Đó là nghịch lý tồn tại trong chính mỗi người liên quan đến giá đất, thuế đất. Dù vậy, đại diện Bộ Tài chính cho biết, sẽ tiếp thu các ý kiến để tham khảo trong quá trình sửa đổi các quy định liên quan đến vấn đề này.
Tại hội thảo “Giá đất, thuế đất… thế nào cho hợp lý?” do Báo Thanh Niên tổ chức, bà Nguyễn Thị Thoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: “Ở góc độ là cơ quan xây dựng pháp luật, chúng tôi muốn chia sẻ thật để mọi người có thể hiểu và chia sẻ với chúng tôi. Ngay bản thân như bố mẹ tôi ở quê khi bồi thường sẽ muốn được bồi thường cao, nhưng khi đóng tiền sử dụng đất thì ngược lại “tại sao tôi phải đóng tiền cao thế này”. Bản thân chúng ta đã là những sự mâu thuẫn vì liên quan đến nhiều mục đích khác nhau”.

Bà Nguyễn Thị Thoa, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)
ẢNH: ĐỘC LẬP
Theo bà Thoa, tiền sử dụng đất, thuế đất và một trong các yếu tố không thể thiếu để tính là giá đất. Còn giá thị trường được xác định là giá phổ biến chứ không phải cá biệt. Trong thời gian qua, Cục đã nhận được nhiều phản ánh về một số bất cập từ thực tế của người dân kể cả các cá nhân cũng như các cơ quan báo chí. Cục đã rà soát, tiếp thu và có văn bản với Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT) và các cơ quan có liên quan trong việc sửa Nghị quyết 18 cũng như định hướng sửa luật Đất đai trong tháng 10 tới đây.
Bà Thoa cũng khẳng định, luật Đất đai 2024 đã sửa đổi rất cơ bản đối với từng loại đất. Nghị định 103 đã giảm ở tất cả các loại đất chỉ bằng 50% luật của năm 2013. Thực tế, trước đây các địa phương căn cứ nhiều vào hệ số đất điều chỉnh hàng năm nhưng bảng giá đất 5 năm mới điều chỉnh một lần có thể không theo kịp xu hướng thị trường. Vì thế, Cục cũng lường trước chuyện này nên đã chủ động điều chỉnh giảm. Chỉ có cá biệt có một số địa phương điều chỉnh tăng đột biến. Trong thẩm quyền của Chính phủ là sửa Nghị định 103, Cục đã xin kế thừa luật Đất đai 2013, đối với đất liền kề điều chỉnh đưa xuống 30% trong hạn mức và ngoài hạn mức là 50%. Đối với đất thuần túy (ngoài khu dân cư) có loại phải thuê, có loại được giao không thu tiền; khi đền bù bằng giá trị đất nông nghiệp. Khi sửa luật sẽ được tiếp tục điều chỉnh cho phù hợp.
“Giá đất trước nay vẫn là vấn đề rất khó nên chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN-MT để tìm ra cơ chế phù hợp có thể là giao cho địa phương một cơ chế miễn giảm nào đó để tạo lập cuộc sống cho người dân”, đại diện Bộ Tài chính chia sẻ.
Đối với tiền thuê đất, theo luật cũ và Nghị định 46 tỉ lệ tiền thuê đất là 1% và những trường hợp ưu đãi giảm còn 0,5%; dự án có khả năng sinh lời cao là 3%. Trong quá trình thực hiện Nghị định 103, nhiều địa phương kiến nghị giao về địa phương và không quy định cứng 1% nữa. “Nếu luật 2024, thu 0,25% thì 400 năm chúng ta thu thuế đất mới bằng bảng giá đất trong khi chúng ta bồi thường giải phóng mặt bằng thì tính theo bảng giá nhân với hệ số thị trường. Vấn đề tiền thuê đất và nếu không cẩn thận chúng ta sẽ cân đối được tiền đền bù giải phóng mặt bằng và mất cân bằng tài chính về đất đai”, bà Thoa nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề về thuế bổ sung, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, hiện nay có nhiều ý kiến, ngay cả việc tính mặt bằng giá đất của quá khứ thế nào cũng có nhiều ý kiến. Ví dụ tại thời điểm có quyết định giao đất hoặc thời điểm giao đất thực tế. “Có nhiều phương án, nhưng cuối cùng thực hiện theo nguyên tắc chia sẻ lợi ích trách nhiệm và quyền lợi các bên. Tỉ lệ 5,4% là mức thu đã cân nhắc, tính toán dựa trên bộ 3 tiêu chí là CPI, chỉ số lạm phát, lãi suất từ 2014 đến nay”, bà Thoa nói.

Bà Nguyễn Thị Thoa phát biểu tại hội thảo
ẢNH: ĐỘC LẬP
Bà Thoa cũng thừa nhận, việc xác định tiền sử dụng đất chậm trách nhiệm phần lớn do nhà nước nhưng cũng có phần lỗi do doanh nghiệp. “Hai vấn đề này cũng khó tách bạch nên nhiều ý kiến cho rằng lỗi này chia 3 nhà nước chịu 2 doanh nghiệp chịu 1. Có ý kiến đề nghị giảm không quá 4%, có đề xuất mức 3,6%. Hay như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất không quá 0,5%. Cũng có ý kiến quay lại tính lỗi thì phải xác định lỗi do bên nào chịu trách nhiệm, nếu do địa phương thì doanh nghiệp sẽ không phải chịu. Chúng tôi lắng nghe nhưng các đề xuất phải cung cấp được cơ sở tính để Cục có thể giải trình và báo cáo với lãnh đạo Bộ và Chính phủ làm sao có giải pháp hài hòa lợi ích”, bà Thoa nói.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.