Lúng túng sàn thương mại điện tử nộp thuế hộ người bán

Một tuần đã trôi qua khi quy định các đơn vị quản lý sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người bán; nhưng cả hai bên vẫn còn nhiều lúng túng.

Bán hàng qua sàn gặp khó khi kê khai thuế ?

Kể từ ngày 1.7, các đơn vị quản lý, vận hành sàn thương mại điện tử (TMĐT), nền tảng số sẽ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân đối với mỗi giao dịch phát sinh doanh thu ở trong nước của hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh trên nền tảng TMĐT. Mới khoảng 1 tuần áp dụng nên nhiều hộ kinh doanh, cá nhân vẫn còn vướng mắc, lúng túng.

Chị Hoàng Thị Hạnh, chủ một shop tại Hải Phòng, chia sẻ đã đăng ký kê khai doanh thu qua mạng và đã nhận được email phản hồi từ cơ quan thuế rồi, nhưng vẫn chưa thấy thông báo số tiền cần nộp. Điều này khiến chị lo lắng lẫn hoang mang vì không biết có bị sai sót không. Tương tự, chị Đặng Loan, chủ shop tại Hà Nội, cũng than thở: “Tôi mất rất nhiều thời gian để tự xây dựng một gian hàng bán quần áo nữ, mặc dù có sẵn sản phẩm, hình ảnh, giá bán hết rồi nhưng vì không rành công nghệ nên mọi thứ giống như mê cung. Bây giờ đến lượt mò mẫm để đăng ký khai báo thuế cũng hết sức rắc rối, không biết điền thông tin làm sao cho chuẩn. Các chủ shop phải đăng ký thông tin thuế cho sàn TMĐT thì sau đó sàn mới kê khai, nộp thuế thay nhưng nhiều chủ shop không nắm được công nghệ, không biết cách đăng ký. Sợ làm sai không thể điều chỉnh được thì thế nào?”.

Lúng túng sàn thương mại điện tử nộp thuế hộ người bán - Ảnh 1.

Các sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay người bán hàng từ ngày 1.7

Anh N.V.D, một chủ shop chuyên kinh doanh máy tính, cũng phản ảnh đăng nhập rất nhiều lần vào hệ thống để khai báo và thực hiện việc đóng thuế, nhưng lần nào cũng bị báo lỗi “xác thực người dùng” nên không vào được. Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong ngày 7.7, rất nhiều trường hợp cá nhân là chủ shop kinh doanh online truy cập vào hệ thống etax không được, hoặc có người vào được nhưng lại không nhìn thấy số tiền thuế cần đóng. Một số trường hợp cho rằng trước đây khi nộp thuế xong thì xóa nợ trên hệ thống rất nhanh, nhưng hiện nay thì nộp vào rồi vẫn chưa thấy xóa. Nhiều chủ shop cũng phản ảnh không có dữ liệu để nộp tiền dù tài khoản đã được chấp nhận mấy ngày nay.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Công Hoan, Giám đốc vận hành SwiftHub, một đơn vị chuyên hỗ trợ hoàn tất đơn hàng cho các shop online, thừa nhận: Từ khoảng 1 tháng nay tình hình kinh doanh trên các sàn TMĐT có dấu hiệu giảm sút mạnh. Bên cạnh việc cơ quan quản lý siết chặt truy quét hàng giả, hàng lậu, các chủ shop hiện đang gặp phải khó khăn trong việc khai báo thuế. Đa số các chủ shop là ở các vùng xa, trình độ công nghệ thông tin còn hạn chế, việc phải tự mình cập nhật thông tin để đăng ký thông qua website hoặc ứng dụng là thử thách rất khó. Trước đây người bán không quan tâm đến hóa đơn đầu ra, đầu vào, cũng không phải xuất hóa đơn sau khi bán, còn bây giờ họ phải thực hiện đầy đủ. Bán hàng qua mạng khi hàng giao đi vẫn chưa thể hoàn thành được vì có nhiều trường hợp phát sinh như hàng trả, hủy, thậm chí nhiều ngày sau mới trả. Như vậy hóa đơn đã xuất rồi thì làm sao để hủy? Nhiều chủ shop rất nan giải vấn đề này. Theo thống kê của SwiftHub, lượng đơn hàng giao nhận giảm đến 40%, xuất phát từ những khó khăn nói trên.

