Mức điểm sàn xét tuyển vào ĐH của các ngành

Vào lúc 15 giờ 30 ngày 16.7, phần 3 chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến ‘Cách thức đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp’ do Báo Thanh Niên tổ chức, sẽ tiếp tục mang đến cho thí sinh những thông tin quan trọng khi tham gia xét tuyển ĐH, trong đó có dự báo về điểm sàn xét tuyển.

Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Cách thức đăng ký xét tuyển sau khi biết điểm thi tốt nghiệp” được trực tuyến tại địa chỉ: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.

Đến thời điểm này, thí sinh đã cơ bản nắm được tình hình phổ điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả các kỳ thi riêng được công bố, cũng như kết quả thi tốt nghiệp THPT của mình. Trên cơ sở đó, đại diện các trường ĐH sẽ dự báo về điểm sàn xét tuyển của các phương thức.

Trong đó, có thông tin ngành nào mức điểm sàn thấp, ngành nào có khả năng thu hút nhiều thí sinh và mức điểm xét tuyển cao hơn? Với phổ điểm như vậy, mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh khi tham gia xét tuyển ĐH năm nay sẽ ra sao?

Không chỉ thông tin về điểm sàn dự kiến, đại diện các trường ĐH sẽ lưu ý về việc đăng ký nguyện vọng trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT. Theo quy định của Bộ, thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành, không thực hiện lựa chọn phương thức và tổ hợp xét tuyển. Điều này được hiểu cụ thể như thế nào?

Bên cạnh đó, vấn đề chọn bao nhiêu nguyện vọng là phù hợp và những sai sót thí sinh cần tránh trong quá trình đăng ký, cũng sẽ được chia sẻ.

Mức điểm sàn xét tuyển vào ĐH của các ngành - Ảnh 1.

Năm nay dự kiến điểm sàn xét tuyển có nhiều thay đổi so với năm 2024

ẢNH: TUẤN MINH

Tham gia tư vấn có các khách mời:

Mức điểm sàn xét tuyển vào ĐH của các ngành - Ảnh 2.

Các khách mời tham gia phần 2 chương trình tư vấn chiều nay

ảnh: Lê Thanh Hải

  • Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM;
  • Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing;
  • Thạc sĩ Bùi Mai Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến.

Chiến lược chọn ngành phù hợp năng lực khi xét tuyển ĐH 

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho hay năm nay Bộ GD-ĐT thay đổi có lợi cho thí sinh, đó là khi đăng ký lên hệ thống chung, các em chỉ cần ghi thứ tự nguyện vọng, ghi đúng mã trường và mã ngành, không cần đăng ký phương thức và tổ hợp. Điều này hạn chế thí sinh gặp phải những sai sót không đáng có và hệ thống sẽ tự động chọn phương án tốt nhất cho các em.

Trong khi các thầy cô tư vấn, thí sinh tham gia gửi câu hỏi đến chương trình. Một thí sinh băn khoăn: ”Em đang phân vân giữa 2 ngành thiết kế đồ họa và truyền thông đa phương tiện tại Trường ĐH Công nghệ TP.HCM. Điểm chuẩn năm ngoái em thấy thuộc tốp đầu và chênh nhau 1 điểm. Em nên đặt nguyện vọng 1 theo ngành mình thích hơn hay nên đặt theo thứ tự giảm dần của điểm chuẩn?”.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn cho hay 2 ngành này thuộc lĩnh vực có tính chất sáng tạo. Truyền thông đa phương tiện đào tạo ra những nhà sản xuất truyền thông chuyên nghiệp, năm quy trình từ ý tưởng, tổ chức sản xuất, quản trị truyền thông. Còn thiết kế đồ họa là đào tạo ra những nhà thiết kế những sản phẩm có tính thẩm mỹ… Hai ngành này có mức điểm khá cao so với mặt bằng chung tại trường. ”Em nên đăng ký ngành em thích nhất là ưu tiên 1”, thầy Nhơn cho lời khuyên.

