Tuyển sinh ĐH 2025: Trường hợp nào thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển?

Đến thời điểm này đã được một tuần kể từ ngày thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống của Bộ GD-ĐT. Thí sinh có nên điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã hoàn thành đăng ký?

Phần 2 chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Chiến lược đặt nguyện vọng tăng cơ hội trúng tuyển” do Báo Thanh Niên diễn ra vào lúc 15 giờ 20 hôm nay (23.7), không chỉ tiếp tục giải đáp băn khoăn về cơ hội trúng tuyển vào các ngành, các trường mà còn đưa ra những lời khuyên hữu ích với các trường hợp cần thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển.

Chương trình được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Sau khi thông tin về kết quả đối sánh phổ điểm một số tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với điểm học tập bậc THPT được Bộ GD-ĐT công bố, thí sinh và phụ huynh rất quan tâm tới tác động của kết quả đối sánh này đến cơ hội trúng tuyển các phương thức.

Để giải đáp băn khoăn này, các khách mời tham gia chương trình sẽ phân tích hệ số tương quan kết quả học THPT và thi tốt nghiệp THPT, điều này có ảnh hưởng ra sao tới thí sinh xét tuyển vào một ngành bằng điểm thi tốt nghiệp, điểm học bạ hay các kỳ thi riêng?

Các chuyên gia cũng sẽ lý giải thêm về biểu đồ đối sánh phổ điểm một số tổ hợp truyền thống theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và tác động của nó đối với phương án xây dựng điểm chuẩn của các trường.

Tuyển sinh ĐH 2025: Trường hợp nào thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? - Ảnh 1.

Nhiều thí sinh đã hoàn thành đăng ký nguyện vọng xét tuyển nhưng vẫn muốn điều chỉnh sau khi có sự cân nhắc, tính toán lại

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tham gia tư vấn có các khách mời:

Tuyển sinh ĐH 2025: Trường hợp nào thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? - Ảnh 2.

Các khách mời tham gia tư vấn tại Báo Thanh Niên chiều nay

ảnh: Lê Thanh Hải

  • Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM;
  • Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM;
  • Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing;
  • Thạc sĩ Chung Quốc Phong, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM.

Cũng tại chương trình, đại diện các trường sẽ thông tin cụ thể về điểm sàn xét tuyển vào các ngành học, liệu có sự thay đổi nào sau khi Bộ công bố kết quả đối sánh phổ điểm một số tổ hợp điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025 với điểm học bạ và các hệ số tương quan?

Đặc biệt, theo kế hoạch tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, thí sinh kết thúc việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH-CĐ trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT trước 17 giờ ngày 28.7. Trong khoảng thời gian từ nay đến đó, thí sinh vẫn có thể thay đổi thứ tự nguyện vọng, bổ sung các nguyện vọng mới, loại bỏ nguyện vọng không phù hợp… Vậy, thí sinh chỉ nên điều chỉnh nguyện vọng trong những trường hợp nào?

Thí sinh cần lưu ý thêm các phương thức xét tuyển khác khi đăng ký nguyện vọng

Tham gia chương trình, tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM, cho rằng có nhiều phương thức để xét vào một ngành, Bộ GD-ĐT có chủ trương yêu cầu các trường cho 1 hệ số tương quan để đảm bảo công bằng cho thí sinh. Thí sinh không cần lo lắng mà nên tập trung sắp xếp nguyện vọng phù hợp để có cơ hội trúng tuyển cao.

Đồng quan điểm, thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay việc quy đổi liên quan kỹ thuật, các trường sẽ tính toán đảm bảo sự công bằng. Vì vậy các em không cần tập trung lo lắng vào vấn đề đó.