Lúng túng sàn thương mại điện tử nộp thuế hộ người bán - Ảnh 2.

Các sàn TMĐT phải kê khai, nộp thuế thay người bán hàng từ ngày 1.7

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo một chuyên gia công nghệ, việc trục trặc kỹ thuật trong những ngày đầu áp dụng quy định mới về quản lý thuế trên sàn TMĐT là điều không thể tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh vừa mới thay đổi, sáp nhập địa giới hành chính. Cụ thể, hệ thống quản lý thuế sau khi thay đổi địa chỉ hành chính sẽ phải phân lại đơn vị phụ trách tương ứng. Khi người kinh doanh nộp tờ khai thì hệ thống gửi đến đúng nơi phụ trách và tờ khai sẽ được duyệt bởi cơ quan thuế. Sau khi duyệt tờ khai thì số thuế sẽ đẩy sang Ngân hàng Nhà nước với khoản/mục tương ứng bên tờ khai. Khi đó etax/app ngân hàng mới hiện số thuế phải nộp để người bán nộp thuế. Ngoài ra, còn cần đồng bộ thông tin ngân hàng (CCCD/địa chỉ hành chính) và thông tin CCCD người nộp thuế trên etax nữa thì mới thực hiện nộp thuế online được. Với quy trình như vậy thì trong thời gian đầu sẽ gặp nhiều trục trặc, vướng mắc, nhưng dần dần có thể mọi thứ sẽ được khắc phục.

Các sàn TMĐT là doanh nghiệp lớn, có bộ máy kế toán đầy đủ, có nghiệp vụ nên việc kê khai thuế dễ hơn nhiều đối với hộ cá nhân, kinh doanh vốn không quen với việc này. Hơn nữa, toàn bộ việc kê khai, khấu trừ và nộp thuế đều đã có phần mềm ứng dụng và xử lý tự động. Vì vậy không có gì khó để các sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay cho người bán.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang

Sàn TMĐT thực hiện không quá khó

Liên quan đến việc kê khai và nộp thuế cho người bán trên sàn TMĐT, nhiều sàn đã thông báo chi tiết đến cá nhân, hộ kinh doanh. Chẳng hạn, Lazada đã thông báo chi tiết về việc khấu trừ thuế trên doanh thu và áp dụng từ ngày 1.7. Hộ gia đình, cá nhân phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin mã số thuế hoặc số định danh cá nhân (đối với công dân VN); số hộ chiếu hoặc thông tin định danh do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp (đối với công dân nước ngoài) và các thông tin bắt buộc khác theo quy định cho sàn. Trong trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân không cung cấp đầy đủ và kịp thời, Lazada vẫn có quyền khấu trừ thuế trên doanh thu của các giao dịch thành công kể từ ngày 1.7. Đại diện Lazada VN cho hay, thời gian qua sàn đã triển khai nhiều bước như rà soát và nâng cấp hệ thống vận hành nội bộ để đảm bảo tuân thủ quy định về kê khai và khấu trừ thuế.

Đại diện một sàn TMĐT lớn tại VN cũng khẳng định đã chủ động triển khai các hoạt động truyền thông sâu rộng, hội thảo trực tiếp và trực tuyến nhằm phổ biến chính sách thuế mới một cách dễ hiểu và kịp thời đến cộng đồng người bán hàng.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng lúc này bên cạnh việc tuyên truyền, tập huấn, ngành thuế cần phải rà soát, điều chỉnh lại các quy định, chính sách chưa phù hợp, tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng cho người dân dễ tiếp cận và thực thi. Người kinh doanh qua mạng ngày càng gia tăng, đây cũng là lực lượng hết sức quan trọng trong nền kinh tế số nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức rất lớn trong chính sách thu thuế. Để hài hòa giữa việc thu ngân sách và thúc đẩy kinh doanh thì ngành thuế cần áp dụng quy trình số hóa mạnh mẽ hơn nữa, tạo điều kiện cho người kinh doanh kê khai thuận lợi, giảm nhẹ việc phạt nếu khai báo thuế sai… Có như vậy mới nâng tỷ lệ người kinh doanh tuân thủ quy định nộp thuế cao hơn nữa.

