Từng là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam nhưng đến thời điểm hiện tại vị trí này đã có sự thay đổi với sự soán ngôi từ thị trường Trung Quốc.

Mặc dù gặp nhiều biến động trên thế giới nhưng kim ngạch xuất khẩu thủy sản vẫn tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm
ẢNH: TN
Từng là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong nhiều năm, thị trường Mỹ hiện chiếm 17% thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Mỹ đã mất vị trí số 1 vào tay thị trường Trung Quốc, khi nước này nhập khẩu thủy sản Việt Nam với giá trị 1,1 tỉ USD, tăng mạnh tới 45% so với cùng kỳ.
Xét theo từng tháng, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể trong tháng 3, tháng 4 và đặc biệt là tháng 5.2025 với mức tăng 61% so với cùng kỳ. Đây là tháng có kim ngạch cao nhất trong 6 tháng đầu năm, đạt hơn 234 triệu USD. Tuy nhiên, tháng 6, xuất khẩu lại giảm mạnh gần 18%% so với cùng kỳ, chỉ còn 131 triệu USD.
Ba nhóm sản phẩm chủ lực gồm tôm, cá tra và cá ngừ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ, với tổng giá trị 6 tháng đầu năm đạt hơn 700 triệu USD, chiếm 77% tổng kim ngạch. Trong đó, XK tôm đạt hơn 341 triệu USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ. Đặc biệt trong tháng 5, XK tôm sang Mỹ tăng mạnh tới 66%, nhưng sang tháng 6 lại giảm sâu 36,5%. Tương tự, đối với mặt hàng cá ngừ, kim ngạch 6 tháng đầu năm đạt gần 184 triệu USD, tăng 6,5%. Tuy nhiên, mặt hàng này ghi nhận mức tăng mạnh trong tháng 5 (37,5%) và sau đó giảm mạnh hơn 40% trong tháng 6.
Bà Lê Hằng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) phân tích: “Diễn biến thị trường cho thấy chính sách thuế đối ứng của ông Trump là nguyên nhân chính khiến nhập khẩu thủy sản Việt Nam vào Mỹ sụt giảm. Những thay đổi chóng mặt liên quan đến việc áp thuế tạo ra một môi trường thương mại bất định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lập kế hoạch sản xuất – kinh doanh, ký kết hợp đồng và giao hàng của các doanh nghiệp cả ở Mỹ và các nước xuất khẩu. Việc áp – hoãn – thay đổi thuế liên tục khiến các nhà nhập khẩu Mỹ không thể xác định được chi phí nhập hàng. Trong khi đó, doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng gặp khó trong việc điều chỉnh giá, thời điểm giao hàng và lên kế hoạch đơn hàng dài hạn”.
Trước những thay đổi khó lường từ thị trường Mỹ, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chủ động tái cấu trúc chiến lược, trong đó buộc phải đa dạng hóa thị trường, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ; mở rộng thị phần ở các thị trường có ký kết hiệp định thương mại FTA như CPTPP, EU, Hàn Quốc…
Theo thống kê của Bộ NN-MT, kim ngạch xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm đạt 5,16 tỉ USD, tăng 16,9%. Kế hoạch cả năm 2025 xuất khẩu thủy sản sẽ đạt 11 tỉ USD.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.