Theo lộ trình chuyển đổi 400.000 xe máy xăng sang xe điện đối với xe công nghệ và giao hàng tại TP.HCM sẽ diễn ra trong 4 giai đoạn, kết thúc vào cuối năm 2029. Nguồn điện của TP có đủ đáp ứng cho kế hoạch này hay không là mối quan tâm của nhiều người.
Chỉ chiếm hơn 1% mức tiêu thụ toàn TP
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC), khẳng định ngành điện TP chắc chắn và phải bằng mọi cách bảo đảm cung ứng đủ nguồn theo yêu cầu của người tiêu dùng. Nếu giả định mỗi xe cần sạc 2 – 3 kWh/ngày, 400.000 xe sẽ tiêu thụ khoảng 1 – 1,2 triệu kWh/ngày, chỉ chiếm khoảng 1,3 – 1,5% tổng mức tiêu thụ điện hằng ngày của toàn TP. “Ngành điện hoặc đơn vị bán lẻ sẽ xây dựng hệ thống quản lý vận hành nguồn sạc, đề xuất chính sách, hành lang pháp lý cho chương trình sạc xe điện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tạo hành lang pháp lý để có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà đầu tư trạm sạc; hỗ trợ các bên tham gia quá trình chuyển đổi; giải pháp sử dụng tối ưu các nguồn điện, có chính sách hỗ trợ ngành điện đào tạo chuyên gia, xây dựng hệ thống vận hành, quản lý nguồn điện cho sạc”, ông Kiên cho biết.

Theo các chuyên gia, nguồn năng lượng tái tạo dồi dào sẽ giúp giải quyết nhu cầu tăng
ẢNH: Đào Ngọc Thạch
Dù vậy theo ông Kiên, người đi xe điện (sạc điện) nên lựa chọn thời điểm sạc, tránh dồn một thời điểm gây quá tải cục bộ, chủ động sạc từ những khu vực có nguồn điện mặt trời (ĐMT). Đại diện EVNHCMC cũng lưu ý khi công suất trạm sạc lớn, việc cấp điện cho từng vị trí có thể sẽ gặp khó khăn, thách thức, đặc biệt tại những khu vực đã ngầm hóa.
Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS), chất lượng và độ tin cậy cung cấp điện năng tại TP.HCM liên tục được nâng cao qua mỗi năm. Đây cũng là địa phương có tiềm năng phát triển ĐMT, đặc biệt là ĐMT mái nhà rất lớn do điều kiện địa lý nằm trong khu vực nhận bức xạ mặt trời mạnh và thường xuyên. Từ năm 2016, có 15 dự án khác nhau về dịch vụ năng lượng mới đã được EVNHCMC triển khai. Trong các năm 2018 và 2020, tổng công suất lắp đặt ĐMT của TP đều cao hơn so với mục tiêu được đề ra. Hiện nay, trong nguồn năng lượng tái tạo của lưới điện TP.HCM, hệ thống ĐMT đang chiếm tỷ trọng rất cao. Hệ thống ĐMT mái nhà cũng đang chiếm khoảng 7% công suất trung bình của hệ thống điện TP, nhưng chủ yếu sử dụng vào mục đích dân dụng. Một phần công suất phát ra từ hệ thống ĐMT này sẽ được hấp thụ tại chỗ, phần còn lại sẽ được đưa vào lưới điện chung của TP.
Áp lực nguồn điện không quá lớn
Chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cũng cho rằng chủ trương chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện là điều bắt buộc phải làm theo lộ trình, theo xu hướng thế giới và cam kết của VN với thế giới, tiến đến net zero. Trung Quốc chuyển đổi xe xăng sang xe điện bắt đầu từ lõi trung tâm các TP lớn rồi lan ra toàn TP, với nguồn kinh phí được hỗ trợ từ chính phủ. “Nếu phát triển theo lộ trình, áp lực về nguồn sẽ không lớn, đặc biệt tại các địa phương đang có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào như TP.HCM nói riêng và khu vực miền Nam, miền Trung nói chung”, ông Lâm nhận định. Dù vậy, nhu cầu về nguồn không phải là câu chuyện của TP.HCM mà là cả nước. Theo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh, đến năm 2030 tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước dự kiến đạt 183.291 – 236.363 MW, tăng khoảng 30 – 50% so với mức 150.489 MW của bản quy hoạch cũ. Trong cơ cấu này, năng lượng tái tạo tiếp tục được ưu tiên mở rộng với điện gió và ĐMT. Đặc biệt, Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đã nâng chỉ tiêu với ĐMT lên 46.459 – 73.416 MW, so với mức 20.000 MW khi chưa điều chỉnh quy hoạch.
“Trước mắt, chúng ta có nguồn điện tái tạo khá dồi dào, đặc biệt tại các dự án đang bị vướng mắc sau kết luận của Thanh tra Chính phủ. Vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xử lý gỡ vướng cho các dự án này, tôi nghĩ phải nhanh chóng khắc phục khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện gió, ĐMT để nguồn điện sớm được đưa vào hệ thống, đủ để phục vụ phát triển kinh tế, trong đó có việc chuyển đổi xe điện. Phải sớm giải quyết vướng mắc để tăng nguồn điện tái tạo vào phục vụ phát triển kinh tế”, ông Ngô Đức Lâm đề xuất.
HIDS cũng nhận định lưới điện TP.HCM cơ bản đã có thể đáp ứng đủ nhu cầu điện năng cho phát triển KT-XH của TP và có dự phòng đạt mức 40% trong giai đoạn 2016 – 2020. Bên cạnh đó, lưới điện TP.HCM đã được đầu tư theo định hướng có thể kết nối mạch vòng khi cần thiết. Dự kiến đến năm 2025, EVNHCMC có thể đạt được mục tiêu tổng thể. Theo đó hệ thống điện trên địa bàn TP vẫn duy trì được mức độ dự phòng điện lưới truyền tải bình quân khoảng 40% với khả năng đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định. Tuy vậy, HIDS cũng lưu ý điểm yếu cố hữu của ĐMT là tính chất có thể bị biến động đột ngột do thay đổi thời tiết. Vì vậy, nguồn cung cấp điện không thể ổn định như các nguồn năng lượng truyền thống như thủy điện, nhiệt điện. Nên song song với các nỗ lực phát triển hạ tầng ĐMT trên địa bàn TP, việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ pin lưu trữ và hệ thống đổi pin công cộng cũng không kém phần quan trọng.
Một số chuyên gia lưu ý để thúc đẩy phát triển xe điện tại TP.HCM thì TP cần phải đưa vấn đề phụ tải liên quan đến hoạt động của hệ thống trạm sạc vào kế hoạch đầu tư lưới điện sau này.
Hiện nguồn điện cung ứng cho TP.HCM đến từ nhiều nguồn khác nhau, từ lưới điện quốc gia, các nhà máy nhiệt điện, thủy điện và các nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, nguồn điện TP được điều động từ các nhà máy nhiệt điện Duyên Hải, Ô Môn, Cà Mau, Vĩnh Tân; thủy điện Trị An, Đa Nhim, Đồng Nai; cụm nhiệt điện Phú Mỹ – Bà Rịa… Ngoài ra, còn từ các nguồn ĐMT và điện gió…
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.