Luật sư Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, thông tin từ đầu năm nay cơ quan quản lý thuế đã giao các chi cục thuế (cũ) tại các tỉnh, thành phố thành lập ban chỉ đạo, tổ triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, hướng dẫn và hỗ trợ hộ kinh doanh, cá nhân đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế từ hoạt động kinh doanh TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số. Việc này đã được chuẩn bị để thực hiện từ ngày 1.4 nhưng sau này lùi đến ngày 1.7 nên các vướng mắc cũng được giải thích, xử lý. Vì vậy, hiện nay nếu hộ kinh doanh, cá nhân vẫn còn gặp khó khăn trong việc kê khai thuế cho hoạt động bán hàng trên sàn TMĐT thì có thể đến các đơn vị thuế cơ sở ở địa phương để được hỗ trợ. Sau khi đăng ký xong thì có thể ủy quyền cho sàn TMĐT kê khai, nộp thuế theo hướng dẫn tại Nghị định 117/2025 của Chính phủ quy định quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử, nền tảng số của hộ, cá nhân. Như vậy bản thân hộ kinh doanh, cá nhân chỉ cần thực hiện việc đăng ký kê khai nộp thuế lần đầu là xong.

Lúng túng sàn thương mại điện tử nộp thuế hộ người bán - Ảnh 3.

Các sàn TMĐT kê khai, nộp thuế thay người bán hàng không quá khó vì đã có phần mềm xử lý tự động

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Trong khi đó, trách nhiệm của các sàn TMĐT sẽ nhiều hơn như việc kê khai, khấu trừ thuế trong mỗi đơn giao dịch, xuất hóa đơn, cung cấp chứng từ nộp thuế cho người bán hàng… Nhưng theo luật sư Trần Xoa, các sàn TMĐT là doanh nghiệp lớn, có bộ máy kế toán đầy đủ, có nghiệp vụ nên việc kê khai thuế dễ hơn nhiều đối với hộ cá nhân, kinh doanh vốn không quen với việc này. Hơn nữa, toàn bộ việc kê khai, khấu trừ và nộp thuế đều đã có phần mềm ứng dụng và xử lý tự động. Vì vậy không có gì khó để các sàn TMĐT kê khai và nộp thuế thay cho người bán.

“Tất cả việc kê khai này hiện đều được xử lý tự động, đơn giản. Tương tự như ở các siêu thị có vài chục ngàn sản phẩm, hàng hóa khác nhau thì họ cũng kê khai, áp mã hàng hóa là sẽ ra số thuế. Vì vậy có thể một số cá nhân chưa quen nhưng không phải quá khó, thậm chí có thể đến các đơn vị thuế cơ sở để được hỗ trợ”, luật sư Trần Xoa chia sẻ.

Giảm thủ tục cho sàn TMĐT

Liên quan đến hoạt động các sàn TMĐT, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp VN (VCCI) vừa đưa ra một số ý kiến góp ý về Dự thảo Quyết định phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2025 của Bộ Công thương. Trong đó, VCCI cho rằng quy định yêu cầu tất cả các sàn TMĐT, bất kể quy mô và hình thức hoạt động, đều phải thực hiện thủ tục cấp phép trước khi hoạt động là chưa hợp lý. Quy định này không phù hợp với các sàn nhỏ hoặc các sàn mới phát hành thử nghiệm (start-up), khiến sàn bị quản lý quá chặt.

Quy định này cũng không phù hợp với tính chất hoạt động của sàn TMĐT. Một số sàn chỉ cho phép người bán đăng tải thông tin sản phẩm. Việc giao dịch giữa các bên (giao kết, thanh toán, vận chuyển) đều thực hiện thông qua các phương thức khác như điện thoại, nhắn tin… Thực chất, các sàn này chỉ như một kênh quảng cáo, tiếp thị, có thể hình dung như một “biển rao vặt online”. Các bước quan trọng trong quá trình giao dịch không diễn ra trên sàn, do đó không có nhiều rủi ro trong mô hình hoạt động này.