Các yếu tố chọn ngành

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng: Chọn ngành thì quan trọng nhất là yếu tố phù hợp. Có thể các em đậu ngành hot nhưng ngành này không phù hợp thì cũng sẽ khó theo đuổi lâu dài. Doanh nghiệp mong muốn tuyển dụng nhân viên có thể làm được nhiều công việc khác nhau nên yếu tố liên ngành cực kỳ quan trọng. Vì thế lựa chọn ngành phù hợp với điểm mạnh thì sẽ phát huy được sở trường để trang bị nhiều kiến thức liên ngành.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn: Chọn ngành học cần phù hợp với bản thân chứ không phải ngành đang được xã hội cho là có thu nhập cao… Chọn ngành mình không yêu thích dễ bỏ cuộc giữa chừng. Theo đó 3 yếu tố chọn ngành gồm năng lực, sở thích, điều kiện hoàn cảnh gia đình.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing, chia sẻ: Trước khi điền thông tin, các em nên xem các clip hướng dẫn cách thức đăng ký nguyện vọng. Đồng thời ghi vào sổ ngành, trường định đăng ký để không mất nhiều thời gian để điều chỉnh.

”Các em cần có chiến lược đặt nguyện vọng, theo đó ngành thích nhất tại trường thích nhất sẽ là nguyện vọng cao nhất, sau đó đến các nguyện vọng tiếp theo. Nếu trúng tuyển nguyện vọng 1 thì các nguyện vọng sau không xét nữa. Các em không nên đặt quá ít nguyện vọng để đảm bảo an toàn nhưng cũng không nên đặt quá nhiều nguyện vọng vì dễ bị rối. Nên đăng ký khoảng 6 nguyện vọng phù hợp với mức điểm và sở thích, đam mê”, cô Phụng nhấn mạnh.

Gửi thắc mắc đến chương trình ngay sau phần tư vấn của cô Phụng, một thí sinh hỏi: ”Ngành kinh tế Trường ĐH Tài chính-Marketing dự kiến điểm sàn xét tuyển ra sao? Cơ hội việc làm cụ thể của ngành này khi ra trường như thế nào?”.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng thông tin: Trường xác định điểm sàn xét tuyển là 15, nếu em yêu thích ngành kinh tế thì cứ mạnh dạn đăng ký. Chương trình được học về kinh tế vi mô, kinh tế vĩ mô, kinh tế phát triển… Tốt nghiệp làm ở các phòng đầu tư, phòng xây dựng chiến lược, phân tích tài chính giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược, các viện nghiên cứu…

Sau khi sáp nhập TP.HCM là trung tâm tài chính lớn, nhu cầu tuyển dụng ngành kinh tế cao hơn. Tuy nhiên các em phải đáp ứng được kiến thức chuyên môn và kỹ năng mềm, nghiêm túc với ngành nghề mình theo đuổi.

Mức điểm sàn xét tuyển vào ĐH của các ngành - Ảnh 3.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing

ảnh: Lê Thanh Hải

Thạc sĩ Bùi Mai Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến, khuyên thí sinh cần cân nhắc kỹ khi lựa chọn thứ tự ưu tiên. Nếu đặt quá nhiều nguyện vọng, thí sinh dễ bối rối và phân vân. ”Các em cần lưu ý kỹ mã ngành và mã trưởng, mọi năm thí sinh hay sai sót điều này. Khi đăng ký xong cần kiểm tra lại thông tin. Các em cũng cần lưu ý mốc thời gian thanh toán lệ phí xét tuyển là từ 29.7-5.8”, thầy Lâm nhấn mạnh.

”Em tìm hiểu thấy Trường ĐH Văn Hiến đào tạo ngành ngôn ngữ Trung Quốc liên kết quốc tế ngôn ngữ Trung Quốc, cụ thể chương trình đào tạo ra sao, cơ hội chuyển tiếp du học nước ngoài ngành này như thế nào? Ngành này khác ngành Trung Quốc học ra sao?”, một thí sinh gửi câu hỏi đến chương trình.

Thạc sĩ Bùi Mai Hoàng Lâm giải đáp: Đây là mô hình 2+2, học 2 năm tại Trường ĐH Văn Hiến với các kiến thức cơ sở ngành để đạt trình độ Hán ngữ bậc 4, sau đó 2 năm học tại Trường ĐH Dân tộc Quảng Tây Trung Quốc. Các em có nhiều cơ hội nhận học bổng, tốt nghiệp được cấp bằng có giá trị quốc tế.

”Ngành ngôn ngữ Trung Quốc trang bị các kỹ năng nghe nói đọc viết, kỹ năng giao tiếp ngôn ngữ…. Học xong có thể làm biên phiên dịch, giảng dạy, làm tại doanh nghiệp… Ngành Trung Quốc học ngoài ngôn ngữ còn trang bị các kiến thức lịch sử, văn hóa, con người, địa lý Trung Quốc. Ra trường, sinh viên có thể làm tại các cơ quan ngoại giao”, thầy Lâm thông tin thêm.