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, việc quy đổi để có sự tương quan điểm giữa các phương thức, tổ hợp là nhiệm vụ của các trường. Các em nên quan tâm ngưỡng điểm sàn các trường công bố và đây chỉ là mức điểm nhận hồ sơ, chưa phải là điểm chuẩn trúng tuyển. Điểm chuẩn có thể bằng hoặc có thể cao hơn điểm sàn. Đặc biệt, thí sinh lưu ý mỗi trường có nhiều phương thức xét tuyển khác nhau và có ngưỡng điểm sàn khác nhau. Thí sinh cần xem đề án tuyển sinh của các trường để biết trường có có phương thức nào và sử dụng các tổ hợp nào phù hợp khi đăng ký nguyện vọng.

Hướng dẫn thí sinh đăng ký xét tuyển, thạc sĩ Chung Quốc Phong, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM, lưu ý: ”Các em cần xây dựng mục tiêu: Chọn lựa ngành học ra sao? Có thể phân làm 2-3 nhóm nguyện vọng, mỗi nhóm 2-3 nguyện vọng gồm nhóm an toàn: chắc chắn đậu bằng cách đối sánh với điểm chuẩn năm trước; nhóm nguyện vọng mong muốn: mục tiêu cao hơn, đó là ngành, trường mình thích…

Tuyển sinh ĐH 2025: Trường hợp nào thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? - Ảnh 3.

Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP.HCM

ảnh: Lê Thanh Hải

Cách thức đăng ký và xét tuyển nguyện vọng 

Tiến sĩ Lê Xuân Trường cho hay do năm nay điểm các tổ hợp môn thi giảm, một số ngành của trường giảm 1-3 điểm sàn so với năm trước.

Một thí sinh gửi câu hỏi đến chương trình: ”Em muốn xét tuyển ngành xã hội học Trường ĐH Mở TP.HCM, điểm thi tốt nghiệp THPT của em 17 thấp hơn điểm chuẩn năm ngoái 1 điểm. Em muốn đăng ký xét tuyển thêm phương thức học bạ vào ngành này nhưng chưa thực hiện nộp minh chứng trên web trường, giờ em có được xét bằng học bạ không? Em có cần thực hiện thêm thao tác gì để trường xét đồng thời cả điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ không?”.

Trả lời câu hỏi này, tiến sĩ Lê Xuân Trường cho hay: ”Nếu em muốn dùng phương thức học bạ để xét thì không nên lo lắng vì dữ liệu của Bộ GD-ĐT có điểm học bạ của em rồi. Hệ thống sẽ tự động sử dụng điểm nào cao nhất của em để xét. Trường ĐH Mở TP.HCM năm nay không dùng phương thức xét học bạ mà xét chủ yếu điểm thi tốt nghiệp THPT. Với 17 điểm, dự đoán em có khả năng cao đậu vào ngành xã hội học”.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn cũng cho hay Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) lấy điểm sàn thấp hơn năm 2024. Theo đó, trường đào tạo 61 ngành, trong đó có 3 ngành sức khỏe, dược có điểm sàn cao nhất 19 điểm, các ngành không thuộc khối sức khỏe lấy 15 điểm, học bạ lấy 18 điểm, đánh giá năng lực 600 điểm, V-SAT lấy 225 điểm. ”Các em chỉ cần đăng ký mã trường, mã ngành, sắp xếp nguyện vọng phù hợp, các em có điểm của bao nhiêu phương thức thì hệ thống sẽ chọn điểm cao nhất để xét”, thầy Nhơn nhấn mạnh.

Học sinh gửi câu hỏi đến chương trình: ”Em đọc tin thấy nhiều thí sinh đã “chốt chọn” nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Em đã đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng vì điểm thi bằng mức điểm chuẩn năm ngoái. Em có cơ hội trúng tuyển cao không, nếu bổ sung thêm nguyện vọng khác thì em có thể chọn ngành gì gần giống ngành này?”.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn thông tin: ”Thời điểm này chưa thể khẳng định điểm chuẩn bao nhiêu nhưng xu hướng là sẽ giảm nhẹ. 19 điểm thì em có khả năng đậu cao. Nếu em thích ngành này rồi thì cứ mạnh dạn đặt làm nguyện vọng 1, hoặc tham khảo thêm một số ngành gần như quản trị kinh doanh, kinh doanh quốc tế… Ngoài điểm thi tốt nghiệp THPT, các em còn có điểm học bạ với nhiều tổ hợp khác nhau hoặc đánh giá năng lực nên em có rất nhiều cơ hội trúng tuyển”.

