Vào lúc 14 giờ ngày 16.7, Báo Thanh Niên tổ chức chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến ‘Cách đăng ký xét tuyển ĐH sau khi biết điểm thi tốt nghiệp’. Tại đây, các chuyên gia sẽ nêu những nhận định về xu hướng điểm chuẩn ĐH từ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến “Cách đăng ký xét tuyển ĐH sau khi biết điểm thi tốt nghiệp” diễn ra đồng thời ở các kênh: thanhnien.vn, fanpage Facebook, kênh YouTube, TikTok Báo Thanh Niên.
Bộ GD-ĐT đã công bố điểm thi, phổ điểm và phân tích phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đáng chú ý, chuyên gia nhận định phổ điểm thi một số môn gây bất ngờ. Vậy, phổ điểm thi này sẽ tác động ra sao tới mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh khi tham gia xét tuyển, cũng như tình hình điểm chuẩn ĐH năm nay?

Học sinh xem kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được công bố sáng nay
ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trong chương trình tư vấn truyền hình trực tuyến, chuyên gia tuyển sinh các trường ĐH sẽ có những nhận định gì xung quanh tình hình phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay. Trên cơ sở đó, đại diện các trường ĐH đưa ra dự báo gì về xu hướng cạnh tranh giữa các thí sinh trong xét tuyển, dự báo điểm sàn cũng như xu hướng điểm chuẩn ĐH năm nay.
Phần 2 chương trình diễn ra từ 14-15 giờ, gồm các chuyên gia:

Các chuyên gia tham gia chương trình tư vấn chiều nay
ảnh: Lê Thanh Hải
- Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân;
- Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành;
- Ông Huỳnh Thanh Duy, Đại diện phòng Tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM.
Điểm chuẩn trúng tuyển các ngành tốp đầu có thể ổn định
Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân, cho hay 5 khối thi truyền thống cũng có mức điểm trung bình chung, bức tranh điểm số của kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được công khai. Trong các môn thi, môn nào điểm trung bình và trung vị đều giảm so với năm ngoái (trừ môn vật lý). Giảm nhiều nhất là toán, điểm trung vị giảm đến 2,2 điểm và là môn có điểm trung bình thấp nhất trong số 12 môn. Trong khi đó, toán là một trong 2 môn thi bắt buộc của kỳ thi tốt nghiệp THPT, đồng thời là một trong 2 môn bắt buộc trong mỗi tổ hợp xét tuyển.
Từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, điểm chuẩn đại học sẽ ra sao?
Năm nay, môn tiếng Anh là môn tự chọn, thí sinh chọn môn thi này khi có sức học từ khá trở lên. Nhưng điểm trung bình và trung vị môn học này của năm nay đều thấp hơn năm ngoái, điều này cho thấy độ khó của đề thi.
Năm nay, độ phân hóa của các môn thi tốt. Dự báo, điểm chuẩn trúng tuyển các ngành tốp đầu như: y khoa, trí tuệ nhân tạo… có thể ổn định vì điểm 10 năm nay vẫn nhiều. Theo thống kê năm nay có trên 15.000 thí sinh đạt điểm 10, cao hơn năm ngoái. Sự biến động điểm chuẩn có thể nằm trong nhóm các ngành có điểm trung bình mỗi môn khoảng 6-7,5 điểm, các ngành trong khoảng này có thể điểm chuẩn sẽ giảm.
Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho rằng năm nay, đề thi có sự phân hóa hợp lý vừa đảm bảo xét tốt nghiệp vừa phục vụ tuyển sinh ĐH. Bên cạnh phổ điểm môn toán, tiếng Anh như vừa trao đổi, các môn tổ hợp khoa học xã hội có phổ điểm khá cao, nhiều thí sinh đạt được mức 7-8 điểm/môn.

Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Phó giám đốc thường trực ĐH Duy Tân
ảnh: Lê Thanh Hải
Xét tuyển ĐH: Mức độ cạnh tranh cao trong khoảng điểm từ 18-22 điểm
Theo tiến sĩ Võ Thanh Hải, năm nay việc xét tuyển sẽ có mức cạnh tranh cao. Do không còn xét tuyển sớm nên tất cả thí sinh cùng thực hiện việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống tuyển sinh chung của Bộ GD-ĐT từ ngày 16.7 đến 17 giờ ngày 28.7. Bên cạnh đó, tất cả các phương thức tuyển sinh đều thực hiện đồng thời và quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức, sự cạnh tranh sẽ cao hơn khi diễn ra đồng thời ở nhiều phương thức. Tuy nhiên, năm nay sẽ không có tình trạng thí sinh điểm cao nhưng không trúng tuyển vào một ngành của một trường nào đó. Thí sinh có điểm tốt, đăng ký nguyện vọng phù hợp sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý nếu đăng ký vào một số ngành có sàn theo quy định chung của Bộ GD-ĐT như: sức khỏe, đào tạo giáo viên, pháp luật, vi mạch bán dẫn.
Riêng ĐH Duy Tân, năm nay thí sinh xét tuyển có nhiều thuận lợi khi chỉ tiêu tăng và có nhiều ngành mới.
Thạc sĩ Trương Quang Trị cho rằng mức độ cạnh tranh trong xét tuyển năm nay rất cao, đặc biệt trong khoảng điểm từ18-22 điểm. Tuy nhiên, thí sinh vẫn còn những lựa chọn khác bằng các phương thức xét học bạ, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, điểm kỳ thi V-SAT… Năm nay, nhiều trường ĐH mở rộng tổ hợp xét tuyển cũng tạo thêm cơ hội cho thí sinh.
Năm nay, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sử dụng các phương thức xét tuyển dựa vào điểm xét tốt nghiệp, điểm học bạ, điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM và ĐH Quốc gia Hà Nội, kỳ thi V-SAT, kỳ thi tốt nghiệp THPT… Sự đa dạng hóa về phương thức tuyển sinh cũng góp phần tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Vì thế, thí sinh cũng nên tìm hiểu cơ hội ở những ngành học mới, năm nay trường có 4 ngành học mới. Dự kiến điểm vào các ngành quản trị, khối ngành kỹ thuật công nghệ của trường có thể dao động từ 16-20 điểm dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT. Với các ngành khoa học sức khỏe, thí sinh nên cân nhắc khi đăng ký xét tuyển vì nhóm ngành này có độ cạnh tranh cao và phải đảm bảo tiêu chí ngưỡng đầu vào do Bộ GD-ĐT quy định.
Còn thầy Huỳnh Thanh Duy cho hay Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM chờ thêm lượt thí sinh đăng ký xét tuyển để thấy mức độ cạnh tranh giữa các thí sinh. Năm nay, trường sử dụng các phương thức tuyển sinh truyền thống như: điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ THPT, điểm kỳ thi đánh giá năng lực ĐH Quốc gia TP.HCM. Sắp tới, trường sẽ công bố công thức quy đổi điểm giữa các phương thức theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Trong các tổ hợp xét tuyển của trường năm nay, môn tiếng Anh có vai trò quan trọng. Thí sinh có hoặc không dự thi môn tiếng Anh, vẫn có thể sử dụng chứng chỉ điểm ngoại ngữ quốc tế để quy đổi điểm môn tiếng Anh trong xét tuyển vào trường. Thí sinh đăng ký xét tuyển chú ý chỉ cần đăng ký mã trường, mã ngành.

