Người nộp thuế thu nhập cá nhân sẽ được phép khấu trừ các chi phí y tế, giáo dục.
Chính phủ quy định mức giảm trừ chi phí y tế, giáo dục
Hồ sơ dự án luật Thuế thu nhập cá nhân (hay thế) do Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đã đưa ra các khoản chi được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của người nộp thuế.
Tại khoản 2 điều 12 quy định: Người nộp thuế được giảm trừ vào thu nhập trước khi tính thuế cho các khoản chi cho y tế, giáo dục – đào tạo của người nộp thuế và của bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con đang là người phụ thuộc của người nộp thuế theo mức do Chính phủ quy định. Các khoản chi này phải đáp ứng các điều kiện về hóa đơn, chứng từ theo quy định và không được chi trả từ nguồn khác. Dự thảo ghi rõ Chính phủ quy định chi tiết điều này.
Như vậy, khi luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) được ban hành và có hiệu lực, người nộp thuế sẽ được khấu trừ chi phí y tế, giáo dục – đào tạo cho bản thân mình và người phụ thuộc.

Các khoản chi phí y tế, giáo dục sẽ được khấu trừ trước khi tính thuế thu nhập cá nhân
ẢNH: NGỌC THẮNG
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho rằng dự thảo luật đã bổ sung quy định này là quá tốt bởi chi phí học hành, tự đào tạo cho cả người nộp thuế lẫn người phụ thuộc là khoản chi thiết yếu của mọi gia đình. Bản thân người nộp thuế cũng phải tự đào tạo liên tục để phát triển nghề nghiệp, có thu nhập gia tăng đồng thời chi phí đào tạo của con. Có thể quy định theo mức tối đa theo học phí các trường công lập từ tiểu học đến đại học. Riêng bản thân người nộp thuế cũng cần có những chi phí đào tạo liên tục để cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ như học ngoại ngữ, học về công nghệ mới như AI hay các khóa học ngắn hạn liên quan trực tiếp đến công việc. Chính phủ có thể quy định một mức khấu trừ tối đa trong từng năm mà người nộp thuế được khấu trừ.
Bên cạnh đó, bản thân người nộp thuế có bảo hiểm y tế nhưng nếu chăm sóc cha mẹ già yếu thì cần có sự hỗ trợ nhiều hơn, nên phải cho khấu trừ khoản chi phí này. Nên xem xét cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được khấu trừ chi phí y tế phải trả của phần còn lại sau khi bảo hiểm thanh toán, nhất là đối với bệnh hiểm nghèo và các bệnh điều trị lâu dài. “Việc sửa đổi luật Thuế TNCN lần này cần xem xét tính đúng, tính đủ để khấu trừ các chi phí hợp lý của người lao động nhằm đảm bảo đời sống cho các gia đình. Khi đó, bản thân người nộp thuế sẽ thấy công bằng và an tâm hơn trong việc kê khai thu nhập, đóng thuế. Số thu thuế TNCN từ các đối tượng làm công ăn lương sẽ không sụt giảm mà theo thời gian luôn gia tăng nên cần khuyến khích, nuôi dưỡng nguồn thu”, luật sư Nghĩa nhận định.
Các nước khấu trừ chi phí y tế, giáo dục như thế nào?
Theo TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường ĐH Fulbright, nhiều quốc gia đã cho phép khấu trừ các khoản tiêu dùng cho những mặt hàng “khuyến dụng” như học phí, bảo hiểm tự nguyện hay các khoản chi tiêu “gia cảnh” như phụ nữ mang thai, sinh con, chăm sóc người già đau ốm… Ví dụ, sát bên Việt Nam là Thái Lan đã áp dụng hệ thống thuế thu nhập cá nhân lũy tiến với thuế suất từ 5% đến 35% và có hệ thống khấu trừ tương đối phong phú, nhằm hỗ trợ người có thu nhập trung bình – thấp, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng và đầu tư xã hội. Người nộp thuế được giảm trừ cá nhân cơ bản 60.000 baht/năm; giảm trừ cho vợ/chồng không có thu nhập 60.000 baht/năm; giảm trừ người phụ thuộc (con) 30.000 baht/trẻ/năm, cộng thêm 2.000 baht/trẻ cho đứa con thứ 2 trở đi; chi phí bảo hiểm y tế tối đa 25.000 baht/năm (gần 20 triệu đồng/năm); chi phí giáo dục tư nhân cho con cái tối đa 100.000 baht/năm (khoảng 79,7 triệu đồng/năm); chi phí chăm sóc cha mẹ (trên 60 tuổi tối đa 30.000 baht/người)… Đặc biệt, Thái Lan thường xuyên ban hành các chương trình khấu trừ đặc biệt theo thời vụ, ví dụ “Shop Dee Mee Khuen” (mua sắm có hoàn thuế) cho phép khấu trừ lên đến 40.000 baht cho các khoản chi tiêu tiêu dùng nhất định như sách, thiết bị học tập, sản phẩm nội địa…
Tương tự, Trung Quốc là một trong những nền kinh tế mới nổi áp dụng hệ thống khấu trừ thuế mang tính gia đình hóa rõ nét từ năm 2019, với việc bổ sung một loạt khoản “khấu trừ đặc biệt” dành cho người lao động có con nhỏ, người phụ thuộc cao tuổi, đang đi học nâng cao, thuê nhà hoặc trả nợ vay mua nhà lần đầu. Năm 2023, Trung Quốc đã nâng mức khấu trừ cho giáo dục và chăm sóc trẻ em lên 2.000 nhân dân tệ (NDT)/tháng/trẻ (khoảng 7 triệu đồng/tháng). Ngoài ra, các khoản chi phí y tế lớn cũng được khấu trừ nếu vượt ngưỡng 15.000 NDT; lãi vay mua nhà lần đầu 1.000 NDT/tháng trong tối đa 240 tháng; chi phí thuê nhà từ 800 đến 1.500 NDT/tháng tùy thành phố; chăm sóc người già trên 60 tuổi tối đa 3.000 NDT/tháng…
“Việc cho phép khấu trừ các chi phí thiết yếu hoặc cần được khuyến khích như giáo dục, bảo hiểm phản ánh đúng năng lực tài chính thực sự sau khi người dân trang trải cho đời sống. Ví dụ, một người thu nhập 20 triệu đồng/tháng nhưng phải chi 8 triệu đồng cho học phí mầm non và viện phí cho mẹ già thì phần còn lại để chi tiêu thực tế chỉ tương đương với người thu nhập 12 triệu đồng. Nếu không khấu trừ các chi phí như vậy, hệ thống thuế vô tình “đánh thuế” vào cả khoản chi sinh tồn, điều này vừa không hợp lý, vừa thiếu nhân văn. Hoặc Chính phủ có thể quy định một mức trần, chẳng hạn tối đa 30% thu nhập chịu thuế để người dân khấu trừ những khoản chi thiết yếu, đồng thời đảm bảo quản lý được rủi ro thất thu ngân sách”, TS Đỗ Thiên Anh Tuấn chia sẻ.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.