Những năm gần đây, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức nghiêm túc và dần cải tiến theo hướng đánh giá năng lực. Thế nhưng đằng sau những phổ điểm đẹp, vẫn có những câu hỏi khiến xã hội day dứt: Kỳ thi đang khuyến khích điều gì? Học sinh học vì điều gì? Và năng lực thật sự của các em có được phát triển đúng nghĩa?
Qua kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay càng thấy rõ nhiều học sinh chọn môn thi theo chiến thuật: dễ, ít cạnh tranh, điểm cao. Năm đầu tiên môn ngoại ngữ trở thành tự chọn thì có hơn 60% học sinh không chọn ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hơn 40% học sinh tập trung vào các môn lịch sử, địa lý trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Điều này phản ánh một thông điệp đáng lo: Học dễ, thi dễ là con đường an toàn. Nếu điều này tiếp tục diễn ra trong thời gian tới, chúng ta đang vô tình tiếp tay cho một tư duy ngắn hạn, xa rời sứ mệnh của giáo dục là phát triển con người toàn diện, có tư duy độc lập, năng lực sáng tạo và giải quyết vấn đề thực tiễn. Chưa kể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao cho những lĩnh vực khoa học, công nghệ trọng điểm.
Từ thực tế này, cần điều chỉnh để đề thi cần được thiết kế không phải để làm khó mà để làm đúng. Một đề văn đặt học sinh vào tình huống xã hội để trình bày quan điểm cá nhân, một đề toán mô phỏng tình huống kinh tế giả định, hay đề ngoại ngữ gắn với ngữ cảnh giao tiếp thực tế. Đó là cách để kỳ thi trở thành bài học sống động, giúp học sinh rèn tư duy phản biện, vận dụng và sáng tạo.
Bên cạnh đó, cũng cần xem lại cấu trúc tổ hợp môn thi. Tự do lựa chọn là cần thiết, nhưng tự do tuyệt đối dễ dẫn đến lệch lạc. Việc học sinh né tránh các môn nền tảng như ngoại ngữ, khoa học tự nhiên hay tin học đang khiến cấu trúc nguồn nhân lực tương lai trở nên mất cân đối.
Kỳ thi cũng nên trở thành chiếc la bàn hướng nghiệp. Mỗi môn thi, nếu gắn với các nhóm ngành nghề cụ thể như vật lý với kỹ thuật, sinh học với y, ngoại ngữ và địa lý với du lịch – ngoại giao, tin học với công nghệ… sẽ giúp học sinh có định hướng rõ ràng hơn cho tương lai. Khi các em biết lựa chọn hôm nay có thể mở ra cánh cửa ngày mai, kỳ thi sẽ không là cuộc đua điểm số, mà trở thành hành trình khai phá năng lực bản thân.
Đổi mới thi cử cũng không thể thiếu vai trò của giáo viên. Như Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và xã hội Nguyễn Đắc Vinh từng nhấn mạnh: Nếu đề thi đổi mới thực chất, giáo viên sẽ thay đổi cách dạy, học sinh sẽ thay đổi cách học, phụ huynh sẽ thay đổi kỳ vọng, và xã hội sẽ thay đổi cách nhìn về giáo dục. Học không chỉ để thi, mà để tích lũy tri thức, phát triển năng lực, hoàn thiện nhân cách và hội nhập quốc tế. Đó là mục tiêu mà kỳ thi nào cũng phải hướng tới.
Trong thời đại số và trí tuệ nhân tạo, nếu kỳ thi chỉ kiểm tra khả năng ghi nhớ thì sẽ nhanh chóng lạc hậu. Nhưng nếu nó là nơi chạm đến năng lực sống, năng lực tư duy và khát vọng phát triển, thì kỳ thi sẽ trở thành động lực sống thực sự. Cần từ bỏ tư duy “thi cho xong” hay “thi để xét tuyển”; thay vào đó là “thi để trưởng thành”, “thi để nhìn lại hành trình học tập”, “thi để sẵn sàng cho chặng đường phía trước”.
Một kỳ thi đúng nghĩa sẽ không chỉ đánh giá năng lực mà còn đánh thức tiềm năng, đam mê và bản lĩnh của thí sinh.
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.