Tuyển sinh ĐH 2025: Trường hợp nào thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? - Ảnh 4.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

ảnh: Lê Thanh Hải

Đồng quan điểm, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, thông tin năm 2025 Trường ĐH Tài chính – Marketing xét 4.880 chỉ tiêu, năm nay có 2 nhóm tổ hợp, khác biệt so với năm trước. Trường lấy điểm sàn là 15 cho phương thức điểm thi tốt nghiệp THPTđể phù hợp với phổ điểm chung của tất cả thí sinh, riêng ngành luật môn toán phải đạt 6 điểm trở lên và tổng 3 môn phải đạt 18 trở lên. Với phương thức xét học bạ, trường lấy 18 điểm cho tất cả các ngành. Điểm đánh giá năng lực ngành luật kinh tế là 720, các ngành khác 600, phương thức V-SAT điểm sàn các ngành trừ luật là 225 điểm.

”Em muốn đăng ký ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Tài chính-Marketing chương trình tích hợp vì thấy điểm thi đang bằng khoảng điểm chuẩn của trường năm ngoái? Cơ hội trúng tuyển của em có cao không, chương trình tích hợp có gì khác với các chương trình khác ạ? Với 18,75 điểm tổ hợp D01, A01, em có nhiều cơ hội trúng tuyển vào ngành quản trị kinh doanh? Có thể nộp thêm các phương thức khác không? Dự kiến điểm chuẩn theo phương thức V-SAT là bao nhiêu?”. Đây là tổng hợp câu hỏi các thí sinh gửi đến chương trình cho Trường ĐH Tài chính-Marketing.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin: Năm 2025 trường chỉ tuyển sinh ngành quản trị kinh doanh cho chương trình tích hợp và đào tạo tiếng Anh toàn phần, 2 chương trình này có 2 mã ngành khác nhau. Trường xét nhiều phương thức khác nhau, điểm sàn xét tuyển chưa phải là điểm chuẩn, hiện tại cũng chưa thể dự báo điểm chuẩn cho từng ngành. Đối với ngành quản trị kinh doanh năm nay điểm chuẩn ổn định như năm trước, nếu giảm thì giảm khoảng 0,5-1 điểm. Tuy nhiên nếu thật sự yêu thích, em cứ sắp xếp ngành này lên nguyện vọng 1.

Tuyển sinh ĐH 2025: Trường hợp nào thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? - Ảnh 5.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing

ảnh: Lê Thanh Hải

Thạc sĩ Chung Quốc Phong cho hay Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM (HUFLIT) áp dụng điểm sàn cho 23 ngành là 15 điểm thi tốt nghiệp THPT, 18 điểm theo phương thức xét học bạ và 500 điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Các em hãy đọc thông tin từ các trang chính thống để có thông tin chính xác.

Một phụ huynh gửi câu hỏi đến chương trình: ”Con tôi đăng ký ngành thương mại điện tử Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM điểm thi tốt nghiệp THPT D01 đạt 16 điểm thì có cơ hội trúng tuyển không? Ngành này kết hợp giữa công nghệ và kinh tế, cơ hội việc làm có cạnh tranh được với người học hoàn toàn công nghệ hoặc hoàn toàn kinh tế không?”.

Thạc sĩ Chung Quốc Phong giải đáp thắc mắc: ”Mức điểm này của em là cao hơn điểm sàn. Ngoài ra trường còn nhiều phương thức khác nên em có nhiều cơ hội. Thương mại điện tử là ngành xu hướng, thuộc khoa công nghệ thông tin, tập trung 2 nền tảng về công nghệ và kinh tế, giúp các em có thể phát triển được nghề nghiệp. Chẳng hạn kiến thức về tâm lý khách hàng, phát triển thị trường, tiếp thị, phân tích dữ liệu, sử dụng trí tuệ nhân tạo… Các em được vận hành các dự án mô phỏng thực tế trước khi tốt nghiệp. Nếu thí sinh đam mê ngành này thì cứ đặt nguyện vọng đầu tiên”.

