Bất an với thực phẩm 'nhà làm' bán tràn lan

Sản phẩm “nhà làm”, “nhà trồng được” bán tràn lan trên mạng xã hội và sàn thương mại điện tử với những lời quảng cáo bốc tới tận mây xanh, còn chất lượng thì không có gì đảm bảo.

Thực phẩm “nhà làm”… rẻ vô địch

Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của mạng xã hội, mô hình kinh doanh sản phẩm “nhà làm”, “nhà trồng được” cũng bùng nổ. Sản phẩm thường thu hút khách hàng bằng các lời quảng cáo hoa mỹ như “chuẩn vị nhà làm, an toàn tuyệt đối, không hóa chất, không chất bảo quản”, hay “rẻ, bền, đẹp”… nhưng không có bất cứ cơ sở gì để chứng minh.

Không dừng lại ở mạng xã hội, sản phẩm nhà làm cũng “chiếm sóng” trên các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada… Gõ từ khóa “nhà làm” vào thanh công cụ tìm kiếm trên một trang thương mại điện tử phổ biến ở VN, chỉ sau chưa đến 1 giây, kết quả hiện ra là một loạt sản phẩm thuộc nhiều chủng loại khác nhau, nổi bật trong số này là thực phẩm ăn liền và bánh kẹo. Ví dụ, pate với lời giới thiệu “Pate bánh mì nhà làm (500 gr) – rẻ vô địch, giảm giá 15% còn 46.750 đồng”. Khi nhấp vào hình ảnh, kèm theo bên dưới là một số thông tin như: “Pate có thể ăn kèm các món như bánh mì, xôi nóng, ăn với cơm cũng rất ngon nhé. Đảm bảo không chất bảo quản. Được làm 100% từ nguyên liệu tươi ngon. Thời gian sử dụng 1 tháng”. Tương tự, các sản phẩm bơ tươi, giò thủ, nem chua, chả lụa, bò viên… cũng có những lời quảng cáo bốc đến tận mây xanh và giá cũng “siêu rẻ”, chỉ 72.000 – 80.000 đồng/phần 500 gr hay chả bò cũng chỉ 89.000 đồng/phần 500 gr.

Bất an với thực phẩm 'nhà làm' bán tràn lan- Ảnh 1.

Các sản phẩm “nhà làm” bán tràn lan trên mạng xã hội và cả các sàn thương mại điện tử

ẢNH: QUANG THUẦN

Trước những lời quảng cáo đầy mâu thuẫn như “không chất bảo quản” nhưng thời gian sử dụng đến 1 tháng hay giá “rẻ vô địch” chỉ chưa tới 50.000 đồng cho 500 gr, chúng tôi cố gắng tìm kiếm nhưng không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh cho những lời quảng cáo nêu trên.

Vấn đề an toàn thực phẩm của các sản phẩm “nhà làm” giá “rẻ vô địch” là điều khiến nhiều người tiêu dùng luôn thắc mắc. Chị Nguyễn Bích Ngọc, nhân viên văn phòng ở TP.HCM, đặt câu hỏi: “Tôi thấy giá thịt heo trên thị trường hiện phổ biến từ 150.000 – 200.000 đồng/kg, thậm chí nhiều loại còn cao hơn. Vậy mà các sản phẩm giò thủ, jambon, chả lụa… chỉ có 145.000 – 150.000 đồng/kg đã bao gồm phí ship (vận chuyển). Tình trạng tương tự với các sản phẩm như khô gà, khô heo, khô bò… chỉ bằng 2/3 giá thịt tươi trong khi thường phải 2 – 3 kg tươi mới làm ra 1 kg sản phẩm khô. Vậy lợi nhuận của người bán và cam kết nguyên liệu tươi ngon, chất lượng cao ở đâu ra?”.

Vì sao “nhà làm nên để nhà ăn”?

TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), thừa nhận: Thời gian qua, cụm từ “nhà làm” đã bị nhiều người lạm dụng để bán hàng. Cụm từ này gợi cho người ta cảm giác thân thuộc như những món ăn gia đình của mẹ, của chị nấu mỗi ngày. Nó cũng đánh lừa về một số ưu điểm như thực phẩm tươi ngon, an toàn và hợp khẩu vị. Tuy nhiên, sản phẩm nhà làm chưa chắc sạch, an toàn như chúng ta nghĩ và thực tế đã có nhiều người ngộ độc thực phẩm nhà làm. Những vụ ngộ độc bánh mì thời gian qua cũng vì sử dụng sản phẩm nhà làm.

Bất an với thực phẩm 'nhà làm' bán tràn lan- Ảnh 2.

Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra giám sát, xử phạt các đối tượng kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc

ẢNH: CỤC QUẢN LÝ VÀ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC

“Một số thực phẩm nhà làm giá siêu rẻ ở trên mạng như chả lụa cũng thường dùng hóa chất để bảo quản, tạo độ dai giòn… Nhiều người kinh doanh sản phẩm nhà làm nhưng chưa biết những nguyên tắc an toàn trong chế biến thực phẩm nên tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn chéo rất cao. Tôi thấy có những thói quen phổ biến trong việc chế biến thức ăn “nhà làm”, như không đeo bao tay khi tiếp xúc thực phẩm, dụng cụ chế biến (dao, thớt, rổ, thau) không đảm bảo vệ sinh sau khi sử dụng rồi lại dùng tiếp, đi vệ sinh xong không rửa tay, hoặc rửa tay sơ sài không có khu sơ chế, khu chế biến hợp vệ sinh… Đây là những vấn đề tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm”, TS Minh dẫn chứng và khuyến cáo: Sản phẩm “nhà làm” muốn kinh doanh phải đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm theo quy định. Cách tốt nhất là người kinh doanh phải công khai hình ảnh và giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn do cơ quan chức năng cấp, còn thời gian hiệu lực. Ở góc độ người tiêu dùng, cần thận trọng khi mua sắm các sản phẩm không rõ nguồn gốc, nhãn mác.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, cảnh báo: Sắp tới mùa trung thu, chắc chắn sẽ xuất hiện tình trạng bánh trung thu “nhà làm” được quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội và các chợ online. Có người lấy lý do bánh nhà làm thì không cần làm thủ tục. Điều này đúng nếu sản phẩm để nhà ăn. Còn đã bán ra, thu lợi nhuận thì phải tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm, chấp hành nghĩa vụ thuế.

“Tôi xin nói thẳng, bánh nhà làm thì để nhà ăn. Còn nếu muốn bán ra thị trường thì bắt buộc phải tuân thủ đầy đủ các quy định, từ hóa đơn chứng minh nguồn gốc nguyên liệu đầu vào, giấy khám sức khỏe của người trực tiếp chế biến, cho đến đảm bảo không để người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất thực phẩm. Việc bán bánh trung thu không có giấy tờ, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm”, bà Phạm Khánh Phong Lan khẳng định.

Lãnh đạo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM khuyến cáo: Đối với sản phẩm “nhà làm” nhưng muốn kinh doanh, chủ cơ sở phải thực hiện thủ tục tự công bố ở cơ quan chức năng địa phương với các cam kết về nguồn gốc chất lượng nguyên liệu, sức khỏe của người làm bánh, quy trình bảo đảm vệ sinh, chất lượng thành phẩm. Sở sẽ chịu trách nhiệm hậu kiểm, thanh tra các cơ sở theo như cam kết trong hồ sơ tự công bố. Các trường hợp tự sản xuất, kinh doanh mà không làm thủ tục tự công bố sẽ bị xử phạt theo quy định.

Cục sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công thương các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên thị trường; mời các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada ký cam kết phối hợp kiểm soát.

Ông Nguyễn Thành Nam (Phó cục trưởng Cục Quản lý và phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương)


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.