Những lưu ý khi xét tuyển ĐH theo quy định mới 

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng lưu ý thí sinh khi xét tuyển ĐH năm nay cần nắm được cách thức quy đổi điểm về thang điểm chung của các trường.

Năm nay điểm vào trường ĐH Tài chính marketing có thể giảm nhẹ chứ không giảm sâu. Dự đoán tổ hợp A00, A01, D01, B00 có thể sẽ giảm từ 1-2 điểm. Chẳng hạn ngành marketing trường lấy 26 điểm năm 2024 thì năm nay có thể 24-25 điểm. Trong khi đó phổ điểm tổ hợp C00 điểm nhỉnh hơn nên có thể điểm xét tuyển và điểm chuẩn sẽ cao hơn.

Tại chương trình, cô Phụng nhấn mạnh, thí sinh vẫn hay nhầm lẫn điểm sàn xét tuyển là điểm chuẩn. Cô Phụng cho hay: ”Điểm sàn là điểm mà các em đủ điều kiện để nộp hồ sơ. Điểm chuẩn được xác định sau khi lấy thí sinh từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu”.

Mức điểm sàn xét tuyển vào ĐH của các ngành - Ảnh 4.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM

ảnh: Lê Thanh Hải

Còn thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn nhận định năm nay môn toán và tiếng Anh điểm không cao nên có khả năng tổ hợp xét tuyển có 2 môn này sẽ không cao như năm trước. Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (Hutech) đã công bố điểm sàn, từ 15 điểm với phương thức xét kết quả thi THPT và 18 với xét học bạ.

Theo thầy Nhơn, ngành ”hot” thì số lượng thí sinh đông dẫn đến sự cạnh tranh cao. Ví dụ quản trị kinh doanh, marketing, truyền thông đa phương tiện, công nghệ thông tin… có mức điểm nhỉnh hơn các ngành khác.

Còn thạc sĩ Bùi Mai Hoàng Lâm khuyên: Thí sinh đợi các trường công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào rồi đăng ký nguyện vọng phù hợp. Trường ĐH Văn Hiến dự đoán năm nay điểm không chênh lệch nhiều so với năm trước. Nhóm ngành truyền thông, khoa học xã hội hành vi, công nghệ thông tin… là những ngành được thí sinh quan tâm nhiều.

Mức điểm sàn xét tuyển vào ĐH của các ngành - Ảnh 5.

Thạc sĩ Bùi Mai Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến

ảnh: Lê Thanh Hải

Các chính sách học bổng hỗ trợ sinh viên 

Để hỗ trợ sinh viên an tâm học tập, các trường có nhiều chính sách học bổng. Thạc sĩ Bùi Mai Hoàng Lâm cho hay Trường ĐH Văn Hiến hàng năm dành 30 tỉ đồng học bổng cho sinh viên có thành tích học tập tốt, hoạt động tích cực, hoàn cảnh khó khăn… Trường cam kết nơi thực tập, tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp.

Với Trường ĐH Tài chính-Marketing, thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng cho hay trường dành 50,5 tỉ đồng hỗ trợ tân sinh viên 2025. Thủ khoa, á khoa đầu vào, sinh viên có học lực khá giỏi, sinh viên khó khăn… đều được học bổng. Ngoài ra, trường kết nối với nhiều doanh nghiệp để có thêm học bổng. Quan trọng là các em phải nỗ lực để có kết quả học tập tốt.

Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn thông tin năm 2025 HUTECH tuyển 61 ngành, nhóm kinh tế quản lý, truyền thông, khoa học sức khỏe, công nghệ thông tin, ngôn ngữ, kiến trúc… Chương trình học cử nhân 3,5 năm với 44 triệu đồng/năm, chương trình kỹ sư là 40 triệu/năm học trong 4 năm, ngành sức khỏe 48 triệu đồng/năm học trong 4,5 năm. Thí sinh được giảm 25% học phí toàn khóa học nếu điểm học bạ học kỳ 1, cả năm lớp 12 từ 20 điểm trở lên. Nếu thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào trường và trúng tuyển sẽ được ưu đãi 5 triệu đồng học phí học kỳ 1… Trường cũng cam kết cố định học phí cho toàn khóa học.

Bạn đọc có thể xem lại phần 1 phần 2 của chương trình. 


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.