Các chương trình học bổng

Tiến sĩ Lê Xuân Trường cho hay: Trường ĐH Mở TP.HCM dành 40 tỉ đồng/năm để trao học bổng cho tân sinh viên. Có rất nhiều chương trình học bổng khác nhau, trong đó có học bổng vượt khó…

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn thông tin HUTECH có ưu đãi học phí, học bổng cho thí sinh. Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 tại trường được giảm 5 triệu học phí học kỳ 1. Từ năm 2025, trường cam kết học phí ổn định trong toàn khóa học. Trường có học bổng 25% học phí cho toàn bộ thí sinh, học bổng cho thí sinh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế, có điều kiện kinh tế khó khăn… được học bổng tối đa 100% học phí toàn khóa học..

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay hàng năm Trường ĐH Tài chính-Marketing dành 50,5 tỉ hỗ trợ cho tân sinh viên. Trong đó, thí sinh có điểm đầu vào cao (thủ khoa, á khoa) sẽ được nhận học bổng. Ngoài ra có học bổng tiếp sức đến trường, thắp sáng ước mơ, học bổng doanh nghiệp… Quan trọng các em có sự nỗ lực học tập sẽ chinh phục được các suất học bổng giá trị.

Thạc sĩ Chung Thanh Phong cho biết HUFLIT không tăng học phí toàn khóa, chính sách học bổng 15-100% học phí. SInh viên học tại Hóc Môn sẽ được 15% học phí toàn khóa. Bên cạnh đó trường hỗ trợ cho sinh viên vay vốn bằng nguồn tài chính 13 tỉ đồng/năm của trường, không phải trả lãi suất.

Tuyển sinh ĐH 2025: Trường hợp nào thí sinh nên điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển? - Ảnh 6.

Thạc sĩ Chung Quốc Phong, Trưởng phòng tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM

ảnh: Lê Thanh Hải

Chiến lược đăng ký nguyện vọng

Tiến sĩ Lê Xuân Trường khuyên: ”Các em yêu thích ngành nào, với số điểm dự đoán có khả năng đậu một trường nào đó thì các em cũng nên dành đăng ký một vài nguyện vọng cao hơn, khó hơn, yêu thích hơn đặt ưu tiên. Nên đăng ký khoảng 10 nguyện vọng, trong đó 3 nguyện vọng cao hơn, khó hơn so với mức điểm của mình; 3 nguyện vọng trong tầm điểm và vài nguyện vọng ở tầm thấp hơn. Thí sinh không nên đợi ngày cuối cùng mới đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng vì dễ có rủi ro khách quan”.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn nhắn nhủ: ”Trong giai đoạn hiện nay, các em cần sắp xếp nguyện vọng 1 là ngành, trường mà các em mơ ước nhất, tiếp theo là ngành khả thi và cuối cùng là các ngành chắc chắn trúng tuyển. Nhiều em muốn thay đổi thứ tự nguyện vọng, cần cân nhắc sắp xếp đúng thứ tự. Tìm hiểu kỹ chương trình đào tạo, chi phí học tập…”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng chia sẻ: ”Các em đăng ký rồi đừng nên bị dao động, điều chỉnh không đúng sẽ nguy hiểm. Các em xem lại một lần nữa thông tin các ngành tại các trường đã đăng ký, chỉ thay đổi khi thấy bất hợp lý và nhớ đưa ngành, trường mình mong muốn nhất lên những nguyện vọng trên”.

Thạc sĩ Chung Thanh Phong cho thí sinh  lời khuyên: ”Các em nên hoàn thành việc đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trước một ngày, đừng để đến ngày 28.7 mới thực hiện. Trong thời gian này cũng nên tìm hiểu về chương trình đào tạo, môi trường học tập về ngành, trường mình mong muốn để có thông tin và sự chuẩn bị tốt nhất”.

Bạn đọc có thể xem lại phần 1 của chương trình TẠI ĐÂY

📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.