Lúng túng sàn thương mại điện tử nộp thuế hộ người bán - Ảnh 4.

Do vậy, VCCI đề xuất nghiên cứu cơ chế quản lý theo hướng giảm bớt các thủ tục đối với các sàn TMĐT nhỏ. Theo đó, cho phép các sàn TMĐT nhỏ (hoặc chỉ cung cấp tính năng giới thiệu, trưng bày sản phẩm) chỉ cần thực hiện thủ tục thông báo khi bắt đầu hoạt động và sẽ thực hiện thủ tục cấp phép khi đã phát triển đến một ngưỡng nhất định.

Bên cạnh đó, VCCI cũng đề nghị bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo với các website TMĐT bán hàng thay vì chỉ điều chỉnh phân cấp như đề xuất tại dự thảo. VCCI phân tích: website TMĐT bán hàng về bản chất chỉ là một kênh bán hàng mới trên internet, không phải một công việc kinh doanh mới. Các thương nhân đã phải thực hiện các thủ tục đăng ký kinh doanh, chứng nhận điều kiện kinh doanh và chất lượng sản phẩm trước đó. Do đó, việc yêu cầu thông báo thêm cho kênh bán hàng trực tuyến tạo ra gánh nặng hành chính không cần thiết.

Trước đây, Nghị định 52/2013 của Chính phủ yêu cầu mọi website TMĐT bán hàng phải thực hiện thủ tục thông báo, dù chỉ có các tính năng đơn giản như giới thiệu sản phẩm. Sau đó, Nghị định 85/2021 của Chính phủ giảm phạm vi xuống các website TMĐT bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến. Tuy nhiên việc giảm phạm vi áp dụng không có nhiều ý nghĩa, vì việc lập website bán hàng rất phổ biến (44% doanh nghiệp sở hữu website, trong đó 42% có tính năng đặt hàng trực tuyến). Số lượng hồ sơ thông báo là rất lớn, lên tới 105.103 hồ sơ vào năm 2023. Hơn nữa, cho đến nay chưa có phản ánh nào về tác động tiêu cực đến kinh tế – xã hội từ việc doanh nghiệp không đăng ký website TMĐT bán hàng. Như vậy, các thủ tục này không mang lại lợi ích quản lý nhà nước rõ ràng, thậm chí còn trở thành rào cản cho thương nhân khi tận dụng cơ hội từ thương mại điện tử.

Vì vậy, VCCI đề xuất bãi bỏ hoàn toàn thủ tục thông báo đối với các website TMĐT bán hàng và chuyển sang phương pháp hậu kiểm để kiểm soát hoạt động của các trang này. 

Theo quy định, người bán hàng trên sàn TMĐT, nền tảng số sẽ nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân. Số thuế xác định bằng tỷ lệ phần trăm trên doanh thu của mỗi giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Các sàn TMĐT sẽ thực hiện khấu trừ số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân trên mỗi đơn hàng ngay sau khi người bán nhận được xác nhận giao dịch thành công và sàn chấp nhận thanh toán đối với đơn hàng bán hàng hóa, dịch vụ.

Đảm bảo công bằng, minh bạch

Xu hướng bán hàng qua mạng trong thời gian qua đã bùng nổ và thay thế dần phương thức kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên thống kê cho thấy trong số gần nửa triệu người kinh doanh qua sàn TMĐT chỉ có khoảng 20% cá nhân đăng ký khai báo và có đóng thuế, đây là con số rất thấp. Việc quy định các sàn TMĐT khai báo thuế sẽ thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay hộ kinh doanh, cá nhân bán hàng là bước hỗ trợ rất nhiều cho việc thu thuế. Tất nhiên, giai đoạn đầu có thể có một số vướng mắc trong việc đăng ký, cung cấp thông tin, hồ sơ của hộ, cá nhân và cũng như trong việc xác minh thông tin và kê khai, nộp hộ thuế của các sàn TMĐT; nhưng tôi tin rằng trong thời gian tới, mọi việc sẽ dần đi vào quỹ đạo ổn định. Điều này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch.

Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Ngô Trí Long


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.