lệ trống thấp, trong khi nguồn cung mới trong 3 năm tới khá hạn chế, chỉ khoảng 10.600 m² diện tích sàn cho thuê thuần.

Thị trường khách sạn lưu trú vẫn chưa bổ sung thêm nhiều dự án mới, công suất hoạt động phòng trung bình tại TP.HCM và Hà Nội từ 60 – 70%
ẢNH: MARRIOTT
Trong khi bất động sản phục vụ thị trường bán lẻ được dự báo sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định thì bất động sản lĩnh vực khách sạn lưu trú lại đang trầm lắng. Theo báo cáo của Savills, nguồn cung khách sạn tại TP.HCM trong quý 2/2025 gần như không thay đổi, duy trì ở mức 16.622 phòng do không có dự án mới tham gia thị trường. Xu hướng nâng cấp và tái định vị các khách sạn hiện hữu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Quý 2/2025 thường là mùa thấp điểm của ngành du lịch, công suất phòng trung bình đạt 60%, với giá phòng trung bình là 77 USD/phòng/đêm. Nguồn cung tương lai tại TP.HCM cũng dự báo khá hạn chế, chỉ tăng hơn 200 phòng mới đến năm 2027.
Tại Hà Nội, nguồn cung khách sạn đạt 10.986 phòng từ 66 dự án, giảm nhẹ 1% theo quý và theo năm. Trong 6 tháng cuối năm 2025, dự kiến sẽ có bốn khách sạn mới cung cấp thêm 1.138 phòng, bao gồm ba khách sạn 5 sao và một khách sạn 4 sao. Công suất phòng trung bình đạt 72%, với giá thuê phòng trung bình 108 USD/phòng/đêm.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.