Hồ tiêu Việt Nam sẽ quay trở lại đỉnh cao vào cuối năm nhờ thị trường Mỹ?

Mùa vụ thu hoạch hồ tiêu đã kết thúc và giá hồ tiêu nội địa vẫn đang 140.000 đồng/kg. Mặc dù có giảm nhẹ so với đầu vụ nhưng mức giá hiện nay và bối cảnh thị trường cho thấy, hồ tiêu Việt đang quay trở lại thời kỳ hoàng kim.

Hồ tiêu Việt ở vị thế đặc biệt 

Hồ tiêu Việt Nam sẽ quay trở lại đỉnh cao vào cuối năm nhờ thị trường Mỹ? - Ảnh 1.

Sản lượng hồ tiêu sụt giảm giúp cho giá tiêu tăng mạnh từ đầu vụ tới nay

ẢNH: NVCC

Ngày 26.7, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm. Theo báo cáo của VPSA, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2025 ước tính sẽ giảm 7,8% so với năm 2024 và đây là năm thứ 3 liên tiếp giảm. Mặc dù có tăng ở Brazil nhưng giảm ở các nước khác, đặc biệt là Ấn Độ và Indonesia, dẫn tới tổng sản lượng giảm so với năm ngoái.

Vụ thu hoạch hồ tiêu năm 2025 tại Việt Nam đã chính thức kết thúc với sản lượng ước đạt 180.000 tấn, giảm 10.000 tấn so với năm 2024. Mức giảm này phần lớn đến từ việc không có sự mở rộng diện tích trồng mới trong niên vụ vừa qua. Dù giá hồ tiêu nhìn chung vẫn giữ được mức cao và ổn định so với cùng kỳ năm trước, song sức hút đầu tư vào hồ tiêu lại suy giảm đáng kể khi so sánh với các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như sầu riêng và cà phê, vốn đang ghi nhận mức giá hấp dẫn và ổn định hơn trên thị trường.

Theo VPSA, sản lượng hồ tiêu sụt giảm mạnh nhưng nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này trên thế giới vẫn ổn định, đó là nguyên nhân chính khiến cho giá hồ tiêu luôn ở mức cao, dù trải qua những thời điểm biến động cho các thông tin thuế quan của thị trường Mỹ.

Cụ thể, giá thu mua hồ tiêu nội địa trong quý 2/2025 ghi nhận nhiều biến động thất thường, phản ánh sự nhạy cảm của thị trường trước các yếu tố chính sách và tâm lý doanh nghiệp. Trong tháng 4, giá tiêu duy trì ở mức ổn định tương đối cao, dao động quanh 153.000 – 155.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm tăng lên tới 157.000 đồng/kg vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, bước sang tháng 5, thị trường bắt đầu xuất hiện tín hiệu điều chỉnh giảm. Giá thu mua giảm nhẹ, bình quân còn 148.000 – 150.000 đồng/kg, trước khi tiếp tục lùi xuống 147.000 đồng/kg vào đầu tháng 6. Đà giảm giá trở nên rõ rệt hơn khi thông tin áp thuế nhập khẩu của Mỹ đối với hồ tiêu Việt Nam lan rộng, khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã hoàn tất đơn hàng trước đó lựa chọn hạn chế mua vào, dẫn đến lực cầu trên thị trường nội địa suy yếu.

Đặc biệt, yếu tố khiến thị trường thêm phần trầm lắng là việc luật Thuế GTGT sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7.2025. Do chưa có hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế, nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động trong hoạt động giao dịch và kê khai, làm phát sinh tâm lý trì hoãn mua hàng. Tác động kép này đã khiến giá hồ tiêu rơi sâu, chạm đáy 123.000 đồng/kg vào tuần thứ 3 của tháng 6, mức thấp nhất kể từ đầu năm. 

