Đề xuất 3 giai đoạn thực hiện thi tốt nghiệp THPT trên máy tính

Việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu lộ trình thi trên máy tính là tín hiệu tích cực, thể hiện tư duy cải cách mạnh mẽ, bắt nhịp với xu thế giáo dục hiện đại toàn cầu.

Trên thế giới, hình thức thi trên máy tính đã được triển khai rộng rãi ở nhiều cấp học và lĩnh vực, từ phổ thông đến ĐH, từ chứng chỉ nghề đến khảo thí ngôn ngữ. Các kỳ thi quốc tế như IELTS trên máy tính, TOEFL iBT, SAT, tin học MOS (Microsoft Office Specialist), ICDL (International Computer Driving Licence)… đều được tổ chức nghiêm túc, chuẩn mực, có hệ thống kiểm định kết quả và ngân hàng đề thi phong phú, cập nhật liên tục. VN không phải đứng ngoài cuộc chơi này.

Đề xuất 3 giai đoạn thực hiện thi tốt nghiệp THPT trên máy tính - Ảnh 1.

Cần cho học sinh tiếp xúc, làm quen với việc thi trên máy tính sớm

ẢNH: NHẬT THỊNH

Tuy nhiên, chúng ta không thể nhảy vọt từ thi giấy sang thi máy toàn quốc trong một sớm một chiều mà cần lộ trình được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1 (từ năm 2025 – 2027): Thí điểm quy mô nhỏ ở các trường đạt chuẩn số. Tập trung vào các môn có thể khách quan hóa cao như ngoại ngữ, tin học, toán, lý, hóa. Học sinh (HS) làm quen từ bài kiểm tra trong lớp đến bài kiểm tra cuối kỳ trên máy tính.

Giai đoạn 2 (2028 – 2030): Mở rộng đến các địa phương có điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin tốt. Kết hợp các trung tâm khảo thí độc lập, nơi HS có thể đăng ký thi ngoài nhà trường. Hệ thống ngân hàng đề thi trung ương bắt đầu đi vào vận hành.

Giai đoạn 3 (sau 2030): Toàn quốc hóa thi trên máy tính ở kỳ thi THPT và tuyển sinh. Lúc này, phần lớn HS đã quen, hệ thống đã hoàn thiện, dữ liệu được liên thông giữa các địa phương. Bộ GD-ĐT chỉ còn đóng vai trò điều phối, giám sát và phát triển chuẩn đánh giá.

Kỳ thi trên máy tính sẽ có lợi thế vượt trội so với thi giấy. Các ưu việt có thể thấy như: Nhanh chóng, chính xác, tiết kiệm nhân lực; chấm thi tự động, xuất kết quả nhanh, tránh sai sót và tiêu cực; tùy biến đề thi, mỗi thí sinh có mã đề riêng, tránh học tủ, học lệch; dễ tổ chức lại kỳ thi phụ; HS bị sự cố có thể thi lại dễ dàng, không phải chờ đợt sau. Ngoài ra, thi trên máy còn giảm áp lực in ấn, vận chuyển, bảo mật đề thi giấy. Hình thức thi này giúp thí sinh có thể sử dụng AI là công cụ hỗ trợ học tập.

Tuy nhiên, cũng cần thiết phải xét đến các khó khăn như kinh phí và sự đồng bộ. Chúng ta không thể né tránh thực tế rằng kinh phí đầu tư hạ tầng là trở ngại lớn nhất. Tuy nhiên, nếu so với các khoản chi không cần thiết trong giáo dục (lễ hội, hình thức, giấy tờ…) thì đầu tư vào máy tính, mạng ổn định, phần mềm thi là đầu tư cho sự phát triển bền vững. Thay vì chạy theo thi đua điểm số, hãy chuyển sang thi đua đổi mới công nghệ đánh giá. Cùng với đó, phải đào tạo giáo viên sử dụng hệ thống, bồi dưỡng chuyên môn ra đề chuẩn hóa, tăng cường truyền thông cho phụ huynh, HS để giảm lo ngại và tạo đồng thuận xã hội.

Chuyển sang thi trên máy tính không phải là lựa chọn, mà là hướng đi tất yếu. Đó là xu thế hiện đại hóa giáo dục, là cách để VN từng bước hội nhập vào chuẩn đánh giá quốc tế. Nhưng như mọi cuộc cải cách, cần niềm tin, lộ trình thông minh, sự đầu tư đúng trọng tâm và đặc biệt là quyết tâm từ cấp lãnh đạo đến thầy cô đứng lớp. Giáo dục chỉ thật sự chuyển mình khi đánh giá thay đổi. Và thi trên máy tính với tất cả lợi thế về công nghệ, công bằng, minh bạch, chính là cú hích để giáo dục VN bước sang kỷ nguyên mới: Giáo dục thông minh trong thời đại số.


📌 Bài viết này được đóng góp bởi người dùng và bản quyền thuộc về người dùng đã xây dựng bài viết. Bản quyền thuộc về tác giả gốc và chỉ dùng cho mục đích học tập và giao tiếp. Nếu có bất kỳ vi phạm nào, vui lòng liên hệ với chúng tôi để xóa nó.