Từ phổ điểm thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT vừa công bố và các thống kê cho thấy TP.HCM không còn giữ vị trí đứng đầu cả nước môn tiếng Anh sau 8 năm.
TP.HCM (bao gồm TP.HCM, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương cũ) với tổng số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT là 127.290, xếp thứ 3 trong tốp 10 địa phương có điểm trung bình môn toán cao nhất với 5,256 điểm. TP.HCM cũng là địa phương có số thí sinh đạt điểm tối đa môn toán xếp thứ 3 với 43 thí sinh điểm 10.

Phổ điểm môn tiếng Anh
ảnh: Bộ GD-ĐT
Còn ở môn ngữ văn, với mức điểm trung bình 7,07 điểm, TP.HCM xếp hạng 10 trong 34 tỉnh, thành.
Ở môn tiếng Anh, TP.HCM xếp thứ 2 sau Hà Nội trong số 10 địa phương có điểm trung bình cao nhất cả nước. Và cũng đứng thứ 2 trong số 10 địa phương có số thí sinh đạt điểm tuyệt đối.
Sau 8 năm liên tiếp dẫn đầu cả nước ở điểm trung bình môn tiếng Anh, năm nay TP.HCM xếp thứ 2, nhường vị trí đầu bảng cho Hà Nội.
Với môn vật lý, dù không nằm trong tốp 10 địa phương có điểm trung bình cao nhất nhưng TP.HCM là địa phương đứng đầu cả nước về số thí sinh đạt điểm 10 với 634 thí sinh.
Tương tự là môn hóa học, theo thống kê phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT thì TP.HCM có 58 thí sinh đạt điểm 10, đứng thứ 3, sau Hà Nội, Thanh Hóa.

Phổ điểm môn toán
ảnh: Bộ GD-ĐT
Còn môn sinh học, với mức điểm trung bình 6,287, TP.HCM xếp thứ 4 và đứng đầu cả nước với 20 thí sinh đạt điểm tối đa.
Môn lịch sử TP.HCM có điểm trung bình ở mức 6,686, xếp thứ 6 trong số 10 tỉnh có điểm trung bình cao nhất và xếp thứ 8 (54 thí sinh) trong số 10 địa phương có nhiều điểm 10 môn này nhất.
Tương tự với môn địa lý, TP.HCM là địa phương có điểm trung bình xếp thứ 5 và có 311 thí sinh đạt điểm tối đa…

TP.HCM xếp thứ hai trong 10 địa phương có điểm trung bình cao nhất môn tiếng Anh
ảnh: Bộ GD-ĐT
Chiều nay 15.7, tại hội nghị phân tích phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THTP 2025, đại diện nhóm chuyên gia độc lập giúp Bộ GD-ĐT phân tích, đánh giá phổ điểm. Về phân tích phổ điểm, chỉ có môn ngữ văn là môn tự luận, còn lại các môn là trắc nghiệm. Phân tích phổ điểm có đội ngũ chuyên gia độc lập trên cơ sở dữ liệu các sở GD-ĐT gửi về cho Bộ GD-ĐT.
Theo đó, chuyên gia là những giáo sư, tiến sĩ khoa học, đại diện lãnh đạo sở GD-ĐT, đại diện trường THPT nhận xét một cách khách quan trên cơ sở điểm thi, phổ điểm của Bộ GD-ĐT cung cấp. Bộ GD-ĐT cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến thí sinh và xã hội về kết quả kỳ thi đầu tiên đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Trưởng Ban chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, cho rằng kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thực hiện đầy đủ 3 mục tiêu quan trọng: xét tốt nghiệp, cung cấp dữ liệu đánh giá chất lượng dạy học ở phổ thông, và là căn cứ cho chính sách giáo dục. Phân tích phổ điểm năm nay không chỉ mang tính lý thuyết mà còn phản ánh thực tiễn vận hành kỳ thi, từ khâu ra đề đến tổ chức thi, tuyển sinh.
Theo ông Thưởng, không còn đơn thuần kiểm tra kiến thức, đề thi của kỳ thi vừa qua đã chuyển trọng tâm sang đánh giá năng lực. Học sinh được lựa chọn môn thi theo sở trường – một bước tiến trong định hướng nghề nghiệp cá nhân. Lần đầu tiên, môn tin học và tiếng Anh được đưa vào chọn lựa, thể hiện rõ nguyên lý “không ai bị bỏ lại phía sau.” Thậm chí, có môn tỉnh chỉ có 1 thí sinh đăng ký nhưng vẫn được tạo điều kiện tối đa để em đó dự thi. Chính sự linh hoạt đó đã giúp học sinh phát huy tối đa năng lực cá nhân, đồng thời đặt ra thách thức mới cho giáo viên trong công tác giảng dạy.
Ông Thưởng cho rằng phổ điểm năm nay được đánh giá có độ tin cậy cao, đủ sức làm căn cứ tuyển sinh đại học. Các tỉnh vùng khó như Gia Lai, An Giang có học sinh đạt điểm cao ở môn tin học, phản ánh tác động tích cực từ các chính sách liên quan đến dạy học, thi cử…
📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.