Tuy nhiên, đà giảm không kéo dài, chỉ một tuần sau đó, giá tiêu nội địa bất ngờ phục hồi trở lại và đạt mức trung bình 140.000 đồng/kg, rồi ổn định quanh mức này cho tới thời điểm hiện tại. Sự phục hồi nhanh chóng được cho là đến từ việc doanh nghiệp quay lại mua vào để dự trữ khi giá xuống quá thấp, cũng như kỳ vọng thị trường xuất khẩu sẽ sôi động trở lại trong quý 4/2025 khi các yếu tố chính sách dần được làm rõ và nhu cầu quốc tế tăng trở lại.

Việt Nam có ưu thế về thuế của Mỹ 

Hồ tiêu Việt Nam sẽ quay trở lại đỉnh cao vào cuối năm nhờ thị trường Mỹ? - Ảnh 2.

Việt Nam đang có lợi thế về thuế quan so với các đối thủ xuất khẩu hồ tiêu khác vào thị trường Mỹ

ẢNH: CTV

Tính đến hết tháng 6.2025, Việt Nam đã xuất khẩu tổng cộng 124.133 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen chiếm tỷ trọng lớn với 105.939 tấn, còn lại là 18.194 tấn tiêu trắng. Mặc dù lượng xuất khẩu giảm 12,9% so với cùng kỳ năm 2024, song kim ngạch xuất khẩu lại đạt 850,5 triệu USD, tăng mạnh 34,1% so với năm trước. Tăng trưởng ấn tượng về giá trị chủ yếu đến từ sự bứt phá của giá xuất khẩu: tiêu đen đạt bình quân 6.665 USD/tấn, tăng 93,6%, còn tiêu trắng đạt 8.079 USD/tấn, tăng 63,0% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giá cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, phản ánh rõ nét xu hướng phục hồi của thị trường hồ tiêu thế giới và sự cải thiện về chất lượng, giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất của Việt Nam.

Mỹ tiếp tục là thị trường dẫn đầu tiêu thụ hồ tiêu Việt Nam, chiếm 23,6% tổng lượng xuất khẩu, tương ứng 24.979 tấn, dù sản lượng đã giảm mạnh 29,4% so với cùng kỳ năm 2024. Các thị trường quan trọng khác bao gồm Ấn Độ (7.768 tấn), UAE (7.700 tấn), Trung Quốc (6.610 tấn) và Đức (4.836 tấn) đều duy trì lượng nhập khẩu ổn định, cho thấy thị trường đang dần phân hóa và đa dạng hóa, giảm bớt sự phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống.

VPSA cho biết: Giá tiêu duy trì ở mức cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tạo động lực thúc đẩy một số quốc gia mở rộng diện tích trồng mới. Tuy nhiên, hiệu ứng từ các diện tích này chỉ có thể tác động đến nguồn cung trong vòng 2 – 3 năm tới, không giải quyết được tình trạng thiếu hụt trước mắt. Do thu hoạch diễn ra trong bối cảnh nguồn cung giảm và nông dân có tài chính dư dả hơn nhờ giá cao, thị trường không ghi nhận hiện tượng bán tháo sau thu hoạch như những năm trước. Điều này giúp giữ mặt bằng giá ổn định và củng cố kỳ vọng giá tiếp tục cao trong thời gian tới.

Với các thay đổi về chính sách thuế hiện nay của Mỹ, ngành hồ tiêu Việt Nam đang được hưởng lợi. Tại thị trường Mỹ, dữ liệu cho thấy nước này chỉ nhập 1.029 tấn hồ tiêu từ Brazil trong tổng số 50.333 tấn xuất khẩu của nước này, chiếm chưa đến 2%. Với mức thuế nhập khẩu 50% mà Mỹ áp lên hồ tiêu Brazil, dự kiến thị phần của Brazil tại Mỹ sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Tương tự, Campuchia cũng đang chịu mức thuế 36%, tạo ra sự cạnh tranh bất lợi về giá so với Việt Nam chỉ bị đề xuất áp thuế ở mức 20%. 


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.