Tạo ảnh cưới bằng AI, cụ thể là ứng dụng Xingtu đã và đang là “trend” thu hút dân mạng. Dù chưa một “mối tình vắt vai”, dù còn độc thân, chỉ cần sử dụng ứng dụng này là có thể “lên đồ” thành cô dâu, chú rể.
Ảnh cưới bằng AI “phủ sóng” mạng xã hội
Nguyễn Đỗ Minh Anh, sinh viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, cho biết trên mạng xã hội đang “rần rần” trào lưu tạo ảnh cưới bằng Xingtu. “Chỉ với vài thao tác đơn giản, nhiều người đã biến ảnh cá nhân thành “ảnh cưới đẹp như studio”, tạo nên cơn sốt mạng xã hội, đặc biệt là TikTok và Facebook”, Anh nói.
Vũ Nhật Minh, sinh viên Trường CĐ Công thương TP.HCM, cũng nói: “Dạo mạng xã hội, bất ngờ khi thấy nhiều người bạn… trở thành cô dâu, chú rể. Và mình cũng thử làm theo. Bức ảnh mình diện vest như một chú rể trở thành bức ảnh có nhiều lượt yêu thích nhất từ trước đến giờ trên trang cá nhân Facebook”.

Dân mạng tham gia trào lưu tạo ảnh cưới bằng AI
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Hà Thị Hải Thúy (27 tuổi), làm việc ở Công ty TNHH MTV Mỹ Đức Hòa (P.Chợ Lớn, TP.HCM; trước đây là P.12, Q.5, TP.HCM), nói: “Tôi cũng là người trong cuộc, khi tạo ra ảnh cưới AI. Lý do vì ứng dụng cho ra bức ảnh có hiệu ứng chân thật như chụp ở studio, chứ không giống như ghép ảnh thủ công. Ánh sáng, bố cục, phối cảnh được điều chỉnh tự nhiên…”.
Huỳnh Anh Vinh (28 tuổi, ngụ ở xã Đông Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; trước đây là xã Bình Thanh, H.Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), nói: “Tôi sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 10.2025. Câu chuyện chụp ảnh cưới cũng khiến đau đầu vì tốn không ít chi phí. Và rồi hai vợ chồng vô tình thấy “trend” tạo ảnh cưới bằng AI đã làm theo. Không cần thuê studio đắt đỏ, chỉ mất vài phút trên điện thoại là có ảnh đẹp”.
Biến hình thành chú rể vest trắng: Trò vui từ AI hay mối nguy ẩn sau lớp áo cưới?
Phan Công Trọng, sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, nói: “Mình thích trào lưu này vì có thể thử bản thân thành chú rể. Cũng có thể ghép idol (thần tượng – PV) thành bạn đời ảo, tạo nên những bức ảnh cưới rất đẹp, lạ, thú vị”.

Nhiều cô gái sử dụng AI để “biến hình” thành cô dâu
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Nên cân nhắc khi sử dụng
Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Phong (32 tuổi, làm việc tại studio Anna, đường Hồ Văn Huê, P.Đức Nhuận, TP.HCM; trước đây là P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM), cho rằng trào lưu ảnh cưới ảo qua AI như Xingtu là sự kết hợp giữa công nghệ tiên tiến, sáng tạo cá nhân và giải trí cộng đồng.
“Nó cho thấy khả năng của AI trong việc thúc đẩy sáng tạo, biến những tấm hình đời thường thành bức ảnh mang tính nghệ thuật mà vẫn đơn giản, nhanh chóng, tiết kiệm. Tuy nhiên, để không khiến trào lưu trở nên “ảo giác quá mức” hay làm mất giá trị ảnh cưới thật, người dùng nên xác định rõ mục tiêu khi sử dụng là giải trí hay nghiêm túc. Tuy nhiên, tôi cho rằng AI không thay thế được cảm xúc thật, ánh sáng thực, bắt được khoảnh khắc đắt giá như khi chụp ảnh thật. Bởi lẽ ảnh cưới do AI thực hiện dù tiện lợi, nhanh, tiết kiệm chi phí, phù hợp giải trí, nhưng ảnh được thật thì sẽ vẫn giữ nguyên giá trị cảm xúc, ghi dấu khoảnh khắc thực, phù hợp cho bộ ảnh cưới chính thống”, anh Phong nhận xét.
Theo thạc sĩ Huỳnh Thanh Thuận, chuyên gia truyền thông mạng xã hội (Trường CĐ Quốc tế Kent), sở dĩ trào lưu tạo ảnh cưới bằng AI thu hút nhiều dân mạng, là vì khả năng lan truyền mạnh mẽ. “Nội dung hình ảnh dễ thương, mang tính giải trí, dễ chia sẻ lên Facebook, TikTok, Reels… đã tạo hiệu ứng lan truyền nhanh, kéo nhiều người làm theo. Người dùng có thể tạo ảnh cưới một cách tùy ý mà không mất phí. Những người độc thân bỗng nhiên đăng ảnh cưới, đăng ảnh là chú rể, cô dâu, sẽ tạo bất ngờ với người khác. Sau đó, nhiều người tò mò, hỏi cách làm theo, và dẫn đến việc trào lưu này ngày càng lan truyền nhiều hơn”, ông Thuận phân tích.

Nhiều người trẻ thích thú với trào lưu tạo ảnh cưới bằng AI, tuy nhiên có những cảnh báo về rủi ro bảo mật dữ liệu
ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
Theo kỹ sư công nghệ thông tin Vũ Quang Trí (32 tuổi), làm việc tại Công ty tư vấn đầu tư và phát triển công nghệ AIC (Hà Nội), thì nên cân nhắc khi sử dụng các ứng dụng tạo ảnh bằng AI vì có thể gặp nhiều rủi ro về bảo mật dữ liệu. “Như khi gửi ảnh rõ mặt đến các ứng dụng AI sẽ bị biến hóa. Những kẻ xấu có thể lợi dụng hình ảnh, đánh cắp thông tin sinh trắc học, đặc biệt là khuôn mặt, để phục vụ các hành vi giả mạo, mở khóa bảo mật, thậm chí tạo nội dung khiêu dâm thông qua công nghệ deepfake (ghép mặt người khác vào video)…”, anh Trí nói.
Cũng theo anh Trí: “Một vấn đề khác là bản quyền và đạo đức. Khi tạo ảnh cưới bằng cách ghép người nổi tiếng, bạn bè quen mà chưa xin phép có thể gây tranh cãi, thậm chí vi phạm luật sở hữu cá nhân hình ảnh. Thực tế, trên mạng xã hội hiện nay có nhiều người trẻ vô tư lấy ảnh người nổi tiếng là các ca sĩ, người mẫu, diễn viên để làm ảnh cưới cùng họ. Không thể tùy ý như thế. Cần cân nhắc về quyền riêng tư và bản quyền. Đặc biệt tránh sử dụng ảnh người khác để tạo ảnh cưới ảo mà không xin phép. Không được chia sẻ thông tin cá nhân trong ảnh chứa mặt người khác khi chưa rõ quyền sử dụng…”.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.