Thạc sĩ Trương Quang Trị, Phó phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành
ảnh: Lê Thanh Hải
Lời khuyên cho thí sinh chọn ngành xét tuyển
Tham gia chương trình tư vấn, nhiều thí sinh gửi câu hỏi liên quan đến việc lựa chọn ngành. Một bạn đọc chia sẻ: “Em đã xác định đăng ký nhóm ngành ngôn ngữ nhưng vẫn còn chút băn khoăn ngôn ngữ Anh, Trung, Nhật, Hàn. Với mong muốn làm việc cho đơn vị có yếu tố nước ngoài, ngôn ngữ nào sẽ dễ tìm việc hơn ngay tại miền Trung thời gian tới? Em được 22 điểm tổ hợp D01”.
Tiến sĩ Võ Thanh Hải khuyên thí sinh có thể mạnh dạn chọn các ngoại ngữ hiếm như Trung, Nhật, Hàn để giảm sự cạnh tranh với tiếng Anh vốn có nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, dù học ngoại ngữ hiếm thì vẫn nên chọn ngoại ngữ 2 là tiếng Anh. Khi có ngoại ngữ hiếm này, cơ hội tìm việc sẽ thuận lợi hơn.
Một thí sinh thắc mắc: ”Em rất thích ngành răng-hàm-mặt nhưng điểm thi không đạt như kỳ vọng. Em hỏi ngành điều dưỡng chuyên ngành răng-hàm-mặt đào tạo những gì, có phải ra trường vẫn làm công việc liên quan đến răng-hàm-mặt không? Điểm chuẩn dự kiến ra sao?”.
Thạc sĩ Trương Quang Trị: Đây là một chuyên ngành mới của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đào tạo kỹ năng điều dưỡng phục vụ lĩnh vực nha khoa. Trong năm nay, trường đã đầu tư hơn 136 tỉ đồng cơ sở vật chất phục vụ việc thực hành của sinh viên. Cơ hội việc làm của ngành học này đang rất mở, không chỉ trong mà còn ngoài nước.
”Em có điểm thi khá an toàn khi xét tuyển vào 2 ngành quan hệ quốc tế và kinh doanh quốc tế (điểm chuẩn 2 ngành năm ngoái cùng mức 20). Tuy nhiên em còn chút phân vân khi lựa chọn 1 ngành cho nguyện vọng 1, với mong muốn ra trường làm việc trong môi trường có yếu tố quốc tế thì em nên chọn ngành nào, em không giỏi về con số nhưng có thế mạnh ngôn ngữ ạ?”.

Ông Huỳnh Thanh Duy, Đại diện phòng Tuyển sinh Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM
ảnh: lê Thanh Hải
Thầy Huỳnh Thanh Duy phân tích: ”Với thế mạnh về ngôn ngữ mà không giỏi về con số, có thể nói ngành quan hệ quốc tế là sự lựa chọn phù hợp. Khi học tập ngành này tại Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM, sinh viên có cơ hội được học bằng tiếng Anh, sử dụng tiếng Anh trong quá trình học tập. Đây là ngành đã được đào tạo trên 25 năm tại trường, sinh viên có cơ hội thực tập tại các doanh nghiệp và cơ quan hợp tác quốc tế ngay tại Việt Nam – phù hợp với mong muốn có cơ hội làm việc trong môi trường có yếu tố quốc tế.
Năm 2025, Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM có nhiều chính sách học bổng dành cho thí sinh trúng tuyển vào trường. Năm nay, trường cũng không tăng học phí toàn khóa, giữ ổn định ở mức 1.230.000 đồng/tín chỉ. Ngoài ra, trường có quỹ cho sinh viên khó khăn vay tiền học tập không lãi suất”.
Bạn đọc có thể xem lại phần 1 của chương trình TẠI ĐÂY.
Phần 3 chương trình sẽ tiếp tục diễn ra từ 15 giờ 15-16 giờ 15, gồm các chuyên gia:
- Thạc sĩ Võ Ngọc Nhơn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Công nghệ TP.HCM;
- Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Phụng, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Tài chính-Marketing;
- Thạc sĩ Bùi Mai Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Văn Hiến.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.